VỀ VIỆC KHUYẾN KHÍCH, TĂNG CƯỜNG SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY KHÔNG
NUNG VÀ HẠN CHẾ SẢN XUẤT, SỬ DỤNG GẠCH ĐẤT SÉT NUNG TRONG CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
Trong những năm qua, Chính phủ đã tập trung chỉ
đạo phát triển vật liệu xây không nung để từng bước thay thế gạch đất sét nung,
hạn chế sử dụng nguyên liệu đất sét (làm giảm diện tích sản xuất cây lương thực,
đe dọa về an ninh lương thực quốc gia) và than – nguồn tài nguyên không tái tạo,
góp phần tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và giảm lượng khí thải CO2.
Sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp như
tro, xỉ, mạt đá ... để sản xuất vật liệu xây không nung góp phần tích cực làm
giảm một lượng đáng kể các chất thải rắn ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường.
Vật liệu xây không nung loại nhẹ có khả năng cách âm, cách nhiệt nên tiết kiệm
năng lượng khi sử dụng; kích thước sản phẩm to, có độ chính xác cao tiết kiệm
thời gian thi công, qua đó giảm tải trọng công trình và tiết kiệm chi phí xây dựng…
Do đó việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng là xu
hướng phát triển tất yếu.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số
567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không
nung đến năm 2020 và trong Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Đồng Nai
đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được duyệt tại Quyết định số 1257/QĐ-UBND
ngày 08/5/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra định hướng phát triển vật liệu
xây không nung để thay thế gạch đất sét nung truyền thống và nhanh chóng xóa bỏ
hoàn toàn các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng
đến nay tình hình triển khai Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng
Chính phủ trong thực tế còn nhiều bất cập, vật liệu xây không nung vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi do nhiều nguyên
nhân: Người tiêu dùng đã quen dùng gạch nung; Kỹ thuật thi công phức tạp,
đòi hỏi công nhân có tay nghề và phải có các công cụ chuyên dùng;
Nhằm hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung
và khuyến khích, tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung trong các công
trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo định hướng của Quyết định số
567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày
16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1257/QĐ-UBND ngày 08/5/2012,
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, các tổ chức, cá nhân hoạt động
trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thực hiện
nghiêm túc các yêu cầu sau:
1. Sở Xây dựng:
Chủ trì, phối hợp
với các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức, triển khai thực hiện
các nội dung sau:
a) Về sản xuất gạch
đất sét nung:
- Xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch
đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử
dụng nguyên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) trên phạm vi toàn tỉnh trình Ủy ban
nhân dân tỉnh phê duyệt.
b) Về sản xuất vật liệu xây không nung:
- Thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để các thành
phần kinh tế tham gia đầu tư, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn về
môi trường, để sản xuất các loại vật liệu xây không nung như: gạch bê tông khí
chưng áp (AAC), gạch xi măng – cốt liệu, gạch bê tông bọt, tấm xây dựng 3D, tấm
tường thạch cao; đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu cho từng loại công
trình xây dựng.
- Định hướng các doanh nghiệp sản xuất vật liệu
xây dựng không nung:
+ Ưu tiên đầu tư các thiết bị, công nghệ sản xuất
vật liệu xây không nung trong nước sản xuất nhưng đảm bảo các thiết bị, công
nghệ lựa chọn phải hiện đại, phù hợp các quy định về môi trường, tạo ra các sản
phẩm đạt chất lượng.
+ Tận dụng tối đa các nguồn phế thải từ các
ngành công nghiệp để sản xuất vật liệu xây không nung, đảm bảo chất lượng theo
yêu cầu kỹ thuật trong các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia (TCVN 6477:2011 Gạch bê
tông; TCVN 7959:2011 Bê tông nhẹ - Gạch bê tông khí chưng áp (AAC); TCVN
9029:2011 Bê tông nhẹ - Gạch bê tông bọt, khí không chưng áp – Yêu cầu kỹ thuật,
TCVN 9030:2011 Bê tông nhẹ - Gạch Bê tông khí không chưng áp – Phương pháp thử…).
+ Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nhằm nâng
cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, hạ giá thành và phải
bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất; có phương án chuẩn bị và
chủ động di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh hoặc những
khu vực có quy hoạch phù hợp (đối với các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm
công nghiệp) theo Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh đến năm 2020.
+ Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy
định tại Điều 23 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa sản phẩm lưu
thông trên thị trường và có biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm định kỳ theo
quy định. Sản phẩm phải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố. Khuyến khích
các nhà sản xuất có hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2008 và hệ thống
quản lý môi trường theo ISO 14001:2004.
c) Về kinh doanh vật liệu xây dựng:
- Tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh
tế tham gia kinh doanh, mở rộng mạng lưới phân phối các loại vật liệu xây dựng
(trong đó bao gồm vật liệu xây không nung) theo định hướng của Quy hoạch mạng
lưới kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm
2020 tầm nhìn đến 2025.
- Hướng dẫn các quy định về quản lý chất lượng sản
phẩm, hàng hóa và các quy định về thương mại, đảm bảo kinh doanh các loại vật
liệu xây dựng của các nhà sản xuất, nhập khẩu đã công bố tiêu chuẩn áp dụng,
công bố hợp quy theo quy định; có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về
nhãn hàng hóa; có xuất xứ hàng hóa rõ ràng.
d) Về sử dụng vật liệu xây dựng:
- Phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có
liên quan đến các hoạt động đầu tư xây dựng công trình (bao gồm: Người quyết định
đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu tư vấn giám sát, nhà thầu
thi công xây dựng công trình; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý
đầu tư xây dựng công trình) tuân thủ việc sử dụng vật liệu xây dựng trong các
công trình xây dựng:
+ Chỉ sử dụng các sản phẩm, hàng hóa vật liệu
xây dựng của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu tuân thủ đầy đủ các quy định về quản
lý chất lượng (đã thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy theo
quy định).
+ Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn
vốn nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không
nung tại Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng:
* Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng
100% vật liệu xây không nung kể từ ngày 15/01/2013.
* Các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%
vật liệu xây không nung từ ngày 15/01/2013 đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải
sử dụng 100% gạch không nung.
+ Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên
không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và
sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong
tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).
+ Khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng vật
liệu xây không nung có độ rỗng lớn hơn 30% và vật liệu xây không nung loại nhẹ.
+ Đối với các công trình đã được cấp phép xây dựng
hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án trước ngày Chỉ thị này có hiệu lực
thi hành thì thực hiện như giấy phép đã được cấp hoặc quyết định đã được phê
duyệt; khuyến khích chủ đầu tư thay đổi thiết kế để sử dụng vật liệu không
nung.
- Tổ chức kiểm tra và giám sát chất lượng sản phẩm,
hàng hóa vật liệu xây dựng nói chung và vật liệu xây không nung nói riêng trước
khi sử dụng, lắp đặt vào công trình xây dựng theo quy định pháp luật về quản lý
chất lượng công trình xây dựng và quy định tại Điều 14 - Thông tư số
27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về quản
lý chất lượng công trình xây dựng.
- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập dự án đầu
tư xây dựng cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung để trình duyệt theo quy định
về quản lý đầu tư xây dựng.
đ) Xây dựng và công bố đơn giá xây dựng công
trình sử dụng vật liệu xây không nung trên cơ sở định mức Bộ Xây dựng đã ban
hành để các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tham khảo, sử dụng vào việc lập và quản
lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.
e) Tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát việc tuân
thủ tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng sử dụng
vốn nhà nước và các công trình nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại
Điều 2 Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng.
g) Xem xét, chấp thuận việc cho phép không sử dụng
vật liệu xây dựng không nung trong các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng
vật liệu xây không nung, thuộc thẩm quyền xem xét chấp thuận của Ủy ban nhân
dân tỉnh theo quy định tại Điểm d, Khoản 7, Điều 4 Thông tư số 09/2012/TT-BXD
ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng.
h) Định kỳ hàng năm rà soát, đánh giá tình hình
đầu tư sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, vật liệu xây không nung của các tổ
chức, cá nhân; báo cáo Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh theo Thông tư số
06/2012/TT-BXD ngày 10/10/2012 của Bộ Xây dựng quy định chế độ báo cáo thống kê
tổng hợp ngành xây dựng.
2. Sở Khoa học và Công nghệ:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức các
hoạt động về khoa học công nghệ, giới thiệu các công nghệ sản xuất vật liệu xây
không nung tiên tiến, hiện đại đến các nhà đầu tư; hướng dẫn nhà đầu tư lựa chọn
dây chuyền, công nghệ đảm bảo về môi trường, phù hợp với quy mô sản xuất, ưu
tiên lựa chọn thiết bị, máy móc trong nước đã sản xuất được.
b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có dự án đầu
tư sản xuất vật liệu xây không nung đổi mới công nghệ, đầu tư công nghệ mới,
chuyển giao công nghệ, các dự án ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học trong
lĩnh vực vật liệu xây không nung, chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không
nung được hưởng các ưu đãi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia,
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, áp dụng
ưu đãi về chuyển giao công nghệ theo Luật Chuyển giao công nghệ.
c) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất và nhập
khẩu vật liệu xây không nung thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định.
d) Cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng định kỳ
hàng năm trước ngày 10 tháng 12 hoặc đột xuất để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh và Bộ Xây dựng về các nội dung:
- Tình hình quản lý về công nghệ sản xuất vật liệu
xây dựng nói chung và vật liệu xây không nung nói riêng, tỷ lệ nội địa hóa
trong các dây chuyền sản xuất.
- Các thông tin về chính sách ưu đãi đầu tư
trong lĩnh vực khoa học công nghệ có thể áp dụng trên địa bàn tỉnh.
- Tình hình tham gia Quỹ Phát triển khoa học và
công nghệ tỉnh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan
nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nhằm khuyến
khích phát triển và tạo điều kiện cho các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật
liệu xây không nung; các dự án sản xuất vật liệu xây không nung.
b) Cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng định kỳ
hàng năm trước ngày 10 tháng 12 hoặc đột xuất để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh và Bộ Xây dựng về nội dung: Các chính sách ưu đãi đầu tư có thể áp dụng
cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung và chế tạo thiết bị sản
xuất vật liệu xây không nung để tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp.
4. Cục Thống kê tỉnh:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư,
Sở Xây dựng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất vật liệu xây không nung, chế
tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung các biểu mẫu báo cáo về tình hình
sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ Sở Xây dựng trong công tác thu thập, tổng hợp các
thông tin thống kê ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số
06/2012/TT-BXD ngày 10/10/2012 của Bộ Xây dựng.
b) Cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng định kỳ
hàng năm trước ngày 10 tháng 12 về giá trị, số lượng sản phẩm, hàng hóa đã sản
xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tồn kho của các tổ chức, cá nhân sản xuất vật liệu
xây không nung trên địa bàn tỉnh (số liệu từ tháng 10 năm trước đến hết tháng
10 năm báo cáo) để làm cơ sở xây dựng quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh,
đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
5. Sở Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn
vị liên quan tổ chức quản lý về giá các loại vật liệu xây không nung trên thị
trường, không để tình trạng các sản phẩm này trở thành độc quyền của một số nhà
cung cấp, đẩy giá tăng cao bất hợp lý.
b) Xây dựng cơ chế tài chính khuyến khích, tạo
điều kiện thu hút việc đầu tư, sản xuất vật liệu xây không nung và chuyển đổi sản
xuất vật liệu nung sang không nung trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các nhà thầu,
các chủ đầu tư sử dụng gạch không nung, các loại tấm xây dựng, bê tông nhẹ, các
loại vật liệu không nung khác đảm bảo các chỉ tiêu thông số kỹ thuật về cơ, lý,
hóa thay thế vật liệu nung truyền thống trong các công trình đầu tư bằng nguồn
vốn ngân sách và các nguồn vốn khác.
c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu
xây dựng, hoàn chỉnh các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích
phát triển và tạo điều kiện cho các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu
xây không nung; các dự án sản xuất vật liệu xây không nung.
d) Cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng định kỳ
hàng năm trước ngày 10 tháng 12 hoặc đột xuất về các nội dung được giao nhiệm vụ
tại Chỉ thị này để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.
6. Cục thuế tỉnh:
Hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá
nhân sản xuất vật liệu xây không nung; chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây
không nung chính sách ưu đãi về thuế: nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi
như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm đối với các dự án chế
tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt
liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên theo Khoản 4, Điều 1
Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan
tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch
nung, kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định.
b) Định kỳ đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do
sản xuất gạch đất sét nung.
c) Thẩm định các hồ sơ về đánh giá tác động môi
trường đối với các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung theo đúng quy định của
pháp luật, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
d) Rà soát, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để
trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định nâng mức phí bảo vệ môi trường đối với
việc khai thác đất sét làm gạch nung lên mức tối đa.
đ) Xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
hàng năm diện tích khu vực phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có các
vùng nguyên liệu cho sản xuất gạch.
e) Rà soát, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản làm
gạch đất sét nung ra khỏi khu đô thị, thị trấn, thị tứ và những khu vực có cơ sở
sản xuất gạch không nung.
g) Cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng định kỳ
hàng năm trước ngày 10 tháng 12 hoặc đột xuất về các nội dung được giao nhiệm vụ
tại Chỉ thị này để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.
8. Sở Thông tin và Truyền
thông:
a) Phối hợp với Sở Xây dựng cung cấp thông tin về
hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và khuyến khích, tăng cường sử dụng
vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng
Nai cho các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.
b) Sở Thông tin và Truyền thông xử lý việc cấp
phép họp báo cho Sở Xây dựng để Sở Xây dựng chủ trì cung cấp thông tin về khuyến
khích, tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung đến các cơ quan báo chí trong
và ngoài tỉnh.
9. Sở Giao thông Vận tải:
a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông
tuyên truyền, phổ biến và cung cấp thông tin về khuyến khích sản xuất và ưu
tiên sử dụng vật liệu xây không nung trên các phương tiện giao thông công cộng.
b) Cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng định kỳ
hàng năm trước ngày 10 tháng 12 hoặc đột xuất về các hoạt động tuyên truyền
liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.
10. Ban Quản lý các Khu công nghiệp:
a) Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các
doanh nghiệp đảm bảo điều kiện về công nghệ, môi trường và quy mô được đầu tư
các nhà máy sản xuất vật liệu xây không nung trong các khu công nghiệp theo quy
hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh đến năm 2020.
b) Cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng định kỳ 06
tháng, năm trước ngày 10 tháng 6 và ngày 10 tháng 12 hoặc đột xuất về tình hình
đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp hoạt
động trong các khu công nghiệp để tống hợp báo cáo Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân
dân tỉnh theo Thông tư số 06/2012/TT-BXD ngày 10/10/2012 của Bộ Xây dựng.
11. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ
trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thay thế dần
gạch nung bằng vật liệu xây không nung, xóa dần sản xuất gạch đất sét nung bằng
lò thủ công gây ô nhiễm môi trường.
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị
trấn:
- Nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra, rà
soát thực tế và tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình sản xuất
gạch ngói bằng lò thủ công trên địa bàn: Các hộ, đơn vị sản xuất gạch ngói nung
bằng lò thủ công, số lò (có ống khói cao, không có ống khói), sản lượng thực tế,
số lao động, tình hình đảm bảo vệ sinh, môi trường, an ninh trật tự, an toàn
lao động, thời hạn hợp đồng chủ lò ký kết với xã, phường, thị trấn.
- Đề xuất các phương án, thời gian cụ thể thực
hiện việc xóa bỏ sản xuất gạch, ngói bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường
trên địa bàn; giải pháp, hình thức hỗ trợ chuyển đổi sản xuất, việc làm cho lao
động địa phương.
- Không cho phép tận dụng đất đào từ các công
trình nuôi trồng thủy sản, kênh mương, ao, hồ, để sản xuất gạch, ngói bằng lò
thủ công; Nghiêm cấm sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất gạch, ngói.
c) Nghiên cứu, đề xuất, xác định các vùng dự kiến
quy hoạch đầu tư xây dựng nhà máy gạch tuynel ứng dụng công nghệ xử lý khói thải
để đáp ứng nhu cầu gạch xây thay thế gạch thủ công và vùng nguyên liệu, vùng sản
xuất vật liệu xây dựng, trong đó có vật liệu xây không nung thay thế vật liệu
nung truyền thống.
d) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Thanh tra Xây
dựng, Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, không cho phép các loại sản
phẩm, hàng hóa gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò
vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trên thị trường và sử dụng trong
các công trình xây dựng của địa phương; không cho phép đầu tư xây mới hoặc tái
sản xuất (đối với các cơ sở đã chấm dứt hoạt động) các cơ sở sản xuất gạch đất
sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa
thạch trên địa bàn tỉnh;
đ) Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển
khai thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 của
tỉnh tại địa phương một cách hiệu quả.
e) Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ
trợ cho các tổ chức cá nhân trong giai đoạn đầu tư các dự án sản xuất vật liệu
xây dựng không nung trên địa bàn.
g) Hướng dẫn các chủ đầu tư là người quyết định
đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước và công trình
nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) không phân biệt nguồn vốn phải sử dụng vật liệu
xây không nung theo quy định tại Điểm c, Khoản 1 Chỉ thị này, quy định rõ các nội
dung nêu trên trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu khi tổ chức đấu thầu hoặc chỉ
định thầu các gói thầu thuộc dự án.
h) Tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát việc tuân
thủ tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng sử dụng
vốn nhà nước và các công trình nhà cao tầng trên địa bàn theo quy định tại Điểm
c, Khoản 1 Chỉ thị này.
i) Phát hiện kịp thời và báo cáo ngay cho Sở Xây
dựng về các chủ đầu tư và dự án thuộc đối tượng tại Điểm c, Khoản 1 Chỉ thị này
không tuân thủ đúng quy định về tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung để Sở Xây
dựng đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý.
k) Báo cáo định kỳ 06 tháng, năm cho Sở Xây dựng
về danh sách các chủ đầu tư và dự án trên địa bàn có sử dụng vật liệu xây không
nung, loại vật liệu xây không nung, số lượng sử dụng và tỷ lệ sử dụng (%) trên
tổng số vật liệu xây của công trình, đặc biệt là các đối tượng bắt buộc sử dụng
tại Điểm c, Khoản 1 Chỉ thị này, để tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân
dân tỉnh.
- Báo cáo số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh
doanh, công suất thiết kế, sản lượng sản xuất và tiêu thụ của một số sản phẩm vật
liệu xây dựng chủ yếu (trong đó có vật liệu xây không nung) trên địa bàn theo
biểu số 17/BCĐP ban hành kèm theo Thông tư số 06/2012/TT-BXD ngày 10/10/2012 của
Bộ Xây dựng.
12. Các Hội, Hiệp hội xây dựng:
a) Tích cực tuyên truyền, phổ biến, vận động các
doanh nghiệp sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung trong
các công trình xây dựng, đặc biệt là các vật liệu xây không nung loại nhẹ.
b) Huy động tiềm lực của các doanh nghiệp để đầu
tư sản xuất vật liệu xây không nung với công nghệ hiện đại, các loại vật liệu
xây không nung mới và ứng dụng các loại vật liệu này vào công trình xây dựng.
13. Các cơ quan thông tin truyền
thông:
a) Chủ động, tích cực tuyên truyền các nội dung
về khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, đặc biệt là các đối
tượng bắt buộc sử dụng tại Điểm c, Khoản 1 Chỉ thị này.
b) Xây dựng và thực hiện một số chương trình nhằm
giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi đến người tiêu dùng về những ưu điểm của vật
liệu xây không nung, qua đó đẩy mạnh việc phổ biến và sử dụng loại sản phẩm
này.
14. Tổ chức thực hiện:
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, các đơn vị, tổ chức,
cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng
mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng để được hướng dẫn hoặc
tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân xem xét, chỉ đạo.
15. Điều khoản thi hành
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày
ký./.