Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2023 xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 do tỉnh Ninh Bình ban hành

Số hiệu 09/CT-UBND
Ngày ban hành 27/06/2023
Ngày có hiệu lực 27/06/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Ninh Bình, ngày 27 tháng 6 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; trên cơ sở phát huy kết quả đạt được và tận dụng các cơ hội để phục hồi, thúc đẩy hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi những khó khăn, thách thức lớn hiện nay cơ bản đã được xác định, doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; nhiều dự án lớn, quan trọng đã hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện; cùng với việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tuy nhiên diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới đã và đang diễn ra trong năm 2023 sẽ tiếp tục diễn biến khó lường trong năm 2024, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh tạo ra nhiều rào cản cần phải vượt qua để có thể tăng trưởng và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Để phát huy những kết quả đạt được, vượt qua khó khăn thách thức, tạo tiền đề thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, thực hiện Chỉ thị số 21/CT- TTg ngày 10/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 với các nội dung chủ yếu sau:

I. YÊU CẦU TRONG XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024

1. Đánh giá sát thực tình hình phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 trên cơ sở kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 78/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 gắn với việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra tại Nghị quyết số 105/NQ-HĐND ngày 09/12/2020.

Phân tích đánh giá rõ những kết quả đạt được trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, tác động của thiên tai, dịch bệnh; đặc biệt là tác động của dịch Covid-19 và tình hình chính trị thế giới tới việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế và đề xuất biện pháp khắc phục.

2. Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Đánh giá cụ thể việc thực hiện các mục tiêu, bám sát các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nêu tại Nghị quyết, trong đó làm rõ các kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, khả năng giải ngân thực hiện các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đến hết năm 2023.

3. Trên cơ sở kết quả đạt được, dự báo tác động của tình hình kinh tế thế giới, kinh tế trong nước đối với tỉnh, căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025 và điều kiện thực tế, các cấp, các ngành xác định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

4. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phải mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch 05 năm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp, các địa phương, gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công.

5. Kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và địa phương phải phù hợp với định hướng quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, phấn đấu đạt được mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh; phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển của từng ngành, từng địa phương; bám sát những dự báo, đánh giá tình hình và bối cảnh trong nước, quốc tế tác động đến tỉnh trong giai đoạn tới, đảm bảo sự kế thừa những thành quả đã đạt được, có sự đổi mới và tiếp thu, tiếp cận xu hướng phát triển chung của cả nước, của vùng, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

6. Việc đề xuất các chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực phụ trách phải thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; bảo đảm khả năng thu thập thông tin, theo dõi liên tục, đánh giá định kỳ; bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, có dữ liệu so sánh với quá khứ; không đề xuất các chỉ tiêu chuyên ngành, phức tạp; bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ và phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; phù hợp với thông lệ.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH NĂM 2024

1. Mục tiêu tổng quát

Phục hồi phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo nền tảng, động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất; hoàn thiện quy hoạch và xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư các dự án theo định hướng thu hút đầu tư.

Phát triển kinh tế nông nghiệp theo lợi thế từng tiểu vùng sinh thái, theo hướng hữu cơ, hình thức sản xuất tiên tiến gắn với các sản phẩm OCOP; tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch; phấn đấu tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024. Phát triển mạnh ngành dịch vụ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và phát triển du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành lĩnh vực khác. Phát triển toàn diện đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội và giảm nghèo bền vững; phát huy giá trị văn hóa lịch sử gắn với bảo vệ môi trường và di sản; chủ động trong phòng chống thiên tai, bão lũ và ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và tiếp tục đổi mới toàn diện cả về phương thức và cách thức hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

2.1. Về phát triển kinh tế

- Phục hồi phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu GRDP năm 2024 tăng khoảng 7,6% so với năm 2023.

- Triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, tạo bước đột phá mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện… theo hướng đồng bộ. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và chất lượng các quy hoạch đang triển khai, nhất là các quy hoạch quan trọng như: điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình, Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Quy hoạch khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; Quy hoạch phân khu các khu công nghiệp, quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp… Tổ chức công bố công khai các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh theo quy định, qua đó gia tăng tính minh bạch, góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

- Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại trên cơ sở cơ cấu lại ngành công nghiệp với yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao; chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ số, công nghệ xanh, giảm mức tiêu hao năng lượng, nhiên liệu. Nâng cao giá trị tăng thêm trong giá trị sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực, trên cơ sở phát huy tối đa công suất hiện có của các nhà máy; thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh, có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, như: Nhà máy ô tô của Công ty Hyundai Thành Công, Nhà máy sản xuất camera modul của Công ty TNHH Mcnex Vina, Nhà máy kính CFG của công ty TNHH công nghiệp Hạ Long...

Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, hoàn thiện quy hoạch và đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng các KCN, CCN nhất là KCN đô thị - dịch vụ Tam Điệp II, KCN đô thị - dịch vụ Phú Long; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành các cụm công nghiệp đã được quyết định chủ trương đầu tư để tạo mặt bằng sạch thu hút các dự án đầu tư theo định hướng thu hút đầu tư. Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn góp phần duy trì làng nghề gắn với du lịch, xây dựng nông thôn mới; triển khai hiệu quả các quy định về khuyến công nhằm phát triển bền vững công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn gắn với bảo vệ môi trường.

- Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sạch, xanh, hữu cơ gắn với lợi thế riêng có của từng vùng, địa phương; trong đó, chú trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, nông nghiệp hữu cơ, đặc hữu có tính đột phá, hiệu quả cao gắn với phục vụ du lịch; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đặc hữu, sản phẩm OCOP của tỉnh. Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; kinh tế trang trại, hợp tác xã trong phát triển kinh tế hộ, xây dựng nông thôn mới; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch. Phấn đấu tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024.

- Phát triển mạnh ngành dịch vụ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, xây dựng các giải pháp cân đối cung - cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị. Tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý giá cả, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Triển khai có hiệu quả chương trình, kế hoạch phát triển thương mại điện tử, kế hoạch xúc tiến thương mại tạo điều kiện để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu ra thị trường trong và ngoài nước.

Phát triển du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, tạo ra các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh nhằm tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với phát huy giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới của Quần thể danh thắng Tràng An. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và kinh doanh dịch vụ du lịch.

- Tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng, các công trình trọng tâm cần tập trung chỉ đạo trong giai đoạn 2021-2025; Đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch, nhất là các khu đất đặc thù để tạo nguồn lực thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; trong đó, ưu tiên đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông quan trọng có tính chất kết nối vùng, liên vùng, kết nối các khu du lịch trọng điểm, các khu, cụm công nghiệp để thu hút phát triển công nghiệp, du lịch, phát triển mở rộng không gian đô thị, tạo dư địa và động lực phát triển kinh tế xã hội; nổi bật như: tuyến đường Đông - Tây (giai đoạn 1); tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường ĐT.482 kết nối quốc lộ 1A với quốc lộ 10 và kết nối quốc lộ 10 với quốc lộ 12B; cầu vượt sông Vân và đường dẫn phía Tây sông Vân; nhà văn hóa trung tâm tỉnh;…

- Thực hiện điều hành dự toán ngân sách nhà nước theo quy định, triển khai quyết liệt đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu tăng thu, điều hành thu phù hợp, hiệu quả, đáp ứng việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Siết chặt kiểm soát chi ngân sách, rà soát và cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, thực hiện chi ngân sách đảm bảo cân đối với khả năng huy động, tiết kiệm, chống lãng phí.

- Đổi mới hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư gắn với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung hơn nữa trong việc rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách để khơi thông điểm nghẽn nhằm tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn góp phần tạo ra các sản phẩm công nghiệp mới có giá trị tăng thêm, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và phát huy hiệu quả một số dự án, lĩnh vực, khu vực quan trọng có tính chiến lược như (hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị hiện đại, khu dịch vụ du lịch cao cấp, các dự án nông nghiệp sinh thái, xử lý rác thải…); siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, kiên quyết xử lý các trường hợp gây sách nhiễu; chú trọng củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp với phương châm “Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”.

[...]