Chỉ thị 10/2005/CT-UBND về tăng cường bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
Số hiệu | 10/2005/CT-UBND |
Ngày ban hành | 01/08/2005 |
Ngày có hiệu lực | 11/08/2005 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Tiền Giang |
Người ký | Nguyễn Văn Phòng |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2005/CT-UBND |
Mỹ Tho, ngày 01 tháng 8 năm 2005 |
VỀ TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
Công tác bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được các ngành, các cấp phối hợp thực hiện đạt được những kết quả nhất định, các công trình điện cao áp đi qua địa bàn tỉnh đã được bảo vệ và vận hành an toàn. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều vụ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh đã diễn ra, một số vụ chưa được xử lý triệt để, có nguy cơ gây ra sự cố, ảnh hưởng đến công tác an toàn vận hành lưới điện quốc gia, làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và tính mạng của nhân dân.
Để tăng cường công tác bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công tập trung tổ chức đợt tuyên truyền từ nay đến cuối năm 2005 cho tất cả cán bộ, công chức trong cơ quan và nhân dân trên địa bàn tỉnh thông hiểu các nội dung quy định của Luật Điện lực; Nghị định số 54/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; Nghị định số 118/2004/NĐ-CP ngày 10/5/2004 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ; Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26/6/2003 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực. Trong tuyên truyền phải nêu được những nội dung trọng tâm của pháp luật và các quy định của Chính phủ, gắn với hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị mình, gắn với các vi phạm tại địa phương trong thời gian qua và tùy điều kiện từng địa phương mà lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền khác một cách có hiệu quả.
2. Đối với Ban chỉ đạo xử lý vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp cấp tỉnh:
- Các thành viên trong Ban chỉ đạo phải thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm đã được phân công, kịp thời phát hiện và đề nghị xử lý các vi phạm đúng theo quy định. Giao Thường trực Ban chỉ đạo xử lý vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tỉnh chậm nhất đến ngày 30/8/2005 trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên trong Ban chỉ đạo để có cơ sở kiểm điểm trách nhiệm;
- Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp cấp huyện, thành phố, thị xã đúng theo chức năng quy định. Kịp thời xử lý và đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lý các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.
3. Sở Công nghiệp:
- Tăng cường công tác tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về điện trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với lĩnh vực an toàn lưới điện cao áp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điện lực đúng theo quy định pháp luật;
- Phối hợp với Điện lực Tiền Giang xây dựng kế hoạch hướng dẫn cho các ngành, các cấp thực hiện công tác tuyên truyền các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp từ nay đến cuối năm và cho các năm về sau; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt các chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về an toàn lưới điện cao áp; tổ chức tập huấn về công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp cho các địa phương có đường điện cao áp đi qua;
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng trong việc cấp phép xây dựng và kiểm tra sau cấp phép các công trình xây dựng có liên quan đến hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh;
- Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương có kế hoạch nâng cấp, di dời các đường điện cao thế ra khỏi khu vực đô thị trong tỉnh để tạo điều kiện cho khu vực này phát triển và để an toàn cho lưới điện.
4. Sở Xây dựng:
- Tăng cường công tác quản lý cấp phép xây dựng đối với các công trình có gần đường dây điện cao áp và phải thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp khi cấp phép xây dựng;
- Hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn cấp huyện, cán bộ thanh tra chuyên ngành về công tác xử lý vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp đúng theo quy định của pháp luật. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp khi mới phát sinh và yêu cầu đơn vị thi công đình chỉ thi công các công trình vi phạm.
5. Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng trực thuộc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
6. Điện lực Tiền Giang:
- Công bố các tài liệu có liên quan về an toàn lưới điện cao áp đến các địa phương, các sở, ngành tỉnh có liên quan làm cơ sở cho công tác tuyên truyền;
- Thường xuyên kiểm tra các công trình lưới điện cao áp thuộc phạm vi quản lý để phát hiện xử lý kịp thời, đúng theo quy định pháp luật;
- Xây dựng hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, chỉ dẫn khu vực nguy hiểm, cột mốc, dấu đường cáp…theo quy định của ngành. Nghiên cứu lắp các bảng tuyên truyền, khuyến cáo về hành lang lưới điện cao áp tại các trụ điện hoặc tại khu vực có đường điện đi qua để mọi người dễ nhận biết và chấp hành;
- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện điều tra, xác định và tổng hợp, phân loại các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tại các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, đề xuất Ban chỉ đạo xử lý vi phạm cấp huyện và cấp tỉnh phương án xử lý cụ thể đối với từng trường hợp. Trước mắt, phải xử lý ngay các vi phạm mới phát sinh và các vi phạm trầm trọng đối với lưới điện;
- Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp trong công tác quản lý, trồng mới, đốn tỉa cây xanh công cộng trong khu vực có đường điện cao thế, đúng theo quy định về an toàn lưới điện và cho từng loại cây.
7. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:
- Khẩn trương kiện toàn Hội đồng xử lý vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp cấp huyện, thành phố, thị xã, có quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng thành viên, đến 30/8/2005 phải thực hiện xong;
- Phối hợp tốt với các ngành tỉnh có liên quan để tổ chức thực hiện Chỉ thị này và đề ra các biện pháp tăng cường quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn quản lý;
- Tổ chức xử lý các vụ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn quản lý đúng theo quy định pháp luật, yêu cầu những đơn vị thi công không thi công các công trình vi phạm;
- Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xử lý nghiêm đối với các trường hợp xây dựng, nâng cấp các loại công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, không để đến khi hoàn thành công trình mới xử lý. Kiểm điểm trách nhiệm cấp chính quyền cơ sở nào bao che hoặc không xử lý kịp thời đối với các vi phạm trên địa bàn quản lý.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh triển khai thực hiện tốt chỉ thị này, cuối năm 2005 báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công nghiệp để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.