Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Số hiệu 05/CT-UBND
Ngày ban hành 04/03/2013
Ngày có hiệu lực 04/03/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Nguyễn Văn Diệp
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Vĩnh Long, ngày 04 tháng 3 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường. Việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước là cần thiết. Thực hiện Luật Tài nguyên nước ngày 21/6/2012 và các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài nguyên nước, trong thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân về tài nguyên nước từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, việc làm suy thoái, ô nhiễm nguồn nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép; xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước còn diễn ra khá phổ biến; một số nơi hành nghề khoan nước dưới đất để khai thác khí thiên nhiên không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Thực trạng trên cho thấy nguyên nhân chính là do nhận thức chưa đúng của một số tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của tài nguyên nước; việc quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở các cấp, các ngành có nơi còn buông lỏng, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước chưa thực sự sâu, rộng. Việc cấp phép khai thác tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước hiện nay với số lượng còn thấp so với yêu cầu thực tế, chủ yếu chỉ tập trung ở việc xem xét hồ sơ trên cơ sở khai báo, đăng ký của các tổ chức, cá nhân.

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Chỉ thị:

1. Các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước (nước dưới đất, nước mặt) và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ quy định pháp luật về tài nguyên nước và thực hiện nghiêm quy định tại Điều 5 của Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT, ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Cụ thể: Không được lợi dụng hành nghề khoan nước dưới đất để khai thác khí thiên nhiên; không được chôn lấp, đổ chất thải vào các lỗ khoan, giếng khoan, các nguồn nước hoặc các công trình thu nước khác, thải nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường tràn lan trên mặt đất, xuống sông, ao, hồ, kênh, rạch, mương và không đúng nơi quy định, đưa nước thải, chôn lấp các chất độc hại, xác động vật bị dịch bệnh và chất thải nguy hại khác vào trong các nguồn nước không đúng quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường; hủy hoại nguồn nước dưới đất; che dấu hành vi hủy hoại nguồn nước dưới đất, cản trở hoạt động bảo vệ nước dưới đất, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng đối với số lượng, chất lượng nguồn nước dưới đất; không trám, lấp giếng theo quy định của pháp luật hoặc chủ trương của UBND tỉnh. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

2. Hạn chế cấp phép khai thác nước dưới đất đối với các khu vực có nguồn nước mặt dồi dào; vùng có các hệ thống cung cấp nước tập trung; các khu, cụm, tuyến công nghiệp; nơi xử lý chất thải nguy hại; các bãi chôn lấp rác thải, xác động vật. Đối với các giấy phép khai thác nước dưới đất đã cấp trước đây đến khi hết hạn hoặc các giếng đã khoan khai thác nước dưới đất không phép nằm trong vùng tạm cấm phải tiến hành trám lấp, trừ trường hợp UBND tỉnh có chủ trương chấp thuận cho tồn tại.

3. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh làm cơ sở quản lý nhà nước trong thời gian tới; soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh ban hành.

Xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố rà soát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh chưa có giấy phép hoặc chưa đăng ký, phải đăng ký, lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép theo quy định.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 34/2005/NĐ-CP, ngày 17/3/2005 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Tăng cường giám sát, theo dõi quá trình thi công các giếng khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất; đặc biệt là những giếng khoan công nghiệp khai thác với lưu lượng lớn cần phải kiểm tra chặt chẽ quy trình kỹ thuật.

Định kỳ tổ chức điều tra, thống kê và phân loại giếng khoan khai thác, giếng khoan quan trắc không còn sử dụng, các lỗ khoan thăm dò cũ, các giếng trong vùng cấm khai thác để có biện pháp xử lý, trám lấp theo quy định nhằm phòng tránh ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường ở các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn về công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước. Phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể, chính quyền các cấp và cơ quan báo, đài trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về tài nguyên nước để các tổ chức và cá nhân trong tỉnh biết, chấp hành.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đôn đốc và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thuỷ sản lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước mặt, xả nước thải vào nguồn nước, thực hiện các biện pháp giảm đưa các chất độc hại vào nguồn nước nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Cấm xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu theo quy định hiện hành về tài nguyên nước vào nguồn nước.

c) Sở Y tế

Tăng cường công tác kiểm tra việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế, chất thải y tế của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và lực lượng Cảnh sát Môi trường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định cuả pháp luật.

Thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước khai thác cho mục đích sinh hoạt đối với các đơn vị kinh doanh nước sạch trong tỉnh; nếu chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn, phải hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị có biện pháp khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

d) Sở Kế hoạch và Đầu tư

Khi tiếp nhận, thẩm định các dự án đầu tư có sử dụng nước và xả nước thải với lưu lượng lớn theo quy định phải phối hợp với các cơ quan có liên quan thống nhất về phương án cấp nước, thoát nước, xả nước thải vào nguồn nước.

e) Sở Tài chính

Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí cho các đề tài, dự án về tài nguyên nước và các nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm.

f) Sở Xây dựng

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan trong việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tại các khu dân cư chưa có hệ thống cung cấp nước tập trung và cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp làng nghề trên địa bàn tỉnh.

[...]