Chỉ thị 10/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, trừ sâu, bệnh gây hại cây trồng năm 2020 do tỉnh Hưng Yên ban hành
Số hiệu | 10/CT-UBND |
Ngày ban hành | 16/04/2020 |
Ngày có hiệu lực | 16/04/2020 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hưng Yên |
Người ký | Nguyễn Văn Phóng |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND |
Hưng Yên, ngày 16 tháng 4 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, TRỪ SÂU, BỆNH GÂY HẠI CÂY TRỒNG NĂM 2020
Năm 2020, toàn tỉnh sẽ thực hiện Kế hoạch sản xuất nông nghiệp với 59.395ha lúa, 5.440ha ngô, 14.550ha rau màu, 14.070ha cây ăn quả, 2.199ha cây công nghiệp và 1.600ha cây dược liệu, trong đó vụ Xuân toàn tỉnh đã gieo cấy được 29.403ha lúa và trên 4.000ha rau màu. Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa, rau màu và cây ăn quả đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số đối tượng sâu, bệnh hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn hại lúa (diện tích nhiễm 540 ha, trong đó có 18 ha nhiễm nặng), bệnh sương mai hại nhãn, vải (nhiễm nhẹ 157 ha) và nguy cơ trong thời gian tới nếu không áp dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả bệnh đạo ôn hại lúa, sâu đục cuống quả vải sẽ phát sinh gây hại mạnh ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2020 thời tiết diễn biến phức tạp, khả năng xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; điều kiện thời tiết ở một số thời điểm rất thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh phát sinh và gây hại cây trồng.
Nhằm chủ động phòng trừ sâu, bệnh và hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra đối với cây trồng năm 2020; phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo an ninh lương thực; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và không để “dịch chồng dịch” xẩy ra trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đời sống của Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, phân công cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng (thời điểm áp lực sâu, bệnh cao phải tăng cường cán bộ kỹ thuật chỉ đạo kể cả ngày nghỉ và ngày lễ) điều tra, dự tính dự báo sâu, bệnh; thông báo chính xác, kịp thời tình hình sâu bệnh hại cây trồng, thời điểm phát sinh và hướng dẫn kỹ thuật, biện pháp phòng trừ hữu hiệu. Lưu ý:
+ Đối với Lúa: Vụ Xuân, tiếp tục chỉ đạo phòng trừ bệnh đạo ôn lá, nhất là trên các giống nhiễm và bệnh đạo ôn cổ bông trên diện lúa trỗ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5; phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 từ giữa đến cuối tháng 4; phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 và bệnh bạc lá cuối vụ. Vụ Mùa cần lưu ý một số đối tượng dịch hại chính như: Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn,... Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân cân đối để vừa đảm bảo cho lúa sinh trưởng, trỗ bông tốt, năng suất cao vừa hạn chế tác động của phân bón đến sự phát sinh gây hại của sâu, bệnh, nhất là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn;
+ Đối với cây rau màu: Lưu ý các đối tượng như sâu tơ, sâu xanh, rệp muội, bọ trĩ, bệnh sương mai,... hại trên rau họ thập tự, dưa chuột, đậu đỗ. Sử dụng các thuốc sinh học, chế phẩm Nano để phòng trừ sâu, bệnh nhằm đảm bảo năng suất cây trồng và an toàn thực phẩm. Tăng cường khuyến cáo nông dân sử dụng phân hữu cơ ủ mục với các chế phẩm sinh học hoặc vôi bột để làm giảm áp lực sâu bệnh;
+ Đối với Cây ăn quả: Trên nhãn, vải cần tập trung phòng trừ sâu đục cuống quả vải giai đoạn từ sau khi đậu quả đến khi quả bắt đầu chín sinh lý. Thời điểm từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 tập trung theo dõi bệnh thán thư, sương mai gây thối quả trên nhãn. Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng, đảm bảo năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm;
+ Căn cứ diễn biến thực tế sâu bệnh, từng vụ, vào các thời điểm áp lực sâu bệnh cao, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn có hướng dẫn cụ thể để các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tổ chức phòng, trừ đạt hiệu quả cao.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp, đại lý thuốc bảo vệ thực vật cung ứng thuốc, vật tư đủ, kịp thời để phục vụ Nhân dân; bán đúng loại thuốc dùng để phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh hại theo thông báo của cơ quan chuyên môn để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí. Không được khuyến cáo và bán kèm các loại thuốc không có trong thông báo của cơ quan chuyên môn.
- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn thanh, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, không để tình trạng lợi dụng chống dịch tăng giá hoặc bán hàng kém chất lượng; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo kịp thời.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo:
- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế), Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông và các phòng, ban, đơn vị chuyên môn phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh và gây hại cây trồng của các đối tượng sâu, bệnh; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nông dân phòng trừ kịp thời bằng các thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
- Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, đôn đốc nông dân bên cạnh việc thực hiện tốt việc tự cách ly trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn phải thường xuyên tự kiểm tra ruộng, vườn của gia đình mình và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
- Chỉ đạo hệ thống phát thanh cơ sở tăng cường thông tin về thời điểm phát sinh và biện pháp phòng, trừ các đối tượng sâu, bệnh hại cụ thể ở từng thời điểm để nông dân thực hiện.
- Các cơ quan quản lý chuyên ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc buôn bán vật tư nông nghiệp, không để tình trạng lợi dụng chống dịch để tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng.
- Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
3. Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và các vật tư nông nghiệp thiết yếu được vận chuyển, lưu thông hàng hóa kịp thời để phục vụ sản xuất và phòng trừ sâu bệnh đối với cây trồng.
4. Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp đảm bảo tưới, tiêu hợp lý ở từng thời điểm để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất cao; đồng thời đảm bảo điều kiện cho công tác phòng trừ sâu, bệnh.
5. Các sở, ngành liên quan phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, trừ sâu, bệnh hại cây trồng năm 2020 đạt hiệu quả.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
|
CHỦ TỊCH |