Chỉ thị 11/2007/CT-UBND về tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2007 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 11/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 07/05/2007
Ngày có hiệu lực 17/05/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Minh Tùng
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2007/CT-UBND

Long Xuyên, ngày 07 tháng 5 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2007

Trong những năm qua ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã có nhiều cố gắng phối hợp với các sở ngành, địa phương tổ chức khá tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông (gọi chung là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông), đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo đánh giá là một trong những tỉnh tổ chức thi nghiêm túc, phản ánh đúng thực chất kết quả học tập của học sinh.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm qua cũng còn một số sai sót nhỏ như việc thí sinh sử dụng tài liệu trong phòng thi, "phao" thi thỉnh thỏang có trong khu vực thi (nhất là các hội đồng thi tốt nghiệp bổ túc THPT).

Thực hiện tinh thần Chỉ thị số 2107/CT-BGDĐT ngày 27/4/2007 về việc tăng cường chỉ đạo công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2007 và công văn số 4337/BGDĐT-VP ngày 27/4/2007 về việc phối hợp chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007 của Bộ GD-ĐT; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1- Sở GD-ĐT tổ chức quán triệt tinh thần Chỉ thị số 2107/CT-BGDĐT ngày 27/4/2007 về việc tăng cường chỉ đạo công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2007 và công văn số 4337/BGDĐT-VP ngày 27/4/2007 về việc phối hợp chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007 của Bộ GD-ĐT trong nội bộ ngành; đặc biệt đối với các hội đồng coi, chấm thi tốt nghiệp THPT.

2- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007 về ý nghĩa, yêu cầu có những điểm khác các kỳ thi trước cần lưu ý:

- Kỳ thi được tổ chức với tinh thần là kỳ thi đầu tiên khi tòan ngành thực hiện cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

- Đây là kỳ thi có bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT; đồng thời làm căn cứ để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp theo kế họach đổi mới thi cử của ngành và theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT ngày 11/4/2007.

- Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh sẽ không dùng tỉ lệ tốt nghiệp THPT và tỉ lệ học sinh khá, giỏi năm học 2006 - 2007 để đánh giá thi đua của ngành.

- Thi tốt nghiệp THPT năm 2007 với tinh thần nghiêm túc nêu trên có thể sẽ dẫn đến tỉ lệ tốt nghiệp thấp hơn các năm trước, nên Bộ GD-ĐT chủ trương tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2 lần, lần 1 vào các ngày 30/5, 31/5, 01/6/2007 và lần 2 vào các ngày 18-19-20/8/2007. Để đảm bảo ổn định về mặt xã hội, giúp người học đã hòan thành chương trình, đủ điều kiện dự thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT lần 1; yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường, trung tâm tổ chức phụ đạo thêm trong hè cho những người chưa tốt nghiệp lần 1 để có thể tham dự thi lần 2 đạt kết quả. Kỳ thi lần 2 cũng phải được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ như kỳ thi lần 1 trong tất cả các khâu.

3- Kỳ thi năm 2007, được tổ chức cơ bản như năm 2006; thực hiện nghiêm túc, an tòan, khách quan, chính xác; phải đảm bảo kỷ cương, qui chế thi ở tất cả các khâu: ra đề thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xử lí kết quả thi; xử lí nghiêm các hành vi vi phạm qui chế thi.

4- Thí sinh và cán bộ tham gia tổ chức thi phải thực hiện nghiêm túc qui chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT. Thí sinh mang tài liệu và vật dụng trái phép vào phòng thi dù sử dụng hay chưa đều bị đình chỉ thi.

5- Sở GD-ĐT có thể tổ chức cuộc họp báo (trong thời gian từ ngày 21 - 25/5/2007) để thông báo chủ trương của Bộ GD-ĐT, chỉ đạo của UBND tỉnh về kỳ thi năm 2007; tạo sự đồng thuận trong xã hội để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, an tòan.

6- Nhiệm vụ của các sở ngành phối hợp liên quan:

- Ngành Công an : Thực hiện bảo vệ bí mật, an tòan trong khâu in sao, vận chuyển đề thi đến các Hội đồng coi thi. Bảo vệ trật tự an tòan trong và ngòai các Hội đồng thi, không để hiện tượng gian lận, đưa bài giải vào phòng thi, kẻ xấu gây rối, phá họai kỳ thi. Đảm bảo an tòan giao thông trật tự tại các điểm tập trung thi, tránh kẹt xe, xảy ra tai nạn giao thông trước và sau giờ thi.

- Ngành Điện lực: Đảm bảo nguồn điện liên tục cho các Hội đồng in sao đề thi, coi thi và chấm thi.

- Ngành Bưu điện: Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt từ Sở GD-ĐT đến tất cả các Hội đồng coi, chấm thi và ngược lại.

- Ngành Văn hóa-Thông tin, Báo An Giang, Đài Phát thanh-Truyền hình An Giang: Có trách nhiệm phối hợp với Sở GD-ĐT tuyên truyền, phổ biến kế họach thi cử cho học sinh và phụ huynh học sinh thông suốt.

- Ngành Y tế: Tổ chức các Tổ cấp cứu tại các Hội đồng coi thi để giải quyết kịp thời những trường hợp đau ốm đột xuất xảy ra trong khi thi.

- Ngành Tài chính: Phối hợp với Sở GD-ĐT thực hiện tốt các chế độ, chính sách về thi cử (kể cả thi lần 2).

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố: Phối hợp với Sở GD-ĐT, chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các phường, xã, thị trấn đảm bảo an tòan tuyệt đối các điểm đặt Hội đồng coi, chấm thi.

Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn, vuớng mắc phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để được giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ - để b/c;
- Bộ GD-ĐT - để b/c;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp-để b/c;
- Website Chính phủ;
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh - để b/c;
- Ban Tuyên giáo TU;
- Sở ngành tỉnh: GD-ĐT, Công an, Điện lực, Bưu điện, Tài chính, VHTT, Y tế, Báo AG, Đài PTTH;
- UBND các huyện, thị, TP;
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- Phòng VHXH, TH;
- Lưu: VT.

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Tùng