Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2023 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Sơn La

Số hiệu 08/CT-UBND
Ngày ban hành 12/05/2023
Ngày có hiệu lực 12/05/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Bất động sản

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Sơn La, ngày 12 tháng 05 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT CÓ NGUỒN GỐC TỪ CÁC NÔNG, LÂM TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Trải qua quá trình sắp xếp đổi mới giai đoạn năm 2004 -2014 đến nay việc sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường cơ bản đã hoàn thành, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới các Công ty nông, lâm nghiệp theo tỷ lệ 1/10.000, xác định ranh giới các Công ty tiếp tục giữ lại để sử dụng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ thuê đất đối với đối tượng thuê đất. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ở nhiều doanh nghiệp thực chất mới thực hiện việc đổi tên, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp; phần lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập bản đồ địa chính, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản trong quản lý, sử dụng đất đai và rừng; hệ thống hồ sơ kỹ thuật và pháp lý sử dụng để quản lý đất còn thiếu và yếu (thiếu chính xác, không phản ánh đúng thực tế), tạo kẽ hở cho việc vi phạm pháp luật và gây khó khăn, phức tạp cho việc quản lý đất đai.

Các Công ty nông, lâm nghiệp một phần trực tiếp tự tổ chức sản xuất; đối với các đơn vị năng lực tài chính yếu kém dẫn đến việc giao khoán cho người dân. Khi thực hiện giao khoán, các Công ty nông, lâm nghiệp không quản lý các hợp đồng giao khoán, dẫn đến người nhận khoán tự do chuyển nhượng quyền sử đất được giao khoán cho người khác không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng giao khoán; thực hiện bán vườn cây, hoặc khoán trắng cho người lao động dẫn đến không quản lý được sản xuất, để người nhận khoán sử dụng đất tự do không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chính sách của người lao động khi thực hiện giao khoán không rõ ràng (chế độ Bảo hiểm xã hội, Hợp đồng lao động), Hợp đồng lao động các công ty ký kết với người dân chưa được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 49 của Bộ Luật Lao động năm 2019 dẫn đến nhiều kiến nghị phức tạp, kéo dài.

Mặt khác, do đất nông, lâm trường có lịch sử hình thành lâu đời, diện tích lớn, công tác quản lý đất đai bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: tình trạng sử dụng đất không đúng đối tượng, sử dụng không đúng mục đích vẫn còn xảy ra; việc lấn, chiếm, tranh chấp đất đai còn khá phức tạp ở nhiều địa phương mà chưa được giải quyết dứt điểm. Chưa giải quyết triệt để việc người dân thiếu đất ở, đất sản xuất. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai chưa được thường xuyên, liên tục, chưa kiên quyết, kịp thời xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan đến đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Thực hiện chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, để chấn chỉnh và khắc phục các hạn chế nêu trên nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước về đất đai; xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo như sau:

1. Giao các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về đất đai; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 03/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Sơn La; Kế hoạch số 124-KH/TU ngày 20/9/2022 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

2.1. Triển khai các nhiệm vụ của Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các Công ty nông nghiệp, Công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng, được phê duyệt theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

2.2. Đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, các Công ty nông, lâm nghiệp rà soát hiện trạng đất đai của các Công ty nông, lâm nghiệp thông qua việc thiết lập hệ thống bản đồ và hồ sơ quản lý đất đai theo quy định.

2.3. Hướng dẫn các Công ty nông, lâm nghiệp và UBND các huyện quản lý quỹ đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường xây dựng phương án sử dụng đất, phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các nông, lâm trường giữ lại và phần diện tích đất bàn giao về địa phương; thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt phương án theo quy định.

2.4. Hướng dẫn giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; xử lý, thu hồi đất đai, tài sản gắn liền với đất và nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật.

2.5. Đề xuất các giải pháp, chính sách, phương án để giải quyết những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh.

2.6. Đôn đốc các Sở, ban, ngành, UBND các huyện triển khai thực hiện Chỉ thị này. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh định kỳ 01 năm/02lần (vào ngày 30/6 và 30/12 hàng năm).

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

3.1. Tham mưu rà soát, đánh giá hiệu quả các mô hình quản trị, kết quả sản xuất kinh doanh của các Công ty nông, lâm nghiệp sau khi chuyển đổi mô hình, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, mô hình quản lý, sử dụng đất của các Công ty nông, lâm nghiệp để đề xuất phương án xử lý đảm bảo cân đối giữa mô hình quản trị doanh nghiệp, sản xuất, nguồn lực lao động với diện tích đất giữ lại, mang lại nguồn thu cho ngân sách.

3.2. Hướng dẫn các Công ty nông, lâm nghiệp đổi mới căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp, theo hướng sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa và trở thành trung tâm liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp hiện đại; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đóng góp tích cực cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

3.3. Tham mưu, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc liên quan đến các hợp đồng giao khoán đất nông, lâm nghiệp giữa các nông, lâm trường với các tổ chức, hộ gia đình; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến cơ chế giao khoán đất nông nghiệp. Hướng dẫn định mức kinh tế - kỹ thuật của cây trồng, vật nuôi; chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ và quy định tại các văn bản liên quan khi có đề nghị của các tổ chức, cá nhân liên quan.

3.4. Hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về việc lập hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thẩm định hồ sơ giao đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng theo quy định của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp.

3.5. Chủ trì thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng tích hợp với Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia; phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp để Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai rà soát ranh giới, diện tích đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh.

4. Công an tỉnh: Chủ động nắm bắt địa bàn, tăng cường công tác đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự trong trường hợp có phát sinh về khiếu kiện đông người, vượt cấp, gây mất trật tự công cộng; kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

5. Thanh tra tỉnh

5.1. Thực hiện các hoạt động kiểm soát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.

5.2. Tiếp tục theo dõi, giám sát và kiểm tra việc thực hiện các Kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các Công ty nông, lâm nghiệp theo quy định.

6. Sở Tài chính

6.1. Tham mưu trong việc rà soát, hướng dẫn thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản, đất đai theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ đối với phần diện tích đất phi nông nghiệp.

6.2. Tham mưu hướng dẫn về xử lý tài chính đối với Công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (gọi tắt là Công ty nông, lâm nghiệp) khi thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP và Thông tư số 51/2015/TT-BTC ngày 17/4/2015 của Bộ Tài chính.

6.3. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan đề xuất kinh phí để triển khai thực hiện Đề án nông, lâm trường, cắm mốc ranh giới, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các Công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

[...]