Chỉ thị 07/2007/CT-UBND triển khai Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 07/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 19/03/2007
Ngày có hiệu lực 29/03/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hoàng Quân
Lĩnh vực Bất động sản,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2007/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 03 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Căn cứ Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Chỉ thị số 34/2006/CT-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Nhà ở, Thông tư số 05/2006/TT-BXD ngày 01 tháng 11 năm 2006 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 và Quyết định số 114/2006/QĐ-UBND ngày 21 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chương trình nhà ở (giai đoạn 2006 - 2010) theo Nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ thành phố.

Nhằm động viên mọi nguồn lực trong xã hội, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà ở, phấn đấu đến năm 2010 nâng diện tích nhà ở bình quân của nhân dân thành phố lên 14m2/người (hiện nay là 10,3m2/người), diện tích nhà ở tăng thêm 32 triệu m2 (hiện nay là 69,5 triệu m2), từng bước cải thiện chỗ ở của các tầng lớp dân cư, thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường bất động sản về nhà ở; góp phần phát triển đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại và phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành chức năng và Ủy ban nhân dân quận, huyện tập trung thực hiện một số nội dung sau:

1. Giao Sở Xây dựng:

1.1. Chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ban, ngành liên quan cùng với Ủy ban nhân dân các quận, huyện xây dựng và triển khai chương trình phát triển nhà ở hàng năm, 5 năm (giai đoạn 2006 - 2010) và định hướng đến năm 2020 của toàn thành phố, trong đó phải thể hiện rõ quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ và nhà ở tái định cư theo từng thời kỳ;

1.2. Phối hợp với Sở, ban, ngành, quận, huyện, Cục Thống kê, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch cụ thể của chương trình phát triển nhà ở và dự trù kinh phí thực hiện công tác điều tra, khảo sát, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở trên toàn địa bàn thành phố (trong đó phân bổ cụ thể cho từng quận, huyện) trình Ủy ban nhân dân thành phố trong quý I năm 2007;

1.3. Thống kê, tổng hợp số liệu về chương trình nhà ở, các danh mục dự án phát triển nhà ở của tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố và định kỳ sáu tháng một lần, hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Xây dựng với các nội dung: kết quả thực hiện phát triển nhà ở, những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển nhà ở tại thành phố;

1.4. Chủ trì thẩm định các dự án phát triển nhà ở trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định (trừ dự án nhà ở thương mại có mức vốn đầu tư dưới 30 tỷ);

1.5. Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Kinh tế và các Sở, ban, ngành thành phố để đăng ký các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến các chương trình phát triển nhà ở nói chung, đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

1.6. Chủ trì cùng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Liên đoàn Lao động thành phố, Sở Tư pháp và Sở Nội vụ nghiên cứu dự thảo Quyết định về quy định trình tự, thủ tục xét duyệt và thứ tự ưu tiên đối với các đối tượng đề nghị thuê, thuê mua nhà ở xã hội phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của thành phố, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định trong quý I năm 2007;

1.7. Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện rà soát và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành về quản lý, phát triển nhà ở, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có nội dung trái với Luật Nhà ở và Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

1.8. Phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý và phát triển nhà ở của các địa phương;

1.9. Chủ trì, hướng dẫn các Sở, ban, ngành, quận, huyện trong việc triển khai thực hiện và chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh khi thực hiện chủ trương, chính sách triển khai Chương trình hành động thực hiện Chương trình nhà ở (giai đoạn 2006 - 2010).

2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư:

2.1. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở, ban, ngành thành phố nghiên cứu, soạn thảo Quy định về cơ chế khuyến khích ưu đãi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng phát triển nhà ở nói chung; Quy định về cơ chế vốn cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; Chính sách hỗ trợ vốn cho đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội thành phố, đặc biệt là nhà lưu trú cho công nhân từ nguồn vốn ngân sách thành phố, trình Ủy ban nhân dân thành phố trong quý I năm 2007;

2.2. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các Sở, ban, ngành thành phố và Quỹ Phát triển nhà ở lập kế hoạch phân bổ vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội, quỹ nhà ở công vụ hàng năm, trình Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;

2.3. Căn cứ vào kế hoạch của chương trình phát triển nhà ở của thành phố, công bố công khai danh mục các dự án phát triển nhà ở thương mại, địa điểm, quy mô, điều kiện về sử dụng đất, thời gian hoàn thành đối với từng dự án để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

3. Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc:

3.1. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các Sở, ban, ngành của thành phố cùng với Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ theo kế hoạch triển khai chương trình phát triển nhà ở của thành phố, định hướng, rà soát, chú trọng bổ sung các quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà lưu trú cho công nhân trong Nhiệm vụ quy hoạch chung, Đồ án quy hoạch chung xây dựng từng quận, huyện trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;

3.2. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện khi triển khai cụ thể quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà tái định cư, nhà ở công vụ, nhà lưu trú cho công nhân trong các khu quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000; kể cả các khu vực dân cư đô thị chỉnh trang;

3.3. Nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng phát triển nhà ở nhằm cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn Nhà nước về quy hoạch, kiến trúc - xây dựng phù hợp với quy định pháp luật và điều kiện thực tế trên từng địa bàn trình Ủy ban nhân dân thành phố trong quý I năm 2007.

4. Giao Sở Giao thông - Công chính:

4.1. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện lập quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật có tính đến khả năng kết hợp giữa các ngành giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước và các hệ thống kỹ thuật khác để quy hoạch thực hiện đồng bộ, kết nối liên thông với nhau, không làm phá vỡ quy hoạch;

4.2. Quản lý Nhà nước về chất lượng và việc đấu nối các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như: Vỉa hè, hào kỹ thuật, đường đô thị, cầu, hầm giao thông, cấp nước, thoát nước, bờ kè, chiếu sáng thuộc những dự án khu nhà ở, khu dân cư;

4.3. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình chung cho hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật (trong đó có tính toán, dự kiến, bố trí cho toàn bộ các loại hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật) thuộc khu nhà ở, khu đô thị mới;

4.4. Phổ biến, hướng dẫn việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy định; xây dựng quy trình bảo trì, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật của các khu nhà ở, khu đô thị mới.

5. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường:

5.1. Chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; đồng thời có lộ trình quản lý và sử dụng quỹ đất hiệu quả;

5.2. Kiểm tra, thống kê danh mục quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý trên toàn địa bàn thành phố do các quận, huyện đang quản lý để phục vụ cho các chương trình phát triển nhà ở của thành phố;

5.3. Hướng dẫn các chủ đầu tư trong các dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị mới trên địa bàn thành phố có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên thực hiện nghĩa vụ dành một phần diện tích đất (đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật) để chính quyền địa phương phát triển nhà ở xã hội (không vượt quá 20% diện tích đất ở của dự án theo Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở), đồng thời phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện quản lý đề xuất kế hoạch phát triển quỹ đất này;

5.4. Phối hợp với Hiệp hội Bất động sản thành phố vận động các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các dự án phát triển nhà ở;

5.5. Thẩm định kết quả đánh giá tác động của các dự án phát triển nhà ở liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường; Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về nghiệm thu môi trường của các dự án có liên quan đến yêu cầu bảo vệ tài nguyên, môi trường.

6. Giao Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các quận, huyện thẩm định dự toán kinh phí để phục vụ cho công tác nghiên cứu, điều tra, thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở trên địa bàn hàng năm và định kỳ 5 năm một lần trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

7. Giao Sở Nội vụ:

7.1. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, các ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện nghiên cứu dự thảo Quyết định kiện toàn và bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển nhà ở thành phố để triển khai thực hiện Luật Nhà ở và các chính sách liên quan đến quản lý và phát triển nhà ở, trình Ủy ban nhân dân thành phố trong quý I năm 2007;

7.2. Tổ chức rà soát, bổ sung và kiện toàn bộ máy nhân sự cho các quận, huyện để thực hiện công tác quản lý, phát triển nhà ở. 

8. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu, dự thảo quy định về chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cải thiện nhà ở đối với các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội (theo Điều 64 - Luật Nhà ở), trình Ủy ban nhân dân thành phố trong quý I năm 2007.

9. Giao các Ban Quản lý dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, Khu đô thị Nam Sài Gòn, Khu đô thị cảng Hiệp Phước:

9.1. Xây dựng và phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở của khu đô thị do mình quản lý, xác lập danh mục dự án cụ thể theo từng giai đoạn, hàng năm, 5 năm và định hướng đến năm hoàn chỉnh khu đô thị, làm cơ sở cho việc chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu phát triển nhà ở (số lượng, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân/đầu người) và huy động các nguồn vốn đầu tư;

9.2. Chỉ đạo lập và phê duyệt quy hoạch phát triển nhà ở tại khu đô thị và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phục vụ yêu cầu phát triển nhà ở, trong đó chú trọng bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội và quỹ nhà công vụ;

9.3. Chỉ đạo tổ chức việc điều tra, thống kê, tổng hợp số liệu về dân số, nhà ở, quỹ đất tương ứng và nhu cầu phát triển nhà ở trong từng thời kỳ trong khu đô thị mới, định kỳ 6 tháng và hàng năm gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Xây dựng; cụ thể như sau:

- Về kết quả thực hiện phát triển nhà ở: Tổng số dự án phát triển nhà ở, trong đó phân theo dự án nhà ở thương mại (gồm cả dự án cải tạo nhà chung cư cũ, các khu vực chỉnh trang đô thị), dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở công vụ, dự án nhà ở phục vụ tái định cư, tổng diện tích sàn xây dựng và quỹ đất tương ứng đối với từng dự án;

- Những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển nhà ở và đề xuất, kiến nghị giải quyết.

9.4. Thống kê quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý do quận, huyện đang quản lý để có kế hoạch kêu gọi đầu tư, triển khai phục vụ chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội trong khu đô thị mới;

9.5. Chủ trì thẩm định và phê duyệt dự án nhà ở nằm trong ranh địa giới hành chính được giao quản lý, ngoại trừ các dự án nhà ở sử dụng vốn ngân sách Nhà nước;

9.6. Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện nghiên cứu xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy xã hội hóa đầu tư và huy động vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua đối với các đối tượng là cán bộ công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; nhà lưu trú cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất;

9.7. Chuẩn bị các điều kiện về quy hoạch, đất đai, vốn và bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực để thực hiện tốt các quy định về phát triển và quản lý nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành.           

10. Giao Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp:

Căn cứ vào nhu cầu nhà ở của cán bộ công chức, công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung trong từng thời kỳ, phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố và các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện để cụ thể hóa Nghị quyết của các Cấp ủy Đảng về xây dựng giai cấp công nhân, trong đó chú trọng xây dựng nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân; xây dựng cụ thể chương trình phát triển nhà ở phục vụ cho các đối tượng trên. Ngoài việc xây dựng nhà lưu trú trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cũng cần phải nghiên cứu xây dựng thêm các khu dân cư lân cận để giải quyết chỗ ở cho cán bộ công chức, công nhân có nhu cầu ở ổn định và lâu dài.

11. Giao Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố:

Phối hợp với các cơ quan thuộc lực lượng vũ trang liên quan để xác định cụ thể nhu cầu, số lượng, đề xuất cơ chế, chính sách triển khai thực hiện việc xây dựng nhà ở cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang; địa điểm xây dựng có thể là đất quốc phòng để thuận tiện cho việc quản lý đối với đối tượng này.

12. Giao Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố (Sở Tư pháp là cơ quan thường trực):

Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thông tin, Sở Xây dựng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nhà ở, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý và phát triển nhà ở. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về nhà ở phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và phổ biến sâu rộng trong nhân dân.

13. Giao Cục Thuế thành phố:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính rà soát và dự thảo quy định chi tiết hướng dẫn về miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất và miễn giảm các khoản thuế liên quan theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển và quản lý vận hành Quỹ nhà ở xã hội.

14. Giao Quỹ Phát triển nhà ở:

14.1. Chủ trì, phối hợp với Cục Thuế, Sở Xây dựng, Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan nghiên cứu, dự thảo cơ chế cho vay vốn trung và dài hạn với lãi suất phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng Quỹ nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các đối tượng khác theo quy định trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành;

14.2. Phối hợp với các Sở, ban, ngành nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi cho các đối tượng vay tiền mua nhà, đặc biệt là các đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở;

14.3. Hợp vốn với các tổ chức tín dụng tài chính khác để mở rộng quỹ vốn cho các tổ chức vay đầu tư xây dựng phát triển nhà ở hoặc cá nhân vay để mua nhà.

15. Giao Viện Kinh tế thành phố:

Chủ trì cùng với các Sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa Chương trình nhà ở của thành phố giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020, đề xuất làm rõ cơ chế về vốn, thuế, quy hoạch đất để xây dựng, biện pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp cùng các nội dung liên quan, trong đó cần xây dựng cơ chế đầu tư phát triển chương trình nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng.

16. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các Đoàn thể thành phố:

16.1. Phối hợp với Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, Sở Văn hóa và Thông tin và các đoàn thể khác tuyên truyền chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật trong lĩnh vực nhà ở và tham gia hòa giải các tranh chấp liên quan đến nhà ở;

16.2. Tham gia nghiên cứu, đề xuất và góp ý kiến với cơ quan Nhà nước trong xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật về nhà ở;

16.3. Chủ trì vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện chương trình giúp đỡ người nghèo cải thiện nhà ở, xóa nhà ở tranh, tre, nứa, lá dột nát, xây dựng và tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;

16.4. Giám sát các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các chính sách về nhà ở.

17. Các Sở, ban ngành căn cứ vào quy định của Luật Nhà ở, Nghị định số 90/2006/NĐ-CP, Thông tư số 05/2006/TT-BXD có trách nhiệm nghiên cứu, dự thảo các quy định hướng dẫn chi tiết liên quan đến công tác ngành trong việc phát triển nhà ở trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định sửa đổi, bãi bỏ hoặc thay thế các quy định đã ban hành trước đây không còn phù hợp hoặc trái với quy định của Luật Nhà ở.

18. Giao Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

18.1. Xây dựng và phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở của quận, huyện, xác lập danh mục dự án cụ thể theo từng giai đoạn hàng năm, 5 năm và định hướng đến năm 2020, làm cơ sở cho việc chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu phát triển nhà ở (số lượng, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân/đầu người) và huy động các nguồn vốn đầu tư;

18.2. Chỉ đạo lập và phê duyệt quy hoạch phát triển nhà ở tại quận, huyện và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phục vụ yêu cầu phát triển nhà ở, trong đó chú trọng bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội và quỹ nhà công vụ;

18.3. Chỉ đạo tổ chức việc điều tra, thống kê, tổng hợp số liệu về dân số, nhà ở, quỹ đất tương ứng và nhu cầu phát triển nhà ở trong từng thời kỳ trên địa bàn quận, huyện, định kỳ 6 tháng và hàng năm gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Xây dựng; cụ thể như sau:

- Về kết quả thực hiện phát triển nhà ở: Tổng số dự án phát triển nhà ở, trong đó phân theo dự án nhà ở thương mại (gồm cả dự án cải tạo nhà chung cư cũ, các khu vực chỉnh trang đô thị), dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở công vụ, dự án nhà ở phục vụ tái định cư, tổng diện tích sàn xây dựng và quỹ đất tương ứng đối với từng dự án;

- Những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển nhà ở và đề xuất, kiến nghị giải quyết.

18.4. Thống kê quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý do quận, huyện đang quản lý để có kế hoạch kêu gọi đầu tư, triển khai phục vụ chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội trên địa bàn quận, huyện;

18.5. Chủ trì thẩm định và phê duyệt dự án nhà ở thương mại có mức vốn đầu tư dưới 30 tỷ;

18.6. Phối hợp với các Sở, ban, ngành thành phố liên quan nghiên cứu xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy xã hội hóa đầu tư và huy động vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua đối với các đối tượng là cán bộ công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; nhà lưu trú cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn quận, huyện; Lập kế hoạch vốn đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội năm 2007;

18.7. Chuẩn bị các điều kiện về quy hoạch, đất đai, vốn và bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực để thực hiện tốt các quy định về phát triển và quản lý nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành.

19. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
 


 
Lê Hoàng Quân