Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2014 tăng cường thực hiện giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hòa Bình
Số hiệu | 08/CT-UBND |
Ngày ban hành | 19/05/2014 |
Ngày có hiệu lực | 19/05/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hòa Bình |
Người ký | Nguyễn Văn Quang |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Đầu tư,Thương mại |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND |
Hòa Bình, ngày 19 tháng 05 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, KINH DOANH VÀ NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) TỈNH HÒA BÌNH
Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã luôn quan tâm, triển khai thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các biện pháp tập trung vào việc đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính; xây dựng kết cấu hạ tầng; xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh;... nhờ đó môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đã được cải thiện đáng kể, góp phần tích cực vào kết quả thu hút đầu tư, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh còn một số hạn chế, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cản trở việc thu hút đầu tư như: Thủ tục hành chính còn rườm rà, trình tự, các bước giải quyết thủ tục hành chính còn chồng chéo, chưa rõ ràng; khả năng tiếp cận các thông tin của doanh nghiệp còn khó khăn; tính năng động trong triển khai cơ chế, chính sách của một số cơ quan, đơn vị còn chưa cao;... Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 01/8/2013 xây dựng lộ trình cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, song việc triển khai của các ngành, địa phương chưa tích cực. Dẫn đến năm 2013, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đạt thứ bậc thấp, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh bị đánh giá tụt hạng so với các địa phương khác.
Để từng bước cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời nâng cao thứ bậc chỉ số PCI của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Nhiệm vụ tổng quát
Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Quy định về trách nhiệm phối hợp giải quyết công việc giữa các Sở, Ban, Ngành, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 16/2010/QĐ-UBND, ngày 17/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 01/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2013 - 2015.
Xác định rõ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số PCI của tỉnh là trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị. Coi việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao thứ bậc của chỉ số PCI là nhân tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mỗi cơ quan, đơn vị phải xác định rõ từng công việc, chỉ tiêu cụ thể và giao cho mỗi cá nhân, mỗi bộ phận cụ thể chịu trách nhiệm thực hiện. Thực hiện theo dõi, đánh giá thường xuyên kết quả công việc, những chỉ tiêu đạt được. Xác định cụ thể những chỉ tiêu còn yếu, còn chưa đạt để có giải pháp khắc phục và kiểm điểm trách nhiệm cơ quan, đơn vị và cá nhân chậm triển khai hoặc thực hiện không nghiêm túc, không theo đúng quy định.
Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao thứ bậc chỉ số PCI của tỉnh là công việc thường xuyên, liên tục. Các ngành, các địa phương không được thỏa mãn với kết quả đã đạt được, mà phải đảm bảo duy trì, cải thiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của đơn vị mình, kiên quyết không để tụt hạng, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh chung của tỉnh.
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm
a) Giảm chi phí gia nhập thị trường thông qua việc giảm thời gian cấp, chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các thủ tục khác để doanh nghiệp khởi sự rút ngắn thời gian chính thức đi vào hoạt động. Niêm yết công khai và thực hiện nghiêm túc các quy trình, thủ tục hành chính, lệ phí liên quan đến doanh nghiệp, thủ tục liên quan đến đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tăng cường đào tạo, giáo dục, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng giao tiếp, thái độ ứng xử, tinh thần trách nhiệm của công chức. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tập trung các giao dịch về thủ tục hành chính với công dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tại bộ phận "một cửa" của cơ quan, đơn vị.
b) Tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tiếp tục thực hiện kế hoạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên toàn tỉnh. Công khai quy hoạch và nghiêm túc thực hiện quy hoạch để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp khi bị thu hồi đất làm các công trình công cộng. Thường xuyên rà soát khung giá đất đảm bảo phù hợp với giá thị trường.
c) Tăng cường tính minh bạch, bằng việc xây dựng, hoàn thiện các trang Web của các cơ quan, đơn vị. Nâng cao chất lượng và tần suất cung cấp thông tin trên trang Web. Các ngành, địa phương phải cung cấp kịp thời tài liệu văn bản pháp quy, quy trình thủ tục hành chính, các quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để công dân, doanh nghiệp tra cứu, sử dụng.
Tăng cường công tác phối hợp có sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp, hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách. Tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp quy, các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch tới hiệp hội doanh nghiệp, hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp.
d) Giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua việc nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, chất lượng công vụ của các cơ quan quản lý nhà nước. Rà soát, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo, tiết kiệm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
đ) Giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các ngành, địa phương xây dựng các nội quy, quy định để doanh nghiệp được giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn, đúng quy định tại bộ phận "một cửa". Các cơ quan, đơn vị phải thiết lập đường xây nóng, hòm thư góp ý để người dân, doanh nghiệp kịp thời phản ảnh các hiện tượng, hành vi gây nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức.
e) Đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận đất đai, vay vốn tín dụng, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, các hợp đồng kinh tế, cơ chế miễn giảm thuế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như doanh nghiệp dân doanh.
g) Chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành phù hợp với khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh và những vấn đề chưa rõ trong các quy định, chính sách của nhà nước. Các ngành, địa phương phải thực hiện đầy đủ, kịp thời những chủ trương, chính sách, quy định của tỉnh đã ban hành; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.
h) Xây dựng kế hoạch tổ chức các hội chợ thương mại, triển lãm sản phẩm phù hợp với đặc điểm của địa phương. Tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp, nhà cung cấp các dịch vụ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
i) Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề, mở rộng quy mô đào tạo nghề nhằm tạo ra lực lượng lao động có tay nghề đáp ứng được yêu cầu phát triển, có kỷ luật lao động phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề và giới thiệu việc làm phát triển. Thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ. Tổ chức thường xuyên các hội chợ việc làm.
k) Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan phòng chống tham nhũng đảm bảo các hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý; các vụ tranh chấp, các vụ khiếu nại, tố cáo; các vụ án kinh tế được xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
3. Tổ chức thực hiện và theo dõi, đánh giá
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thứ bậc chỉ số PCI của tỉnh do một đồng chí Lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Trưởng ban thường trực, Thủ trưởng các ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan là thành viên để chỉ đạo, điều hành việc tổ chức, thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của tỉnh.
b) Trên cơ sở Kế hoạch số 43/KH-UBND, ngày 01/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2013 - 2015 và Chỉ thị này, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành, địa phương lập kế hoạch hành động cụ thể, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện, đánh giá thành tích đạt được và kiểm điểm trách nhiệm, của các ngành, địa phương.
c) Các ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị chủ động lập kế hoạch và tổ chức đào tạo, tập huấn, tổ chức hội nghị, hội thảo, tuyên truyền về môi trường đầu tư, kinh doanh và chỉ số PCI đến cán bộ, nhân viên các ngành, địa phương các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp để mọi người hiểu đúng và góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Thực hiện lồng ghép các nội dung nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vào các chương trình, hội nghị liên quan đến doanh nghiệp (các hội nghị xúc tiến đầu tư, gặp mặt đầu năm với doanh nghiệp, kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam,...).
d) Theo thẩm quyền và khả năng bố trí kinh phí thực tế, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị ưu tiên bố trí kinh phí để tổ chức đào tạo, tập huấn, hội nghị hội thảo, tuyên truyền phổ biến và các chi phí cần thiết khác để triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.
đ) Sở Nội vụ căn cứ kết quả theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thứ bậc chỉ số PCI của tỉnh của các ngành, địa phương, xác định đây là một tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của các cơ quan, đơn vị; trình Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh. Đề xuất việc khen thưởng đột xuất và định kỳ hàng năm để động viên, khuyến khích các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị này, định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư./.