Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2020 về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đối với khu vực Vịnh Cửa Lục do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 07/CT-UBND
Ngày ban hành 05/05/2020
Ngày có hiệu lực 05/05/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Văn Thắng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Quảng Ninh, ngày 05 tháng 5 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÁC LĨNH VỰC ĐỐI VỚI KHU VỰC VỊNH CỬA LỤC

Vịnh Cửa Lục nằm phía bắc Cửa Lục là trung tâm địa giới hành chính thành phố Hạ Long, rộng 18km2, chỗ sâu nhất 17m, lưu vực đổ ra của các sông diễn Vọng, sông Trới… Vịnh Cửa Lục có đường hàng hải quốc gia và quốc tế, có hòn gạc là điểm nhấn không gian, điều kiện tự nhiên có thể hình thành trung tâm thương mại, đô thị, du lịch biển, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chất lượng môi trường, đa dạng sinh học, hệ sinh thái Vịnh Hạ Long. Vịnh Cửa Lục hiện là khu vực có nhiều công trình lớn, trọng điểm, nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố Hạ Long như Cầu bãi Cháy, Cảng Cái Lân, Cảng xăng dầu B12, Cảng tàu khách Quốc tế hòn gai, các nhà máy xi măng, nhiệt điện, các khu công nghiệp, khu đô thị mới hai bên bờ vịnh và có một số công trình trọng điểm chuẩn bị triển khai xây dựng như hầm đường bộ qua Vịnh Cửa Lục, Cầu Cửa Lục 1,2,3.

Để định hướng Vịnh Cửa Lục là trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị theo hành lang ven biển Vịnh Hạ Long, kiểm soát phát triển khu chức năng, từng bước chuyển đổi theo lộ trình các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp xung quanh vịnh sang chức năng dịch vụ, du lịch và đô thị để đảm bảo môi trường theo định hướng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn 20501, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Về hoạch định chiến lược khu chức năng:

Căn cứ quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung thành phố Hạ Long làm cơ sở, khẩn trương tổ chức đồng bộ hóa dữ liệu và chính sách, quy định quản lý các lĩnh vực then chốt (đất đai, rừng, cảng bến, du lịch, di tích lịch sử, môi trường và hệ sinh thái) phù hợp với quy hoạch xây dựng để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi theo định hướng phát triển đô thị chung.

Các khu chức năng đang nghiên cứu quy hoạch, đang triển khai phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung thành phố Hạ Long, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đặc biệt phải chú ý rà soát các quy định để phù hợp với Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 05/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong quá trình triển khai thực hiện.

2. Về quy hoạch xây dựng:

Triển khai thực hiện theo quy hoạch chung thành phố Hạ Long, xem xét thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung thành phố Hạ Long khi đủ điều kiện theo hướng dẫn của bộ Xây dựng tại Văn bản số 1318/BXD-QHKT ngày 24/3/2020; thực hiện tốt việc tổ chức lập, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như việc thực hiện theo các định hướng sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo các tiêu chí đô thị loại i; nâng cao chất lượng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; thu hút các dự án phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch đẳng cấp, chất lượng cao, bên cạnh đó khuyến khích quy hoạch, kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, bãi đỗ xe tĩnh, nhà vệ sinh công cộng.

3. Về quan điểm rà soát quản lý sử dụng đất, quản lý quy hoạch và thu hút đầu tư:

- Khi nghiên cứu các quy hoạch, dự án phải tuân thủ nghiêm ngặt trong các quy định về bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn nguyên sinh, tự nhiên hiện nay, nghiêm cấm việc gây ảnh hưởng hủy hoại rừng ngập mặn khu vực Vịnh Cửa Lục; các dự án đã và đang triển khai phải rà soát ngay quy hoạch để đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung thành phố Hạ Long và phải tuân thủ các quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 05/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

- Kiên quyết xử lý, thu hồi đất các dự án đã được giao chủ đầu tư, giao đất nhưng không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, chậm triển khai, vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án hạ tầng giao thông, thương mại dịch vụ, du lịch; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt các dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

4. Về phát triển hạ tầng kỹ thuật:

- Kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư phát triển đô thị từ công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kiểm soát dân số, không gian kiến trúc cảnh quan, hạ tầng đô thị và môi trường (mật độ xây dựng, tỷ lệ các loại đất, yêu cầu về thiết kế công trình xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu, chiếu sáng mặt ngoài công trình...).

- Đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị theo định hướng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Khẩn trương hoàn thiện mạng lưới cầu, đường bộ kết nối giao thông đồng bộ, có kiến trúc cảnh quan đẹp trong khu vực Vịnh Cửa Lục kết nối đồng bộ, tạo vành đai 1,2,3... và các trục kết nối lên các xã vùng cao để thu hút khai thác du lịch, dịch vụ và thuận tiện giao thương với các địa phương giáp ranh với tỉnh; phát triển các khu chức năng đô thị trên nguyên tắc lấy Vịnh Cửa Lục là trung tâm thành phố Hạ Long, các đường trục chính cấp khu vực kết nối khép kín tạo vành đai 1,2,3...; xây dựng bản sắc đô thị đặc thù vùng đồi núi ven biển với chức năng chính là du lịch, dịch vụ.

5. Về quản lý công nghiệp định hướng phát triển phù hợp thời kỳ mới:

- Ưu tiên hình thành phát triển mới tại khu vực hành lang vùng ven đô thị (phía Bắc), thuận tiện kết nối giao thông vùng (đường cao tốc, cảng hàng không), phát huy hiệu quả các loại hình vận tải, logistic... để làm cơ sở phát triển đô thị ven Vịnh Cửa Lục, làm lợi thế để đánh giá, phát triển công nghiệp có chọn lọc, với nguyên tắc tương hỗ, hỗ trợ cùng phát triển.

- Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh ngành phát triển theo hướng dây chuyền khép kín, chế biến và xuất khẩu thành phẩm tinh, chất lượng cao, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát huy tối đa giá trị đầu tư, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kiên quyết loại bỏ dự án có công nghệ lạc hậu, không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường; không đề xuất cấp mới, gia hạn và xây dựng lộ trình đưa ra khỏi quy hoạch, chấm dứt hoạt động, di chuyển các nhà máy xi măng, nhiệt điện, sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường.

6. Về quản lý biển và hải đảo:

- Tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, quy định của của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các quy định hiện hành trong việc đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực Vịnh Cửa Lục.

- Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 27/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển; Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 27/3/2019 của ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

- Tổ chức nạo vét vùng nước đảm bảo độ sâu để đảm bảo không gian phát triển các ngành kinh tế theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng không gian biển, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ khu vực ven Vịnh Cửa Lục theo đúng quy hoạch được phê duyệt và cảnh quan tự nhiên của vịnh trong trường hợp mực nước của vịnh ở mức thấp nhất; đồng thời khai thác, phát huy hiệu quả.

7. Về bảo vệ môi trường:

- Rà soát toàn diện hệ thống xử lý nước thải của các dự án xung quanh khu vực, các cửa cống từ các khu dân cư thuộc các địa bàn xung quanh Vịnh Cửa Lục hiện đang xả thải ra khu vực Vịnh Cửa Lục để sớm có phương án khắc phục, xử lý kịp thời việc chống ô nhiễm môi trường khu vực Vịnh Cửa Lục. Về chiến lược lâu dài phải nghiên cứu kế hoạch tổng thể xử lý môi trường khu vực Vịnh Cửa Lục để triển khai các dự án môi trường để đảm bảo môi trường khu vực Vịnh Cửa Lục, là điểm đến hấp dẫn cho nhân dân và du khách; đồng thời sớm hình thành các dịch vụ du lịch đẳng cấp trong khu Vịnh Cửa Lục.

- Tiếp tục triển khai tốt Nghị quyết số 12-NQ/Tu ngày 12/3/2018 của ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022.

- Quản lý thống nhất Vịnh Cửa Lục là khu vực đầu nguồn có ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan môi trường Vịnh Hạ Long, hệ sinh thái rừng Đồng Sơn - Kỳ Thượng, rừng phòng hộ hồ yên Lập, hồ Cao Vân.

- Tăng cường công tác quản lý môi trường không khí, tổ chức lắp đặt thêm các trạm quan trắc môi trường tự động, triển khai các dự án kiểm định môi trường thông minh.

- Tăng cường công tác thu gom xử lý nước thải sinh hoạt ven bờ, trên vịnh (tàu, thuyền du lịch, đánh cá); công tác bảo vệ nguồn nước lưu vực các sông đổ về vịnh; công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt, từng bước kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tối đa chất thải xuống vịnh, ven vịnh; thực hiện tốt phong trào phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ