Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2018 về nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên năm học 2018-2019

Số hiệu 08/CT-UBND
Ngày ban hành 27/08/2018
Ngày có hiệu lực 27/08/2018
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Mùa A Sơn
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Điện Biên, ngày 27 tháng 8 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH ĐIỆN BIÊN NĂM HỌC 2018 - 2019

Năm học 2017 - 2018, với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, sự ủng hộ, chia sẻ của nhân dân và nỗ lực phấn đấu, quyết tâm đổi mới của ngành Giáo dục và Đào tạo, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên đạt được một số kết quả ró nét, làm thay đổi nhận thức, hành động của toàn ngành, tạo chuyển biến tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao dân trí và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức; ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường còn thấp, một bộ phận học sinh đi học không chuyên cần, bỏ học. Đội ngũ giáo viên còn thiếu so với định mức, đặc biệt là cấp học mầm non. Chất lượng giáo dục phổ thông vùng cao, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông chưa thực sự hiệu quả. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển về quy mô và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, số phòng học tạm còn nhiều.

Năm học 2018 - 2019, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục và đào tạo trong tỉnh tập trung quán triệt sâu sắc, toàn diện Chỉ thị số 2919/CT-BGDĐT ngày 10/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018 - 2019 của ngành Giáo dục; trong đó quán triệt phương hướng và cụ thể hóa, tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ chủ yếu, giải pháp cơ bản sau:

I. Ngành Giáo dục và Đào tạo

1. Phương hướng chung

1.1. Nâng cao chất lượng giáo dục và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và thực hiện tốt vệ sinh trường học; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ứng xử văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

1.2. Giáo dục mầm non tập trung các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kiên quyết chống hành vi bạo hành trẻ, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

1.3. Giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, đặc biệt là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.

1.4. Giáo dục chuyên nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; chuẩn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

1.5. Giáo dục thường xuyên tập trung trung củng cố, phát triển các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sau sáp nhập, thành lập; tăng cường hiệu quả hoạt động các trung tâm ngoại ngữ, tin học; rà soát, tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Đề án xây dựng xã hội học tập.

2. Các nhiệm vụ chủ yếu

2.1. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo

Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên giai đoạn 2018-2025 theo Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 16/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát, tổ chức lại hệ thống mạng lưới các trường mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu người học. Sắp xếp điều chỉnh quy mô lớp học, tăng số học sinh/lớp ở các cấp học đảm bảo không vượt mức tối đa theo quy định, phù hợp thực tế.

Tích cực tuyên truyền, vận động tối đa dân số trong độ tuổi đến trường, duy trì sỹ số học sinh, giảm thiểu học sinh bỏ học và học sinh đi học không chuyên cần. Tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học THPT và tương đương.

Các cơ sở đào tạo và dạy nghề rà soát, điều chỉnh quy mô, ngành nghề đào tạo, xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế.

2.2. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 07/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; thực hiện đúng quy chế làm việc và văn hóa công sở.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, giảng viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên, giảng viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo, phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp.

Thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Văn bản số 550/UBND-KGVX ngày 09/3/2018 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện các giải pháp tinh giản biên chế ngành Giáo dục và Đào tạo . Thực hiện các giải pháp bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu giáo viên các cấp học theo quy định. Ưu tiên, chủ động phương án tuyển dụng bổ sung giáo viên mầm non.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, yêu cầu của hạng chức danh nghề nghiệp. Tham gia và tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo lộ trình chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thực hiện bổ nhiệm, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, thi/xét thăng hạng và bổ nhiệm, xếp lương theo quy định; thực hiện tốt công tác chính sách, thi đua, khen thưởng tạo động lực, điều kiện để đội ngũ nhà giáo chuyên tâm với nghề nghiệp; có các giải pháp nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

2.3. Đổi mới giáo dục giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông

a) Tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử trong nhà trường; thực hiện tốt hoạt động chào cờ, hát quốc ca trong các cơ sở giáo dục; chú trọng giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường hiệu quả; bố trí học sinh, sinh viên trực tiếp tham gia hoạt động vệ sinh và ý thức bảo quản nhà vệ sinh, đảm bảo trường lớp sạch, đẹp; củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả, đổi mới công tác y tế trường học, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Triển khai công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

b) Tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Thực hiện chương trình hỗ trợ cha mẹ trẻ về kiến thức, kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ; xây dựng, triển khai các mô hình phối hợp gia đình - nhà trường - cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp mầm non.

c) Xây dựng và tổ chức triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, giảm tải phù hợp với thực tế từng đơn vị. Từng bước triển khai dạy học theo chuyên đề trong các nhà trường. Phát huy hiệu quả Mô hình VNEN, công nghệ giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đọc, viết, tính toán và khả năng giao tiếp của học sinh lớp 2,3 thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nâng cao số lượng cơ sở giáo dục được kiểm định chất lượng giáo dục. Tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình trường học mới THCS đối với lớp 6,7,8,9. Tăng cường chỉ đạo việc dạy học, ôn tập, ôn thi tốt nghiệp lớp 9 cấp THCS, ôn thi THPT quốc gia năm 2019. Tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các Cuộc thi, Hội thi dành cho học sinh. Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học Mầm non, THCS.

d) Triển khai thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức định hướng nghề nghiệp của học sinh. Đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

đ) Nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, giáo dục vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch thực hiện Đề án dạy tiếng Mông, tiếng Thái cho học sinh tiểu học và THCS tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020. Triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư, cải tạo, mở rộng quy mô các trường PT DTNT tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2018-2025.

[...]