Chỉ thị 13/2009/CT-UBND tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh An Giang
Số hiệu | 13/2009/CT-UBND |
Ngày ban hành | 11/09/2009 |
Ngày có hiệu lực | 21/09/2009 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh An Giang |
Người ký | Huỳnh Thế Năng |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2009/CT-UBND |
Long Xuyên, ngày 11 tháng 9 năm 2009 |
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh của kinh tế thì vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân và sự phát triển bền vững. Nguyên nhân chính là do các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư, cơ quan, tổ chức còn thấp; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ; việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nghiêm. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm cải thiện ô nhiễm nguồn nước, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng môi trường tỉnh vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực, tình hình ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố thực hiện ngay các biện pháp cấp bách nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tiến hành tìm giải pháp xử lý ngay các vấn đề, khu vực, điểm ô nhiễm môi trường đang tồn tại và bức xúc từ trước đến nay trên địa bàn toàn tỉnh.
Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, lực lượng Cảnh sát Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố để kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến huyện, thị, thành phố; quy định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp và cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan trong việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Phối hợp với Sở Tư pháp, các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố rà soát các quy định hiện hành để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm có chế tài nghiêm khắc đủ sức răn đe các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường theo quy định pháp luật.
Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát Môi trường, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường; Đẩy nhanh việc xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải.
Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các đoàn thể, cơ quan báo, đài và Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác kiểm tra việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế, lò đốt rác y tế, chất thải y tế của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và lực lượng Cảnh sát Môi trường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật môi trường trong lĩnh vực y tế.
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý nước thải y tế, lò đốt rác y tế của các cơ sở y tế trực thuộc tỉnh và huyện, thị, thành phố; triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải y tế.
Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế thu gom, xử lý nước thải y tế và vận hành thường xuyên, đạt tiêu chuẩn môi trường; bố trí thiết bị chuyên dụng để phân loại bệnh phẩm, rác thải y tế tại nguồn; xử lý, tiêu huỷ bệnh phẩm, rác thải y tế, thuốc hết hạn sử dụng bảo đảm vệ sinh, tiêu chuẩn môi trường; Các cơ sở chiếu xạ, dụng cụ thiết bị y tế có sử dụng chất phóng xạ phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn hạt nhân và an toàn bức xạ.
Tổ chức kiểm tra, kiến nghị với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan để có kế hoạch xúc tiến nhanh việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế của các cơ sở y tế trực thuộc Trung ương quản lý theo quy định.
3. Sở Công thương có trách nhiệm:
Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm đối với hoạt động sản xuất các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa có biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời có biện pháp, chế tài để tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chợ và các khu thương mại.
Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố khẩn trương xây dựng quy chế cụ thể để quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vấn đề chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tổ chức tổng kiểm tra tình hình nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất công nghệ lạc hậu, phế liệu có khả năng gây ô nhiễm, huỷ hoại môi trường để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành liên quan nghiên cứu các cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường như: đầu tư xử lý nước thải, tái chế xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại. Phối hợp kiểm tra, đề xuất xử lý đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan cần quan tâm đến việc lồng ghép chặt chẽ, hợp lý và hài hòa các yêu cầu bảo vệ môi trường trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Hỗ trợ xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải; Trong hoạt động xúc tiến đầu tư cần chú ý ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp các Sở, ban ngành liên quan kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn xử lý và tiêu hủy thức ăn thủy sản chăn nuôi đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh ao nuôi trồng thủy sản.
Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng hoá chất trong canh tác, sử dụng thuốc thú y, hoá chất, chế phẩm sinh học nằm ngoài danh mục cho phép trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Thực hiện vận động chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rong sang phương thức chăn nuôi có kiểm soát – gia trại, trang trại; chuồng trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh.