Chỉ thị 08/CT-BGTVT năm 2015 về nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật của Bộ Giao thông vận tải

Số hiệu 08/CT-BGTVT
Ngày ban hành 25/06/2015
Ngày có hiệu lực 25/06/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ THI HÀNH PHÁP LUẬT CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ngày 22/6/2015, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ năm 2014 (Ministerial Efficiency Index- MEI 2014).

MEI 2014 đánh giá hiệu quả hoạt động pháp luật của 14 Bộ có liên quan chặt chẽ nhất tới doanh nghiệp, dựa trên phản hồi điều tra của 228 hiệp hội doanh nghiệp cấp Trung ương và cấp tỉnh, đại diện cho 409 nghìn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên toàn quốc.

Bộ Giao thông vận tải đứng thứ 01 về rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật; đứng thứ 02 về tổ chức thi hành pháp luật; đứng thứ 03 về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật và đứng thứ 05 về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật.

Với kết quả đó, Bộ Giao thông vận tải được đánh giá là Ngôi sao cải cách của năm 2014 khi “lội ngược dòng” từ tốp cuối lên tốp đầu. Các hiệp hội doanh nghiệp nhìn nhận đột phá này với một sự ghi nhận rằng: “Nơi nào có quyết tâm và hành động quyết liệt để cải cách thì chắc chắn hiệu quả sẽ được cải thiện”.

Tuy nhiên, mặc dù được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nhưng một số chỉ số của Bộ Giao thông vận tải vẫn chỉ ở mức trung bình và trung bình khá. Chỉ số soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật mới đạt 53,07 điểm, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật mới đạt 64,59 điểm và chỉ số công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật cũng chỉ đạt 61,52 điểm.

Trong thời gian tới, để tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của Bộ, phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu:

1. Các Vụ, Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Cục trực thuộc Bộ:

Nghiêm túc triển khai việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định tại Thông tư số 58/2013/TT-BGTVT ngày 30/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng, ban hành, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến những nội dung sau:

- Phải nâng cao hơn nữa sự minh bạch, công khai và công tâm. Các cơ quan, đơn vị khi soạn thảo văn bản phải gửi dự thảo văn bản để lấy ý kiến tham gia của đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong ngành và hiệp hội chuyên ngành giao thông vận tải có liên quan (bằng văn bản, thư điện tử hoặc các hình thức phù hợp khác). Phải phân nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh của chính sách để việc xin ý kiến có chủ đề, có chiều sâu. Đối với dự thảo văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, phải lấy ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội chuyên ngành giao thông vận tải. Việc lấy ý kiến phải có trọng tâm, trọng điểm, chỉ rõ những điểm đang cần lưu ý để các doanh nghiệp cho ý kiến cụ thể. Thời hạn ấn định để doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp góp ý phải hợp lý, tránh việc lấy ý kiến chỉ là hình thức.

- Phải hết sức cầu thị khi tiếp thu những ý kiến đóng góp của người dân và doanh nghiệp vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Người làm văn bản phải đặt mình vào vị trí của đối tượng chịu tác động của chính sách để cân nhắc, tiếp thu ý kiến.

- Trong nội dung của từng quy phạm pháp luật, các cơ quan quản lý Nhà nước phải nhận lấy những nhiệm vụ khó khăn, không đẩy những khó khăn đó cho doanh nghiệp. Những việc gì doanh nghiệp có thể tự làm thì để cho doanh nghiệp làm, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ kiểm tra, giám sát. Mọi quy định phải theo phương châm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

- Phải đưa thực tiễn cuộc sống vào chính sách, vào các văn bản quy phạm pháp luật để những vấn đề của cuộc sống có thể được điều chỉnh kịp thời và hiệu quả bởi chính sách của Nhà nước. Và ngược lại, cũng để các quy định của pháp luật có sức sống, có tính thực tế khi triển khai, áp dụng.

- Khi học tập kinh nghiệm của quốc tế để vận dụng vào pháp luật Việt Nam, phải chọn những kinh nghiệm mang tính đại diện, có hiệu quả trên thực tế. Tránh vì cảm tính hoặc vì lợi ích nhóm mà chi chọn một mô hình cụ thể trên thế giới để bảo vệ, áp đặt.

- Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa triệt để các thủ tục hành chính. Các cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động đối thoại và lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ.

- Sau khi có bản dự thảo cuối cùng, cơ quan chủ trì trình phải gửi lại cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và đăng tải toàn văn trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng (trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước) để tăng tính minh bạch và giúp người dân, doanh nghiệp nắm được mức độ tiếp thu, ghi nhận ý kiến nhân dân từ các cơ quan nhà nước, tránh tiếp thu một cách hình thức.

- Khi văn bản được ký ban hành, cơ quan chủ trì soạn thảo phải phối hợp với cơ quan tham mưu trình và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền văn bản đến người dân và doanh nghiệp. Cơ quan tham mưu trình phải tổng hợp những nội dung mới, những thay đổi trong văn bản đó một cách rõ ràng, cụ thể, gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp và thực hiện thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật.

2. Vụ Pháp chế

- Kịp thời xây dựng thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật và đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ để người dân, doanh nghiệp thực hiện một cách chủ động, bảo đảm minh bạch về thông tin.

- Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị và hàng tháng báo cáo Bộ trưởng, các Thứ trưởng việc thực hiện Chỉ thị này tại các cuộc họp kiểm điểm về nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và quan tâm bố trí đủ kinh phí cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Pháp chế tổng hợp) xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Phòng Thương mại và Công nghiệp VN;
- Các Thứ trưởng;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ (để thực hiện);
- Báo GT, Cổng TTĐT Bộ GTVT;
- Lưu: VT, PC.

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng