Chỉ thị 10/2013/CT-UBND tăng cường thực hiện công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Số hiệu | 10/2013/CT-UBND |
Ngày ban hành | 09/08/2013 |
Ngày có hiệu lực | 19/08/2013 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Cao Bằng |
Người ký | Nguyễn Hoàng Anh |
Lĩnh vực | Dịch vụ pháp lý,Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2013/CT-UBND |
Cao Bằng, ngày 09 tháng 8 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
Thực hiện Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị có liên quan đã có sự phối hợp trong hoạt động đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã được quan tâm củng cố, kiện toàn; các thủ tục hành chính về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã được niêm yết công khai đảm bảo việc đăng ký được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, cơ bản đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, hộ gia đình, doanh nghiệp về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Tuy nhiên, công tác đăng ký giao dịch bảo đảm hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại: Việc phối hợp giữa các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với các cơ quan có liên quan chưa kịp thời, cán bộ làm công tác đăng ký giao dịch bảo đảm còn thiếu so với yêu cầu công việc, phần lớn là kiêm nhiệm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký giao dịch bảo đảm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất chưa được thực hiện thống nhất, đồng bộ giữa các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm tăng cường thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh, từng bước đáp ứng nhu cầu giao dịch của cá nhân, tổ chức và nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Sở Tư pháp
a) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý thống nhất công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện công tác kiểm tra hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật.
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật của người dân và doanh nghiệp về ý nghĩa, lợi ích của đăng ký giao dịch bảo đảm và các quy định hiện hành về trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ làm công tác đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
d) Hướng dẫn các Tổ chức hành nghề công chứng phối hợp với các Tổ chức tín dụng, cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trong việc cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm.
đ) Định kỳ 6 tháng và hàng năm tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh về hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm.
e) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo về đăng ký giao dịch bảo đảm theo thẩm quyền.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Phối hợp với Sở Nội vụ; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, bố trí đủ nguồn nhân lực cần thiết để Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện tốt hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm.
b) Tăng cường hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh.
c) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc đăng ký và quản lý giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
d) Hướng dẫn, đôn đốc và chỉ đạo các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường (đối với các huyện chưa có Văn phòng ĐKQSDĐ) nghiêm túc thực hiện việc công khai hóa các thủ tục hành chính, mức phí, lệ phí về đăng ký giao dịch bảo đảm tại nơi tiếp nhận hồ sơ và trụ sở làm việc của cơ quan; Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký, lưu trữ hồ sơ, đảm bảo quản lý hồ sơ chính xác, dễ theo dõi, tra cứu.
e) Thực hiện chế độ báo cáo 6 tháng và hàng năm về hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm gửi Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc bố trí biên chế phục vụ công tác đăng ký giao dịch trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Tài chính
a) Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định hiện hành. Căn cứ vào khả năng ngân sách Nhà nước bố trí kinh phí để phục vụ hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để phục vụ hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương; trang bị cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho cơ quan quản lý Nhà nước về giao dịch bảo đảm và các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong quá trình phục vụ cá nhân, tổ chức, hộ gia đình, doanh nghiệp.
5. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh
a) Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý Nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
b) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tốt công tác giao dịch bảo đảm ở địa phương.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý Nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn.