Thứ 3, Ngày 05/11/2024

Chỉ thị 08/2014/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 08/2014/CT-UBND
Ngày ban hành 09/10/2014
Ngày có hiệu lực 19/10/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Y Dhăm Ênuôl
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2014/CT-UBND

Đắk Lắk, ngày 09 tháng 10 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường. Trong thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống giảm nhẹ tác hại do nước gây ra đã đạt được những kết quả nhất định; nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh về tài nguyên nước từng bước được nâng lên, góp phần vào sự nghiệp phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh và công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước còn tồn tại những bất cập, như: nguy cơ làm suy thoái, ô nhiễm nguồn nước; việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép; xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước còn diễn ra khá phổ biến; một số tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép hành nghề. Chất lượng các nguồn nước đang bị suy giảm ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Nguyên nhân là do nhận thức chưa đầy đủ của một số tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tài nguyên nước; chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, giám sát việc khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; bộ máy tổ chức, năng lực quản lý tài nguyên nước chưa đáp ứng được yêu cầu, có nơi còn buông lỏng nhất là ở cấp cơ sở; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước chưa thực sự sâu, rộng; cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật phục vụ công tác quản lý còn thiếu.

Để khắc phục, hạn chế bất cập nêu trên, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, nâng cao trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước phục vụ quá trình phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tổ chức điều tra cơ bản tài nguyên nước; triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước theo quy định.

b) Phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện rà soát các danh sách các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh phải đăng ký (đối tượng phải đăng ký) và lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động (đối tượng phải có giấy phép) theo quy định.

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Tăng cường việc giám sát, theo dõi những công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất, đặc biệt phải kiểm tra chặt chẽ quy trình kỹ thuật đối với những giếng khoan công nghiệp khai thác với trữ lượng lớn.

d) Tổ chức điều tra, thống kê và phân loại giếng khoan khai thác, giếng không sử dụng; các giếng khoan thăm dò cũ, các giếng nằm trong vùng cấm khai thác để có biện pháp xử lý; trám lấp giếng không khai thác theo quy định nhằm phòng tránh ô nhiễm nguồn nước dưới đất.

e) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường ở cấp huyện, cấp xã về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các Đoàn thể, chính quyền các cấp và cơ quan báo, đài trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về tài nguyên nước để các tổ chức và cá nhân trong tỉnh biết, chấp hành.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan thực hiện tốt quy hoạch thủy lợi: như khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt nông thôn.

b) Tổng hợp tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt nông thôn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ vào tháng 11 hàng năm để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo đúng quy định Luật Tài nguyên nước.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư, ưu tiên cho các dự án đang khai thác và xử lý nước thải; trong quá trình thẩm định dự án phải xét đến tính đồng bộ của công trình, nhất là những dự án có sử dụng tài nguyên nước, dự án có phát sinh chất thải, nước thải để hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước. Các dự án đầu tư xây dựng liên quan đến tài nguyên nước phải lấy ý kiến của Sở Tài nguyên và môi trường.

4. Sở Xây dựng: Trong thẩm định và phê duyệt các dự án các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, và các cơ sở sản xuất công nghiệp cần lưu ý đến nguồn cấp nước, điều kiện xả nước thải; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cấp nước, xả nước thải trước khi cấp giấy phép xây dựng khu, cụm công nghiệp, khu dân cư và cơ sở công nghiệp. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan trong việc dự báo khả năng đáp ứng nguồn nước và điều kiện xả thải cùng những tác nhân gây ô nhiễm môi trường các điểm xây dựng mới.

5. Sở Công thương: Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan giám sát chặt chẽ quy hoạch phát triển thủy điện, chỉ đạo các nhà máy thủy điện, các cơ sở sản xuất công nghiệp tuân thủ nghiêm Luật tài nguyên nước, lập đầy đủ hồ sơ xin khai thác sử dụng nguồn nước, xử lý chất thải, tuân thủ quy trình vận hành nhà máy thủy điện trong mùa khô, mùa mưa để điều hòa các mục đích khai thác và sử dụng nước, hạn chế tác động tiêu cực.

6. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp, các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

7. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm cho các dự án, chương trình, đề tài để phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước. Giám sát chặt chẽ việc thanh quyết toán các công trình xây dựng có thăm dò, khai thác nguồn nước; hệ thống xử lý nước thải theo quy định của pháp luật tài nguyên nước.

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tính toán và thu tiền khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải của các đơn vị hoạt động.

8. Cục Thuế tỉnh: Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng phương án triển khai thực hiện việc thu thuế tài nguyên nước theo quy định. Thường xuyên rà soát, báo cáo UBND tỉnh, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp, không khả thi trong chính sách thu thuế liên quan đến tài nguyên nước ở địa phương.

9. Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế, duy trì quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; các cơ sở khám chữa bệnh có công trình khai thác nước, hệ thống xử lý nước thải riêng phải có giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

10. Ban Quản lý các Khu công nghiệp: Phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải của khu công nghiệp phải được xử lý đạt tiêu chuẩn quy định trước khi xả ra môi trường, quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải của các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật tài nguyên nước.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Tăng cường quản lý chặt chẽ việc thu gom, xử lý nước thải, đặc biệt là nước thải của các khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu du lịch và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

b) Tổ chức kiểm tra, rà soát và phân loại các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn hoạt động có giấy phép hoặc không có giấy phép để báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường; tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật tài nguyên nước theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo theo quy định.

c) Điều tra, thống kê các giếng khoan đang sử dụng và các giếng khoan không sử dụng; đối với giếng khoan không sử dụng, yêu cầu đối tượng xây dựng phải trám lấp và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

[...]