Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2024 tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu phi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 06/10/2024
Ngày có hiệu lực 06/10/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Trần Quốc Nam
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Ninh Thuận, ngày 06 tháng 10 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TẬP TRUNG TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang diễn biến phức tạp; theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ đầu năm đến nay cả nước có 1.094 ổ DTLCP tại 47 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 67.478 con, gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi.

Tại Ninh Thuận, từ ngày 23/9/2024 đến ngày 05/10/2024, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 6 hộ chăn nuôi tại 03 xã trên địa bàn 03 huyện (Ninh Sơn, Thuận Bắc, Bác Ái) với số lợn bệnh chết và tiêu hủy 296 con (trong đó tiêu hủy 113 con). Như vậy, mầm bệnh DTLCP đã và đang lưu hành trên địa bàn tỉnh, cùng với thay đổi thời tiết tại địa phương đang ở giai đoạn chuyển sang mùa mưa nên ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm sức đề kháng vật nuôi nói chung, đàn lợn nói riêng; hàng ngày có nhiều phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn từ các tỉnh đã xảy ra dịch bệnh quá cảnh trên tuyến Quốc lộ (1A, 27 và 27B), đặc biệt là tình trạng chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học và công tác giám sát tình hình dịch bệnh chưa được tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để DTLCP phát tán, lây lan trên diện rộng.

Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/07/2024 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch số 3119/KH-UBND ngày 01/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Để phòng, chống, kiểm soát bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh kịp thời, hiệu quả; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh)

- Là cơ quan đầu mối Ban Chỉ đạo cấp tỉnh điều phối, chỉ đạo các hoạt động phòng, chống bệnh DTLCP. Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của dịch bệnh; tùy theo tình hình thực tế và diễn biến của dịch bệnh để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa phương triển khai các biện pháp bổ sung cho phù hợp khi có dịch xảy ra.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch 3119/KH-UBND ngày 01/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

- Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu củng cố và tăng cường năng lực cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, nhất là cấp huyện, xã theo quy định Luật Thú y, chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Quyết định 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm nguồn lực tinh gọn, hiệu phù hợp với thực tiễn đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả;

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

+ Phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát dịch bệnh, hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại; tiêm phòng vắc xin các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn lợn và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

+ Chuẩn bị vật tư, hóa chất, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh DTLCP, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống bệnh DTLCP; điều tra dịch tễ, giám sát ổ dịch.

+ Tổ chức, thực hiện nghiêm việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch tại gốc và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm của lợn theo quy định.

+ Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng thông tin tuyên truyền về bệnh DTLCP và các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.

+ Duy trì đường dây nóng theo số 02593.504660 để tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời.

+ Chỉ đạo Trạm Kiểm dịch động vật Thuận Bắc bố trí cán bộ trực 24/24, tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện tiêu độc tất cả các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trái phép, nhập lậu vào địa phương theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối ngân sách địa phương bố trí kinh phí để tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.

3. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và đơn vị liên quan củng cố và tăng cường năng lực cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, nhất là cấp huyện, xã bảo đảm nguồn lực tinh gọn, phù hợp với thực tiễn đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả theo quy định Luật Thú y, chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và quyết định 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nguồn kinh phí đầu tư phục vụ công tác phòng, chống dịch.

5. Cục Thống kê tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị liên quan trong việc tổng hợp, thống nhất và chia sẻ số liệu tổng đàn lợn trên toàn tỉnh.

6. Sở Công Thương phối hợp với Cục quản lý thị trường, ngành Nông nghiệp và các đơn vị có liên quan trong công tác đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường, nhằm ngăn chặn bệnh DTLCP; phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, đẩy giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và trong nước.

7. Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, lưu thông và buôn bán lợn và các sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh.

8. Sở Y tế phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

9. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống Đài truyền thanh cơ sở tổ chức công tác truyền thông nguy cơ dịch DTLCP, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; đảm bảo chính xác, kịp thời để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh.

10. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về bảo vệ môi trường đối với việc chôn lấp, tiêu hủy lợn bị bệnh DTLCP.

11. Sở Giao thông vận tải

- Ban hành văn bản nghiêm cấm các phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các chủ phương tiện vi phạm.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông và các đơn vị có liên quan trực thuộc phối hợp với lực lượng Thú y, Y tế, Quản lý thị trường, Công an kiểm tra, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc tại các ga tàu, bến xe, đầu mối giao thông theo quy định hiện hành.

[...]