Chỉ thị 07/2006/CT-UBND về tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 07/2006/CT-UBND
Ngày ban hành 22/02/2006
Ngày có hiệu lực 04/03/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Vũ Nguyên Nhiệm
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2006/CT-UBND

Hạ Long, ngày 22 tháng 02 năm 2006

 

CHỈ THỊ

"VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI VỊNH HẠ LONG"

Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị cảnh quan và địa chất, địa mạo. Đồng thời, Vịnh Hạ Long còn có tiềm năng to lớn về kinh tế cảng biển, du lịch, đánh bắt nuôi trồng hải sản.

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung và Vịnh Hạ Long nói riêng, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long. Các cấp, các ngành trong tỉnh và Tập đoàn Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng trong quản lý, bảo vệ Di sản bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường đã được triển khai rộng rãi trong cộng đồng, qua đó, ý thức của người dân từng bước được nâng lên, chất lượng môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long vẫn được duy trì, lượng khách du lịch đến với Hạ Long ngày một tăng, uy tín và vị thế của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long được khẳng định trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, kiểm điểm lại công tác quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long có dấu hiệu nặng nề hơn bởi các hoạt động: Khai thác, chế biến than; san lấp mặt bằng lấn biển; nuôi trồng hải sản; phá rừng ngập mặn; hoạt động của tàu thuyền du lịch; dân cư sống trên Vịnh; xả thải của các đô thị, khu dân cư ven Vịnh và những yếu tố tiềm ẩn khác đã tạo ra sự quan tâm, bức xúc cho nhân dân trong tỉnh cũng như đối với khách du lịch khi đến thăm quan Vịnh Hạ Long.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, khắc phục những tồn tại trên Uỷ Ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các ngành chức năng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các địa phương trong tỉnh có liên quan, các tổ chức và cá nhân có hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái Vinh Hạ Long khẩn trương triển khai thực hiện những việc sau đây:

1. Đối với hoạt động khai thác, chế biến than.

a. Trước mắt:

- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác, chế biến than thuộc quyền quản lý phải triển khai thực hiện ngay, triệt để, nghiêm túc các giải pháp bảo vệ môi trường nêu trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và các quy định bảo vệ môi trường khác có liên quan; có biện pháp hữu hiệu ngăn không cho chất thải rắn từ các bãi thải của mỏ, của các khu chế biến than chảy xuống Vịnh; từng bước ngừng việc đổ thải ven bờ và vùng cạnh bờ Vịnh. Nước thải từ khai thác mỏ và trong quá trình tuyển than phải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam trước khi thải ra vùng đệm và vùng phụ cận Vịnh Hạ Long. Các doanh nghiệp gây ô nhiễm, bồi lắng Vịnh Hạ Long phải thực hiện khắc phục, bồi thường thiệt hại môi trường theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường tổ chức công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt đối với các doanh nghiệp khai thác, chế biến, kinh doanh than có liên quan đến Vịnh Hạ Long. Xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm gây ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long.

b. Về lâu dài:

Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam:

- Xây dựng kế hoạch thu hẹp quy mô khai thác và sản lượng sản xuất than khu vực thành phố Hạ Long, không phát triển thêm các mỏ lộ thiên ngoài 3 mỏ hiện tại: Hà Tu, Núi béo, 917; xây dựng kế hoạch đóng cửa các mỏ lộ thiên nhỏ. Đầu tư máy móc thiết bị, đẩy nhanh tiến độ khai thác các mỏ lộ thiên để sớm kết thúc khai thác than lộ thiên tại thành phố Hạ Long theo quy hoạch đã được phê duyệt.

- Đối với các khu vực đổ thải, cần bố trí khai thác hợp lý các mỏ lộ thiên để tận dụng không gian đã khai thác làm bãi thải; tập trung đổ thải về phía Bắc, hạn chế tiến tới ngừng việc đổ thải đất đá tại bãi thải Nam Lộ Phong.

- Tổ chức trồng cây phủ xanh các bãi thải.

- Sớm sắp xếp, hệ thống cảng tiêu thụ than theo quy hoạch được duyệt; hạn chế và tiến tới ngừng hẳn việc chuyển tải than trên Vịnh.

- Đầu tư trang thiết bị tiên tiến trong khai thác, chế biến than, đặc biệt là các công nghệ giảm thiểu tác động xấu của khai thác, chế biến than đến môi trường sinh thái Vịnh, trong đó quan tâm xử lý nước thải, chất thải rắn trước khi thải ra Vịnh.

- Đánh giá tác động của hoạt động khai thác, chế biến than, kinh doanh than đến môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long; giành kinh phí để giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường sinh thái Vịnh, như tình trạng bồi lắng Vịnh từ hoạt động sản xuất, chế biến than theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

2. Đối với hoạt động lấn biển, nạo vét, đổ thải.

a. Trước mắt:

- Các chủ dự án lấn biển phải thực hiện xây kè, hoặc đổ bờ bao trước khi san lấp mặt bằng theo đúng quy trình kỹ thuật, có biện pháp nạo vét bùn thải ngay để tránh bồi lắng Vịnh. Ngừng ngay việc san lấp mặt bằng đối với các dự án chưa xây kè hoặc làm bờ bao.

- Các chủ đầu tư phải lập ngay phương án san lấp mặt bằng, nạo vét bùn thải trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương án san lấp mặt bằng, nạo vét bùn thải phải có hồ sơ đánh giá tác động môi trường theo quy định và được cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường tỉnh phê duyệt. Khi tiến hành dự án phải giám sát chặt bên thi công, đảm bảo dự án được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, chống gây tác động xấu đến môi trường hiện nay, đồng thời phải thông báo việc thực hiện dự án với Ban quản lý Vịnh Hạ Long để Ban quản lý Vịnh Hạ Long cùng các ngành có liên quan giám sát thực hiện.

- Các chủ dự án phải tổ chức quan trắc, đánh giá tác động môi trường và có biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường Vịnh Hạ Long từ dự án.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Vịnh Hạ Long cùng các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các chủ dự án trong quá trình san lấp mặt bằng, nạo vét, đổ thải. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, không thực hiện đúng phương án đã được phê duyệt và buộc phải bồi thường, khắc phục ô nhiễm môi trường theo quy định; xây dựng quy định quản lý việc nạo vét, đổ bùn thải trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh trong quý II/2006.

b. Về lâu dài:

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cùng các ngành, địa phương có liên quan:

- Tổ chức đánh giá tác động môi trường từ các dự án san lấp mặt bằng, đề xuất biện pháp khắc phục đối với những tác động xấu từ các dự án san lấp mặt bằng, nạo vét, đổ bùn thải.

- Đề xuất quy hoạch các điểm đổ bùn thải trên đất liền để tránh gây tác động xấu đến môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long.

[...]