Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2018 về chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng do tỉnh Bắc Giang ban hành

Số hiệu 11/CT-UBND
Ngày ban hành 17/12/2018
Ngày có hiệu lực 17/12/2018
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Nguyễn Văn Linh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Bắc Giang, ngày 17 tháng 12 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ CHẤN CHỈNH VÀ NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THANH TRA VÀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Thời gian qua, công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; được các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nhất định. Công tác thanh tra có sự chuyển biến tích cực, tập trung vào các vấn đề bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm. Qua thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế - xã hội. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra có sự chuyển biến. Trong công tác phòng, chống tham nhũng hình thành được hệ thống các văn bản quản lý, lãnh đạo về công tác phòng, chống tham nhũng từ tỉnh đến cấp huyện và gắn vào các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực và bước đầu phát huy tác dụng; Việc thực hiện công khai, dân chủ tại các cơ quan, đơn vị ngày càng tốt hơn; vai trò giám sát của nhân dân ngày càng được đề cao và đi vào thực chất.

Tuy nhiên, công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Kế hoạch thanh tra chưa toàn diện; một số cuộc thanh tra chưa tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục; kết luận, kiến nghị xử lý còn chung chung, chưa quy rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, chưa tương xứng với hành vi vi phạm; việc xem xét, xử lý trách nhiệm về hành chính, tổ chức sau thanh tra còn bị xem nhẹ... Nhiều cán bộ, công chức (bao gồm cả người đứng đầu) nhất là ở cấp cơ sở chưa hiểu rõ quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nhiều địa phương, đơn vị chưa xác định được vấn đề trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa tốt, thiếu đồng bộ và còn hình thức. Việc công khai, minh bạch ở một số lĩnh vực chưa thực hiện đầy đủ theo quy định. Chế độ trách nhiệm chưa rõ ràng; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Công tác phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong phòng, chống tham nhũng còn hạn chế.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên trước hết là do cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng, nên chưa tích cực triển khai thực hiện và chậm khắc phục các tồn tại; công tác tham mưu của cơ quan chức năng còn hạn chế; năng lực, trình độ của một số cán bộ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện các kết luận quyết định xử lý sau thanh tra thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên. Để chấn chỉnh, khắc phục hạn chế nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông báo kết luận số 282-TB/TU ngày 15/12/2017 của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị đánh giá công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Thông báo Kết luận số 68/TB-UBND ngày 23/3/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về kết luận tại buổi làm việc với ngành thanh tra về công tác thanh tra năm 2018; Công văn số 3788/UBND-NC ngày 01/11/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 397-QĐ/TU ngày 09/3/2018 của Tỉnh ủy về chế độ báo cáo các cuộc thanh tra, kiểm tra và các quy định khác về chế độ báo cáo trong công tác thanh tra.

2. Chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác thanh tra; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra; chấp hành nghiêm quy định về trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra; làm tốt công tác phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các kết luận thanh tra; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có sai phạm; nghiêm cấm hành chính hóa các hành vi vi phạm pháp luật hình sự phát hiện qua thanh tra. Tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp trong việc xử lý các vi phạm khi có dấu hiệu tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

3. Tổ chức quán triệt và tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến cán bộ, công chức, nhân dân và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2018 để nâng cao nhận thức của người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ công chức và của người dân nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

4. Tiến hành rà soát, phân loại, xác định các nội dung, lĩnh vực thuộc quyền quản lý của địa phương, đơn vị để lựa chọn các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực đưa vào chương trình, kế hoạch để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đề ra biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng.

5. Tập trung thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Tăng cường chỉ đạo việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc triển khai thực hiện; đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định về trình tự, thủ tục công khai, minh bạch trong hoạt động theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

6. Tiến hành rà soát, bổ sung hoàn thiện các văn bản, các quy định về công tác phòng, chống tham nhũng; các cơ chế, chính sách của địa phương, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.

7. Duy trì thực hiện tốt dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tăng cường tự kiểm tra, đấu tranh phát hiện tham nhũng trong nội bộ. Quan tâm làm tốt việc giám sát, hậu kiểm sau thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế, ngăn ngừa các vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; kịp thời chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng.

8. Chỉ đạo thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, nhất là những nơi, những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều thủ tục hành chính, tiếp xúc nhiều với nhân dân, doanh nghiệp và có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực; có cơ chế lắng nghe dư luận và có biện pháp kiểm tra, xem xét để xử lý kịp thời.

9. Xây dựng kế hoạch, đề ra lộ trình, biện pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Ban Nội chính Tỉnh ủy nêu ra tại Báo cáo số 01-BC/ĐRS ngày 09/11/2018 của Đoàn rà soát theo Quyết định số 470-QĐ/TU ngày 14/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và những tồn tại, hạn chế nêu tại Báo cáo số 143/BC-ĐGS ngày 23/11/2018 của Đoàn Giám sát thành lập theo Nghị quyết số 44/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh (các địa phương, đơn vị không thuộc đối tượng rà soát trực tiếp tiến hành tự rà soát, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để xây dựng kế hoạch khắc phục; các địa phương, đơn vị thuộc đối tượng rà soát trực tiếp căn cứ nội dung tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, xây dựng kế hoạch, đề ra biện pháp khắc phục cụ thể đối với từng nội dung).

Kế hoạch của các địa phương, đơn vị gửi về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh), đồng gửi Thường trực HĐND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy trước ngày 31/12/2018.

10. Thanh tra tỉnh:

- Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức, chất lượng lãnh đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng cho người đứng đầu, cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tham mưu về phòng, chống tham nhũng.

- Chỉ đạo toàn ngành tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc trong thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tăng cường kiểm tra việc thực thi công vụ đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, chú trọng đến những đơn vị, đối tượng có nhiều dư luận; phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tham nhũng, tiêu cực.

- Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy chế phối hợp nhằm phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường công tác giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng; động viên đoàn viên, hội viên tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng. Cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xác minh, xử lý vụ việc tham nhũng.

Các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Định kỳ 6 tháng (trước ngày 15/6) và hàng năm (trước ngày 15/11) báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra tỉnh.

Giao Thanh tra tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Linh

 

1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ