Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg về tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 09/CT-UBND
Ngày ban hành 25/09/2024
Ngày có hiệu lực 25/09/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Ninh Thuận, ngày 25 tháng 9 năm 2024

 

CHỈ THỊ

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 31/CT-TTG NGÀY 04/9/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM THỰC HIỆN HIỆU QUẢ NĂM HỌC 2024-2025

Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025;

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025 với phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm; Thầy cô giáo là động lực; Nhà trường làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền tảng”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 2405/TTr-SGDĐT ngày 19/9/2024;

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu toàn ngành Giáo dục, các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (theo Kế hoạch số 362/KH-UBND ngày 25/01/2022, Kế hoạch số 1950/KH-UBND ngày 07/5/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh); điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học; thu gọn các điểm trường lẻ, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi nhất cho trẻ em, học sinh và người dân nhất là miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

b) Quản lý, sử dụng, tuyển dụng viên chức, giáo viên theo biên chế được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với định mức biên chế theo vị trí việc làm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, gắn với lộ trình tinh giảm biên chế đến năm 2026 được cấp có thẩm quyền phê duyệt; điều phối, phân bổ biên chế, bố trí giáo viên giảng dạy đảm bảo hợp lý, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các cơ sở giáo dục và giữa các vị trí việc làm/đơn vị, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” nhưng phải phù hợp thực tiễn và hiệu quả; khắc phục triệt để tình trạng không tuyển dụng/biên chế được giao (ngoài chỉ tiêu cần phải cân đối chung với các trường hợp dự kiến tinh giảm biên chế để thực hiện tinh giảm theo quy định, lộ trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) và ký hợp đồng lao động không đúng quy định.

c) Cung ứng đầy đủ, kịp thời số lượng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, thiết bị dạy học cho năm học mới 2024 - 2025; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

d) Tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

đ) Chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, giảm áp lực, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh.

e) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên, nhất là phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên, bảo đảm an ninh, an toàn trường học.

g) Phối hợp với Sở Nội vụ và các địa phương rà soát số lượng biên chế giáo viên để đề xuất bổ sung biên chế ngành Giáo dục, nhất là giáo viên mầm non năm học 2024 - 2025 theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị, địa phương trong quản lý, sử dụng, tuyển dụng biên chế được giao đảm bảo hiệu quả và có giải pháp phù hợp, hiệu quả khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

h) Tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

2. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ biên chế ngành giáo dục và đào tạo đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, định mức biên chế theo vị trí việc làm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và lộ trình tinh giảm biên chế đến năm 2026 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý, tuyển dụng, sử dụng hiệu quả biên chế ngành giáo dục và đào tạo được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” nhưng phải phù hợp thực tiễn địa phương và hiệu quả trong việc bố trí.

3. Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối nguồn vốn ngân sách của tỉnh chi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhất là kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Tiếp tục rà soát, tổ chức, sắp xếp cơ sở giáo dục, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học, giảm các điểm trường lẻ, tăng cường bán trú, nội trú gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; hình thành trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp điều kiện thực tế địa phương, bảo đảm thuận lợi, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em, học sinh học 2 buổi/ngày; dành quỹ đất xây dựng các cơ sở giáo dục khi quy hoạch khu đô thị mới. Chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập ở khu vực đông dân cư, khu công nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục thường xuyên, tạo sự chuyển biến rõ nét về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

b) Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thực hiện tuyển dụng giáo viên theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực để hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ; nghiên cứu có cơ chế, chính sách để thu hút giáo viên đến công tác và gắn bó lâu dài tại địa phương. Cần rà soát nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh hiện được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có nhu cầu được tuyển dụng, bố trí dạy học và tình hình thực tế nguồn lực của địa phương còn hạn chế để cân nhắc khi đề xuất có cơ chế, chính sách thu hút giáo viên.

c) Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phân bổ bảo đảm định mức kinh phí chi thường xuyên theo quy định để các cơ sở giáo dục thực hiện hoạt động dạy và học. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư.

d) Xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

đ) Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục việc thực hiện về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu đầu năm học bảo đảm đúng quy định.

e) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cơ quan chức năng tại địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả thiên tai, dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm; tăng cường bảo đảm an toàn trường học; bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em, học sinh nội trú, bán trú.

g) Tăng cường triển khai hiệu quả, mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn; chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm, bảo đảm yêu cầu, hiệu lực, hiệu quả.

Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này; kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh (b/c);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Ban Tuyên giáo tỉnh ủy;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Ninh Thuận, Đài PTTH;
- VPUB: LĐ, KTTH, HCQT;
- Lưu: VT, VXNV. ĐNĐ

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Long Biên

[...]