Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2011 tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giữ vững và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do tỉnh Đồng Tháp ban hành
Số hiệu | 18/CT-UBND |
Ngày ban hành | 22/08/2011 |
Ngày có hiệu lực | 22/08/2011 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Tháp |
Người ký | Lê Minh Hoan |
Lĩnh vực | Đầu tư |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 18/CT-UBND |
Đồng Tháp, ngày 22 tháng 08 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, GIỮ VỮNG VÀ NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH
Trong những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Tháp liên tục có sự cải thiện về thứ hạng. Năm 2010, PCI của Đồng Tháp đứng vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố của cả nước và xếp hạng thứ 1 các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả đó đã đánh dấu sự nỗ lực của chính quyền trong việc cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh. Nhiều chỉ số thành phần của PCI có sự tiến bộ như: tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai...Tuy nhiên, nhiều chỉ số thành phần còn thấp như: thiết chế pháp lý, đào tạo lao động. Một số chỉ số có xu hướng giảm điểm như: tính minh bạch, chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước... Để khắc phục những yếu kém nêu trên, tiếp tục giữ vững và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ thị:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì phối hợp với Công an Tỉnh rà soát đánh giá lại việc thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh và đăng ký con dấu, giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp giao dịch và nhận kết quả tại một đầu mối duy nhất, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp.
- Cung cấp tất cả các thông tin về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư lập dự án, các thủ tục đăng ký kinh doanh, xin cấp giấy chứng nhận đầu tư...
- Xây dựng quy chế phối hợp quản lý và kiểm tra doanh nghiệp, để nắm tình hình và kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Quản lý tốt hơn doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh và đầu tư, thực hiện tốt công tác thanh tra, giám sát các hoạt động đầu tư, kịp thời đề xuất thu hồi các dự án đầu tư không đảm bảo tiến độ, vi phạm quy định về đầu tư...
- Tổ chức nhiều kênh thông tin tiếp nhận những vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp về thủ tục hành chính trong đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND Tỉnh giải quyết kịp thời vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trên địa bàn. Tích cực phát huy vai trò và trách nhiệm của bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, chính quyền thân thiện và cùng đồng hành với doanh nghiệp.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thống kê quỹ đất, quy hoạch sử dụng đất đai trên địa bàn, hoàn thiện và công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng... Thường xuyên rà soát các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, đề xuất thu hồi đất các dự án không triển khai và có biện pháp thúc đẩy các dự án chậm triển khai vì lý do khách quan.
- Tham mưu giải quyết hợp lý nhu cầu về đất đai cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc khảo sát địa điểm, thủ tục giao đất, cho thuê đất, thủ tục cho nhà đầu tư thương lượng, thỏa thuận đền bù đất với dân một cách thỏa đáng.
- Phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ nhà đất và UBND cấp huyện chuẩn bị mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, nghiên cứu dành quỹ đất xây nhà ở cho công nhân. Thông tin về quỹ đất, giá cho thuê đất, bố trí quỹ đất khoa học, hợp lý để thu hút các dự án đầu tư có tính khả thi.
3. Sở Nội vụ:
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, đôn đốc việc công khai các thủ tục hành chính của từng ngành, lĩnh vực; kịp thời phát hiện những thủ tục không phù hợp, phức tạp, phiền hà, đề xuất loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tăng cường công tác giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính và các quy trình hành chính tại các cơ quan, đơn vị, đảm bảo không gây cản trở, khó khăn đối với hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.
- Xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt việc rà soát, bố trí, đào tạo lại cán bộ ở bộ phận một cửa cho phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo, bảo đảm đội ngũ cán bộ công chức được chuẩn hóa và thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng tiếp xúc, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp.
4. Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh:
- Thường xuyên rà soát, đánh giá và có phương án cải tiến, nâng cao chất lượng Cổng thông tin điện tử tỉnh và các Website tại các sở, ban, ngành.
- Thường xuyên cập nhật và cải tiến nội dung thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, sản phẩm chủ lực; quy hoạch sử dụng đất, phát triển các khu, cụm công nghiệp, quy hoạch xây dựng, các chính sách, quy định của Nhà nước, của tỉnh liên quan đến doanh nghiệp như chính sách thuế, tín dụng, các dự án kêu gọi đầu tư, hệ thống mẫu đơn, tờ khai, cách thức thực hiện thủ tục hành chính để cộng đồng doanh nghiệp dễ tiếp cận và có phương án phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp.
5. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Đẩy mạnh ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
- Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, xây dựng thương hiệu, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến...
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2011-2020. Tiếp tục tăng cường quy mô hoạt động và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, trung tâm dạy nghề để phát triển kỹ năng, tay nghề cho lao động. Đồng thời liên kết với các Viện, Trường, để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có chuyên môn và trình độ quản lý tiên tiến.
- Tổ chức khảo sát, đánh giá nguồn lao động và nhu cầu sử dụng lao động của tỉnh, để có cơ sở xây dựng các cơ chế khuyến khích xã hội hóa về đào tạo nghề. Tổ chức gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động.
- Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động. Nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống thông tin thị trường lao động.
7. Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư:
- Tổ chức thực hiện tốt Đề án nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và đầu tư, tập trung hỗ trợ xúc tiến thương mại theo ngành hàng chủ lực của Tỉnh, nghiên cứu đa dạng hóa các cuộc hội thảo, các phương pháp về xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại.
- Nghiên cứu đề xuất UBND Tỉnh thành lập Tổ tư vấn xúc tiến đầu tư, thành phần gồm cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của các ngành có liên quan để tiếp xúc, hướng dẫn, giải quyết ngay các vấn đề nhà đầu tư đặt ra, hỗ trợ thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh - đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường...