Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2014 tăng cường thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 08/04/2014
Ngày có hiệu lực 08/04/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Phan Thị Mỹ Thanh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 08 tháng 4 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN TIẾT KIỆM ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20/11/2012;

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17/6/2010;

Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Căn cứ Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện;

Để kịp thời chủ động ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết có thể dẫn đến thiếu nguồn điện cục bộ xảy ra, đặc biệt tập trung vào các tháng mùa khô, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động chính trị xã hội, sản xuất kinh doanh và nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ thị thực hiện nghiêm việc sử dụng điện an toàn tiết kiệm, cụ thể như sau:

I. CÔNG TÁC SỬ DỤNG ĐIỆN TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

1. Đối với các cơ quan đoàn thể, công sở:

a) Xây dựng và thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện năng sử dụng hàng năm của cơ quan, đơn vị theo Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT/BTC-BCT ngày 01/6/2009 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương về hướng dẫn thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Xây dựng và ban hành nội quy, quy định về sử dụng điện tiết kiệm trong cơ quan, đơn vị; quy định về thay thế, sửa chữa các trang thiết bị sử dụng điện tại cơ quan, đơn vị theo nguyên tắc sau:

- Tắt các thiết bị dùng điện không cần thiết khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị khi hết giờ làm việc.

- Tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm việc trong phòng giảm. Thiết kế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hành lang, sân vườn, khu vực bảo vệ theo tiêu chuẩn,…

- Chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết, cài đặt chế độ làm mát từ 25oC trở lên. Đối với các cơ quan, đơn vị nếu sử dụng hệ thống điều hòa nhiệt độ trung tâm, phải cài đặt thời gian tắt hệ thống trước khi hết giờ làm việc 30 phút.

- Khi cải tạo hoặc trang bị mới phải sử dụng phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao theo quy định hoặc thiết bị sử dụng điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo Quyết định số 68/2011/QĐ-TTg ngày 12/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Nghiêm cấm thay thế, mua sắm mới đèn nung sáng.

- Phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ nhân viên phải thực hiện tiết kiệm điện, đưa nội dung sử dụng điện tiết kiệm vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm.

- Phấn đấu khối các cơ quan đoàn thể, công sở tiết kiệm 10% sản lượng điện sử dụng so với cùng kỳ.

2. Đối với hệ thống chiếu sáng công cộng:

a) Kiểm tra, đánh giá chế độ chiếu sáng công cộng theo tiêu chuẩn Việt Nam TCXDVN 259:2001 hiện hành, đảm bảo nguyên tắc chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm.

b) Đối với chiếu sáng đô thị xem xét nghiên cứu sự cần thiết áp dụng quy hoạch chiếu sáng theo Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28/9/2009 của Chính phủ về quản lý chiếu sáng đô thị. Nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong chiếu sáng, tự động hóa quá trình điều khiển, tăng tuổi thọ bóng đèn.

c) Các đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng triển khai thực hiện cải tạo, đầu tư, trang bị hệ thống điều khiển tự động cho các hệ thống chiếu sáng đường phố chính, điều chỉnh thời gian chiếu sáng đường phố hợp lý theo mùa trong năm, phù hợp theo đặc điểm nhu cầu sinh hoạt và các hoạt động, các sự kiện tại địa phương, tránh lãng phí điện nhưng vẫn đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông.

d) Đối với các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông cao như các khúc cua, khu vực giao lộ, ngã ba, ngã tư không thực hiện tiết giảm đèn chiếu sáng công cộng.

đ) Khi thay thế đèn hư hỏng khuyến khích sử dụng các đèn chiếu sáng tiết kiệm điện, hiệu suất cao.

e) Trong hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật, chiếu sáng trang trí vườn hoa, công viên sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện, giảm 50% công suất chiếu sáng sau 22h00, trừ các dịp ngày lễ, ngày tết và các sự kiện lớn tại địa phương.

g) Phấn đấu hệ thống chiếu sáng công cộng tiết kiệm 50% sản lượng điện sử dụng so với cùng kỳ.

3. Đối với các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh dịch vụ:

a) Các hộ gia đình hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn (máy điều hòa, bình nước nóng, bàn là điện,…) trong thời gian cao điểm của hệ thống điện (từ 09h30 sáng đến 11h30 sáng và từ 17h00 chiều đến 20h00 tối các ngày thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần); khuyến khích sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện như bóng compact hoặc bóng đèn huỳnh quang T8, T5, chấn lưu hiệu suất cao, thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, ngắt các thiết bị điện không sử dụng ra khỏi nguồn điện.

[...]