Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2016 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nam Định

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 19/07/2016
Ngày có hiệu lực 19/07/2016
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Phạm Đình Nghị
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Nam Định, ngày 19 tháng 7 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH

Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm; một số mô hình tiên tiến về bảo đảm an toàn thực phẩm đang được xây dựng và nhân rộng. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh nhưng chưa đạt yêu cầu so với thực tế đặt ra; công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến người tiêu dùng còn bất cập, chưa quy định rõ ràng.

Tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Tính riêng 06 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, trong đó, số vụ ngộ độc thực phẩm: 02 vụ (số người mắc: 47 người, số người phải nhập viện điều trị: 25 người, không có tử vong), số vụ mất vệ sinh an toàn thực phẩm: 02 vụ; đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra 7.991 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể đã phát hiện và xử lý sai phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm 2.182 cơ sở (chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, làm theo thời vụ, quy mô hộ gia đình). Nguyên nhân chủ yếu là một số địa phương chưa quan tâm, thiếu tập trung trong quản lý an toàn thực phẩm, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm hoặc xử lý vi phạm chưa nghiêm.

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt các nội dung sau:

a) Xác định việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung chỉ đạo, điều hành. Chủ tịch UBND trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của địa phương; trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

b) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tiếp tục củng cố bộ máy làm công tác an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở, ưu tiên bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm; có kế hoạch đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

c) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về an toàn thực phẩm (từ khâu sản xuất, chế biến; lưu thông, tiêu dùng thực phẩm) kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa công tác an toàn thực phẩm.

d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhất là thanh kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

đ) Tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2016 như sau:

- Bảo đảm an toàn vệ sinh đối với các loại thực phẩm tươi sống và các loại thực phẩm tiêu dùng trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

- Thiết thực và vận hành có hiệu quả hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp; bếp ăn tập thể trường học, bệnh viện, nhà trẻ; cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp nhằm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua đường thực phẩm.

2. Để thực hiện tốt các nội dung trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

a) Sở Y tế

- Xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm để quản lý hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng và các sản phẩm khác.

- Tăng cường công tác quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể trong các trường học và các doanh nghiệp.

- Quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở ngành có liên quan chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thực hiện quảng cáo không đúng quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức quản lý và giám sát chất lượng nguồn nước sạch sử dụng trong sản xuất chế biến thực phẩm, ăn uống, sinh hoạt.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn, giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm.

- Củng cố và nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm tại tuyến huyện và tuyến xã.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm để quản lý hiệu quả đối với hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm thực phẩm là nông, lâm, thủy sản và các sản phẩm khác theo quy định.

- Kiểm soát, ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu rõ nét vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông - lâm - thủy sản và vật tư nông nghiệp.

- Hướng dẫn các địa phương xây dựng và phát triển nhân rộng các mô hình hình chuỗi sản xuất cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, hình thành hệ thống cửa hàng phân phối thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương và các huyện, thành phố xây dựng tiêu chí đánh giá về an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới.

c) Sở Công Thương

[...]