Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2022 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 12/CT-UBND
Ngày ban hành 19/12/2022
Ngày có hiệu lực 19/12/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Trần Anh Thư
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

An Giang, ngày 19 tháng 12 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, tham gia của cả hệ thống chính trị và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tình hình vệ sinh môi trường đã có chuyển biến, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của cán bộ, đảng viên, đoàn viên và người dân được nâng lên, tạo được sự đồng tình và hưởng ứng của quần chúng nhân dân, xem đây là nghĩa vụ của mỗi người dân, nhiều mô hình được triển khai đạt kết quả nổi bật, nhiều tuyến đường nông thôn được người dân thường xuyên tham gia giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, cảnh quan môi trường được cải thiện, hạ tầng bảo vệ môi trường một số khu vực từng bước được triển khai, công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các dự án được kiểm soát từ chủ trương và hoạt động. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từng bước phát huy hiệu quả, góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường; tình trạng ô nhiễm môi trường một số khu vực, cơ sở được giảm thiểu, chất lượng môi trường dần được cải thiện.

Tuy nhiên, trước sức ép của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế, yếu kém. Tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn ra và có chiều hướng gia tăng ở một số khu vực; công tác thu gom rác thải sinh hoạt ở một số nơi chưa đạt yêu cầu, xả rác thải gây ô nhiễm môi trường; còn nhiều khu, cụm, tuyến dân cư tập trung chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đạt chuẩn, còn nhiều nhà trên sông, kênh, rạch; chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa đảm bảo khoảng cách và vệ sinh môi trường, vẫn còn tình trạng nuôi cá ao hầm chưa xử lý nước thải đạt chuẩn.

Những hạn chế, yếu kém do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng do chủ quan là chính, trọng tâm là chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện; vai trò ý thức trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao, trong quá trình thực hiện chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát; các phong trào thực hiện thiếu đồng bộ và bền vững. Mặt khác, một số nhà máy xử lý rác đầu tư chậm, dẫn đến lượng chất thải phát sinh lớn, quá tải trong thu gom và xử lý.

Trong thời gian tới, để tập trung giải quyết các vấn đề trọng điểm, cấp bách về môi trường trên địa bàn tỉnh; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm bảo vệ môi trường các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường và nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn tỉnh theo định hướng đô thị văn minh, nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện), các cơ quan truyền thông, các đơn vị, các doanh nghiệp, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực, địa bàn quản lý tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện tốt các nội dung yêu cầu sau:

a) Tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật bảo vệ môi trường năm 2020, các chỉ thị, nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, quy định pháp luật của nhà nước về bảo vệ môi trường theo lĩnh vực ngành, địa bàn quản lý.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, sự tham gia thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.

c) Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy các cấp và người đứng đầu đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn. Lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong thực hiện các mô hình, chương trình, kế hoạch. Từng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tiếp tục đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức trách nhiệm và chuyển biến trong hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên tại cơ quan, đơn vị, địa bàn mình phụ trách.

d) Phải đảm đầy đủ các thủ tục môi trường, đánh giá tác động môi trường sơ bộ khi lấy ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư, phải được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường trước khi thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định tại Điều 36 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

đ) Đẩy mạnh xây dựng cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn. Tiếp tục nâng cao công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, lồng ghép các vấn đề môi trường, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trong lập quy hoạch xây dựng đô thị theo định hướng xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và bền vững, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, kiểm soát không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị đáp ứng yêu cầu mỹ quan, thân thiện với môi trường; triển khai áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng, hướng đến phát triển bền vững; Tăng tỷ lệ cây xanh ở khu vực đô thị và nông thôn, công trình, dự án. Theo dõi chất lượng môi trường nông thôn, tăng cường các hoạt động xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống vùng nông thôn. Lựa chọn các mô hình bảo vệ môi trường tiên tiến để triển khai, nhân rộng tạo thành phong trào tại địa phương; nghiên cứu phát triển nhân rộng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường; Tổ chức rà soát, đánh giá, thống kê các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách an toàn để di dời vào khu, cụm công nghiệp.

e) Tập trung nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải. Hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư, cụm dân cư nông thôn đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. Đổi mới công tác quản lý rác thải sinh hoạt, triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp; áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải, hạn chế xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp, tăng cường thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa; thu gom, xử lý chất thải nguy hại đúng quy định; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải phát sinh do dịch bệnh truyền nhiễm đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh; Xây dựng cơ chế, giải pháp thu hút đầu tư các dự án xử lý chất thải có công nghệ hiện đại, tận thu được tài nguyên, năng lượng từ chất thải; đẩy mạnh xã hội hoá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị.

g) Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để góp phần bảo vệ môi trường. Tiếp tục tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ứng dụng máy móc, thiết bị thân thiện môi trường, giảm tối đa việc phát sinh chất thải và nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích áp dụng các giải pháp khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

h) Đảm bảo chất lượng và sự phối hợp thống nhất giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện quy trình thủ tục thẩm định đánh giá tác động môi trường, thẩm định công nghệ, thẩm định quy hoạch chi tiết, thẩm định thiết kế cơ sở khi xem xét chủ trương đầu tư và cấp các loại giấy phép môi trường để kịp thời sàng lọc, loại bỏ các dự án có công nghệ lạc hậu, không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo khoảng các vệ sinh môi trường và sức chịu tải môi trường, không đảm bảo quỹ đất xây dựng công trình xử lý chất thải.

i) Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định; xây dựng công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải; lắp đặt thiết bị quan trắc liên tục tự động và giám sát môi trường; Chủ động theo dõi, giám sát hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; tổ chức lấy mẫu đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu xả thải trái phép; buộc lắp đặt thiết bị quan trắc liên tục tự động đối với các cơ sở vi phạm nhiều lần hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Tạm dừng việc cho phép các dự án đầu tư mới đi vào hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; Cụm công nghiệp đang hoạt động phải hoàn thành hạ tầng công trình bảo vệ môi trường trong thời hạn quy định tại điểm a khoản 2 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Công khai thông tin kết quả đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường, tình hình vi phạm pháp luật môi trường của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; tham mưu thu hồi giấy phép môi trường theo quy định đối với các trường hợp chậm thực hiện các biện pháp khắc phục các hành vi vi phạm; bảo đảm sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng chồng chéo với nhau.

k) Bảo đảm nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường; ban hành, hướng dẫn áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải khu đô thị, nông thôn và xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn theo quy định.

l) Thực hiện tốt công tác sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân tích cực trong bảo vệ môi trường; chú trọng khen thưởng các mô hình hay, các gương điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong thực hiện, nhất là trong nhân dân để tạo thành phong trào rộng lớn trong toàn tỉnh; phê bình đối với các tổ chức, cá nhân, các địa phương, hộ gia đình thiếu nghiêm túc, còn nhiều hạn chế trong thực hiện.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Đầu mối tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; các chỉ thị, nghị quyết, quy định pháp luật của nhà nước và của tỉnh về bảo vệ môi trường; tiếp tục tham mưu triển khai Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp điều kiện của tỉnh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường của các bãi rác trên địa bàn tỉnh; khẩn trương đề xuất lựa chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ tiên tiến, theo hướng thu hồi năng lượng; theo dõi, đôn đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang đưa nhà máy xử lý chất thải rắn Chợ Mới vào vận hành trong quý I năm 2023.

b) Phối hợp và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức đoàn thể, cơ quan truyền thông xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông về môi trường gắn với các mô hình giảm thiểu phát thải rác thải nhựa; phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; sản xuất, sử dụng các vật liệu truyền thống để thay thế các sản phẩm từ nhựa; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn và các mô hình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan liên quan tham mưu cơ chế, giải pháp đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, xử lý nước thải sinh hoạt, vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp, khu dân cư, đô thị. Xây dựng kế hoạch thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành sau khi có hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Điều 74 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

d) Công khai danh sách các cơ sở sản xuất phải lắp đặt, đã lắp đặt, chưa lắp đặt thiết bị quan trắc liên tục tự động liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử của đơn vị. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở chưa hoàn thành việc lắp đặt phải khẩn trương hoàn thành lắp đặt và truyền dữ liệu quan trắc liên tục tự động trước ngày 31 tháng 12 năm 2024. Chủ động theo dõi, giám sát kết quả quan trắc đối với nguồn thải của các cơ sở sản xuất tổ chức lấy mẫu đột xuất khi phát hiện dấu hiệu xả thải trái phép.

e) Tiếp tục vận hành, khai thác, nâng cấp phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường. Hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện khai thác và cập nhật thông tin vào phần mềm.

3. Sở Công thương:

Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, đôn đốc các cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất đang hoạt động trong các cụm công nghiệp phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp đưa các sản phẩm được sản xuất từ các vật liệu thân thiện với môi trường truyền thống của địa phương vào các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh để thay thế túi nilon khó phân hủy.

4. Sở Xây dựng:

[...]