Thứ 5, Ngày 07/11/2024

Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2023 về tăng cường tổ chức, triển khai đồng bộ biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 08/CT-UBND
Ngày ban hành 24/05/2023
Ngày có hiệu lực 24/05/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Tuấn Thanh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Bình Định, ngày 24 tháng 5 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC, TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Trong những năm qua, số trường hợp ở người tử vong do bệnh Dại ngày càng gia tăng. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 trường hợp tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 trường hợp tử vong do bệnh Dại. Tại Bình Định, trong năm 2022 đã ghi nhận 02 trường hợp tử vong tại huyện Tuy Phước và có 7.586 trường hợp bị phơi nhiễm do chó, mèo cào, cắn phải tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng Dại. Trong 3 tháng đầu năm 2023, tuy không có trường hợp tử vong, nhưng đã có 4.013 trường hợp tiêm phòng vaccine và sử dụng huyết thanh kháng Dại, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng đàn chó, mèo của tỉnh hơn 180.000 con, nhưng tỷ lệ tiêm phòng vaccine Dại hàng năm tại các địa phương thấp, chưa đạt bảo hộ đàn. Thêm vào đó, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ bùng phát bệnh Dại chó, mèo trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến là rất cao.

Nhằm tăng cường tổ chức, triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh Dại trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, quán triệt, triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ sau:

1. Quán triệt và triển khai đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 2052/QĐ-UBND ngày 29/6/2022 Ban hành “Chương trình phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022-2030” và Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 18/01/2023 về Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

2. Sở Nông Nghiệp và PTNT, Sở Y tế theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh Dại chó, mèo và các quy định về quản lý chó, mèo nuôi, địa chỉ tiêm phòng Dại; vận động, hướng dẫn người nuôi chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh Dại, chấp hành đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã và cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT

a) Phối hợp Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác quản lý chó, mèo nuôi, tiêm phòng vaccine Dại, giám sát bệnh Dại trên động vật, hướng dẫn xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại và tổ chức phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp Sở Tài chính xây dựng kế hoạch kinh phí hàng năm về tập huấn, tuyên truyền, giám sát chủ động lưu hành vi rút Dại, giám sát sau tiêm phòng, quản lý chó mèo nuôi và phòng, chống bệnh Dại, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

c) Phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng Đề án Củng cố, kiện toàn hệ thống thú y cấp huyện trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 4225/QĐ-UBND ngày 20/10/2021 của UBND tỉnh về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định”.

d) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

- Phân công lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn để hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc công tác tiêm phòng, phòng chống bệnh Dại và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại tại các địa phương. Định kỳ báo cáo công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dại, tổng hợp số lượng tổng đàn, kết quả tiêm phòng vaccine Dại chó, mèo và khó khăn vướng mắc do chủ quan, khách quan, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

- Phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kịp thời chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp chó, mèo mắc bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại hoặc người bị chó, mèo mắc bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại cắn, cào, liếm vào vùng da bị tổn thương, niêm mạc, người bị phơi nhiễm, tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ thú y, y tế để nâng cao kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh Dại; cung cấp nội dung tuyên truyền về mối nguy hại của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết chó, mèo mắc bệnh Dại, vaccine sử dụng và các quy định, biện pháp quản lý chó, mèo nuôi… cho các cơ quan liên quan, phục vụ công tác tuyên truyền.

4. Sở Y tế

a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại ở người. Chủ động đảm bảo đầy đủ vaccine phòng bệnh Dại và huyết thanh kháng Dại cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh Dại và truyền thông hướng dẫn, tư vấn người bị chó, mèo cắn, cào, liếm …cách xử trí vết thương ban đầu và phải đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

b) Phối hợp Sở Tài chính xây dựng kế hoạch kinh phí hàng năm về tập huấn, tuyên truyền và phòng, chống bệnh Dại, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

c) Chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật chủ động phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y kịp thời chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị phơi nhiễm với chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại, phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ thú y, y tế để nâng cao kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch; cung cấp nội dung tuyên truyền về mối nguy hại của bệnh Dại, các dấu hiệu ở người nghi mắc bệnh Dại, địa chỉ tiêm phòng, tư vấn, khai báo khi bị chó, mèo, cào, cắn … cho các cơ quan liên quan, phục vụ công tác tuyên truyền.

5. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách hàng năm, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan tham mưu, đề xuất bố trí nguồn kinh phí thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh Dại để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh Dại, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, Sở Tài chính, hàng năm xây dựng kế hoạch truyền thông học đường về phòng, chống bệnh Dại; chú trọng học sinh cấp Tiểu học và Trung học cơ sở.

8. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đầy đủ các nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 2052/QĐ-UBND ngày 29/6/2022 Ban hành “Chương trình phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022-2030”. Xem xét, cân đối, bố trí kinh phí và nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh Dại thuộc địa bàn; nhất là công tác hỗ trợ vaccine tiêm phòng, quản lý hoạt động khai báo nuôi chó, mèo, tổ chức bắt chó chạy rông và phòng chống bệnh Dại; tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về sự lơ là, chủ quan trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch và kết quả tiêm phòng vaccine Dại chó, mèo nuôi không đạt theo tỷ lệ quy định (trên 70% tổng đàn).

b) Tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số lượng chó, mèo nuôi ở từng cấp thôn, cấp xã; yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, tiêm phòng, chấp hành thực hiện nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người. Tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó, mèo; cập nhật số liệu nuôi chó, mèo tại địa phương trên Hệ thống báo cáo thông tin dịch bệnh trực tuyến (VAHIS); từng bước áp dụng đánh dấu nhận diện (vòng đeo cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vaccine Dại; thành lập đội bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh Dại và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

c) Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tiêm phòng vaccine Dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo thuộc diện tiêm phòng.

d) Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành (bao gồm đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế, Phòng Y tế, Công an, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và lãnh đạo UBND cấp xã) tổ chức, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại; tập trung kiểm tra công tác tổ chức tiêm phòng, quản lý hoạt động khai báo nuôi chó, mèo, tổ chức bắt chó chạy rông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

[...]