Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2022 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh dại ở động vật trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 02/11/2022
Ngày có hiệu lực 02/11/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Lò Văn Tiến
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Điện Biên, ngày 02 tháng 11 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TẬP TRUNG TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH DẠI Ở ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ ngày 02/10/2022 đến ngày 15/10/2022 trên địa bàn huyện Mường Nhé ghi nhận 02 trường hợp người tử vong do bệnh Dại1; từ ngày 11/10/2022 đến ngày 24/10/2022 cơ quan chuyên môn Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy 06 mẫu nghi do chó mắc bệnh dại cắn người trên địa bàn huyện Mường Nhé và huyện Tuần Giáo gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm, kết quả có 05/06 mẫu dương tính với vi rút dại, 01 mẫu đang chờ kết quả xét nghiệm; qua giám sát cho thấy các mẫu xét nghiệm trên đều từ chó của các hộ gia đình đang nuôi cắn chủ.

Trước diễn biến nêu trên, nguy cơ dịch bệnh Dại gia tăng và gây tử vong cho người trong thời gian tới là rất cao, nguyên nhân do: Mầm bệnh dại đã lưu hành ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố kể cả vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo nuôi trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ rất thấp (26,8% tổng đàn); xuất hiện tâm lý chủ quan trong phòng chống bệnh dại2. Đặc biệt, công tác quản lý nuôi chó trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố còn rất kém (tình trạng chó nuôi thả rông, không rọ mõm còn rất phổ biến ngay cả ở các khu vực dịch, thị trấn, thị xã, thành phố); nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, vẫn chủ quan khi bị chó, mèo cào, cắn không đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng.

Để chủ động phòng, chống, khống chế dập tắt các ổ dịch bệnh dại ở động vật, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch số 2766/KH-UBND ngày 29/8/2022 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022-2030 tỉnh Điện Biên; trong đó trọng tâm vào một số nhiệm vụ:

1. Sở Y tế

- Tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi Dại cắn; tuyên truyền, vận động người dân đến các cơ sở y tế, điểm tiêm phòng Dại để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng Dại kịp thời. Khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các bài thuốc trong dân gian để điều trị dự phòng Dại sau khi bị phơi nhiễm với động vật nghi Dại cắn (chó, mèo cắn, cào, liếm).

- Chủ động trong việc mua sắm cung ứng vắc xin, vật tư phòng, chống bệnh Dại trên người. Không để xảy ra tình trạng thiếu vắc xin tại các điểm tiêm vắc xin phòng Dại trên địa bàn tỉnh. Có phương án mở rộng thêm các điểm tiêm vắc xin phòng Dại tại các huyện nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, đến các điểm tiêm vắc xin được tư vấn và tiêm vắc xin phòng Dại.

- Tiếp tục rà soát đối tượng được hỗ trợ tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho các trường hợp như: Người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người trực tiếp tham gia phòng chống dịch bệnh Dại ở những vùng có nguy cơ cao, vùng có dịch và các trường hợp đặc biệt khác theo quy định hiện hành.

- Phối hợp với cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền vận động người dân khi bị chó, mèo, động vật nghi Dại, động vật hoang dã cắn, cào, liếm cần xử lý vết thương đúng cách (rửa vết thương dưới vòi nước sạch trong khoảng 15 phút cùng với xà phòng hoặc dầu gội đầu, dầu tắm, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút Dại tại vết cắn, cào) đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc các điểm tiêm phòng Dại để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh Dại theo hướng dẫn của cơ quan Y tế.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật tình hình bệnh Dại trên động vật để có phương án ứng phó không để dịch bệnh lây truyền sang người.

- Phối hợp, hướng dẫn các đơn vị điều tra, báo cáo kịp thời các trường hợp mắc Dại, nghi ngờ mắc Dại, phơi nhiễm với Dại. Lấy mẫu bệnh phẩm và vận chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thường xuyên theo dõi tình hình bệnh Dại trên địa bàn tỉnh, các chỉ đạo của Trung ương để chủ động ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền, tham mưu cho UBND tỉnh văn bản chỉ đạo về phòng, chống bệnh Dại ở động vật.

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, quản lý đàn chó, mèo nuôi, tiêm phòng vắc xin Dại, giám sát, lấy mẫu, phát hiện bệnh, tiêu hủy chó, mèo mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại theo quy định; báo cáo tình hình dịch bệnh và kết quả triển khai về UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

- Duy trì thực hiện tốt chia sẻ thông tin bệnh Dại trên động vật với Sở Y tế để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm sang người.

3. Đài Phát thanh và Truyền hỉnh tỉnh, Báo Điện Biên Phủ, Cổng Thông tin Điện tử tỉnh

- Phối hợp với ngành Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ, tính chất nguy hiểm của bệnh Dại đối với người và động vật; hướng dẫn người dân cách xử lý vết thương khi bị chó, mèo cào cắn; sự cần thiết phải đến cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn tiêm vắc xin phòng bệnh Dại theo quy định.

- Phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố thông tin kịp thời, chính xác đến cộng đồng và người dân về diễn biến tình hình bệnh Dại, mức độ nguy hiểm của bệnh Dại và các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa tránh gây hoang mang trong xã hội.

4. Sở Tài chính: Căn cứ đề xuất của Sở Y tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương để tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, bổ sung kinh phí hỗ trợ tiêm vắc xin Dại để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho các đối tượng thụ hưởng tại Kế hoạch số 2766/KH-UBND ngày 29/8/2022 của UBND tỉnh.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác truyền thông trong trường học về nguy cơ, tính chất nguy hiểm của bệnh Dại đối với người và động vật cho phụ huynh và học sinh

- Rà soát các trường hợp bị chó mèo cắn, cào, liếm... chưa đi tiêm phòng, yêu cầu đến các điểm tiêm phòng Dại để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin Dại theo đúng hướng dẫn của cơ quan Y tế.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Căn cứ vào tình hình bệnh Dại trên địa bàn chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Dại kịp thời, hiệu quả, cụ thể:

- Đối với các địa phương có ca bệnh trên người và động vật, tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh Dại trên người và động vật theo các nội dung trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2023 ban hành theo Quyết định số 2121/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 2766/KH-UBND ngày 29/8/2022 của UBND tỉnh về phòng chống bệnh Dại giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

- Chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo nuôi trên địa bàn khu vực dịch và khu vực 2, khu vực 3 theo Kế hoạch số 2766/KH-UBND ngày 29/8/2022 của UBND tỉnh. Riêng huyện Mường Nhé khẩn trương tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin dại triệt để cho toàn bộ đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn và hoàn thành chậm nhất trong tháng 11 năm 2022.

- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND cấp xã tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống bệnh Dại: Tuyên truyền đến từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại; khi phát hiện chó, mèo mắc hoặc nghi mắc bệnh Dại phải báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương; người khi bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cào, cắn...đến các điểm tiêm vắc xin Dại để được tư vấn và tiêm phòng bệnh Dại theo hướng dẫn của cơ quan y tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ nuôi chó, mèo trong việc khai báo và quản lý; trách nhiệm tiêm phòng định kỳ bắt buộc bệnh Dại cho chó, mèo nuôi; tuyên truyền các quy định về xử phạt hành chính đối với phòng, chống dịch bệnh dại (bao gồm việc quản lý chó nuôi, tiêm phòng, thả rông và chó cắn người...) theo Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phát hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ thực vật, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.

- Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức rà soát, thống kê số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư và số chó nuôi trong từng hộ gia đình; lập sổ quản lý chó nuôi tại cấp xã, cấp thôn bản theo quy định. Đề nghị chủ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo theo quy định, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc nuôi nhốt chó trong khuôn viên gia đình; không thả rông chó, khi ra nơi công cộng phải xích, đeo rọ mõm và có người dắt; UBND cấp xã thành lập các tổ, đội bắt chó để tiêm phòng, bắt chó thả rông, kiểm soát vận chuyển chó, mèo ra vào vùng dịch.

[...]