Chỉ thị 07/2005/CT-BXD thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 34/2005/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
Số hiệu | 07/2005/CT-BXD |
Ngày ban hành | 14/07/2005 |
Ngày có hiệu lực | 13/08/2005 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Xây dựng |
Người ký | Nguyễn Hồng Quân |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị |
BỘ
XÂY DỰNG |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2005/CT-BXD |
Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 2005 |
Thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và quản lý quy hoach xây dựng, phát triển đô thị, các điểm dân cư nông thôn trong cả nước, Ngành Xây dựng đã quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường và thực hiện các giải pháp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình xây dựng và đô thị hoá tới môi trường. Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, công tác bảo vệ môi trường của ngành Xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống văn bản pháp qui, qui chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến công tác bảo vệ môi trường dần được hoàn thiện: Chiến lược Bảo vệ môi trường Ngành Xây dựng đến năm 2010 đã được ban hành theo Quyết định số 301/QĐ-BXD ngày 14/3/2002, đang xây dựng các Quy hoạch tổng thể khu chôn lấp chất thải rắn, Quy hoạch tổng thể xử lý nước thải cho các đô thị. Đội ngũ tham gia công tác bảo vệ môi trường ở trung ương và địa phương ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và trình độ chuyên môn. Ý thức bảo vệ môi trường của cán bộ, công nhân viên từng bước được nâng cao. Chất lượng môi trường tại các đô thị, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và các công trường xây dựng đã bước đầu được cải thiện.
Tuy nhiên quá trình phát triển đô thị cũng như phát triển sản xuất, xây dựng đang đứng trước thách thức lớn. Môi trường đô thị đang bị ô nhiễm bởi bụi và khí thải của các phương tiện giao thông, chất thải của các cơ sở sản xuất, bệnh viện nằm trong đô thị có chứa các chất độc hại. Hệ thống tiêu, thoát nước mưa và nước thải trong đô thị đang bị quá tải và xuống cấp nghiêm trọng. Tỉ lệ thu gom chỉ đạt khoảng 60-70% gây ngập úng tại hầu hết các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Trên 70% các khu công nghiệp tập trung chưa có hệ thống xử lý nước thải. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các đô thị còn nhiều bất cập, đặc biệt là công nghệ xử lý và quỹ đất dùng để chôn lấp chất thải rắn. Tỉ lệ thu gom chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp mới chỉ đạt khoảng 70% và chủ yếu ở khu vực nội thị. Việc quản lý và xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp chưa được quan tâm, đầu tư. Chất thải rắn đô thị không được phân loại, do vậy tình trạng chất thải rắn nguy hại chôn lấp chung với chất thải rắn sinh hoạt tại các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh là khá phổ biến tại các đô thị. Tại các làng nghề, chất thải và bụi không qua hệ thống xử lý, xả trực tiếp vào không khí, hệ thống thoát nước chung của đô thị gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân. Một số doanh nghiệp sản xuất chỉ quan tâm đầu tư phát triển sản xuất mà không chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Tình hình ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng lò đứng công nghệ cũ, khai thác đá, sản xuất tấm lợp, gạch ngói thủ công đang ở mức đáng báo động. Một số công trường xây dựng không tuân thủ các qui định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, trong quá trình thi công xây dựng không thực hiện che chắn, chất thải rắn không được thu gom và xử lý đúng qui định, không trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn và thậm chí xảy ra tai nạn lao động. Với những tồn tại nêu trên, công tác bảo vệ môi trường cần phải được triển khai mạnh mẽ hơn nữa ở cấp trung ương, địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW; Chỉ thị số 23/2005/CT-TTg ngày 21 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trong Ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Mọi tổ chức, cá nhân và các đơn vị cơ sở thuộc Ngành Xây dựng cần nâng cao nhận thức công tác bảo vệ môi trường là một yêu cầu cấp bách đối với sự phát triển kinh tế xã hội, tăng trưởng kinh tế và thực hiện các nội dung trong Chương trình hành động của Bộ ban hành kèm theo Chỉ thị này.
2. Căn cứ Chương trình hành động của Bộ, Thủ trưởng các đơn vị trong Ngành cần xây dựng chương trình hành động cụ thể của đơn vị mình, kế hoạch và giải pháp thực hiện công tác bảo vệ môi trường và báo cáo về Bộ.
3. Trong quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị và các điểm dân cư nông thôn phải hết sức coi trọng nhiệm vụ bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Khi lập và thực hiện các đồ án quy hoạch phải đề xuất các giải pháp, kế hoạch, kinh phí, lộ trình thực hiện các công trình xử lý chất thải và nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
4. Tập trung chỉ đạo và có giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong các khu dân cư theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
5. Tổ chức từng bước xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường nhất là đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề thủ công.
6. Các đơn vị sự nghiệp có thu và các doanh nghiệp trong Ngành cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển công nghệ và lựa chọn áp dụng công nghệ tiến tiến và công nghệ thích hợp xử lý chất thải.
7. Tăng cường và nâng cao năng lực quản lý về môi trường của các đơn vị thuộc Ngành. Hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy, quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường đô thị.
8. Xây dựng các dự án thí điểm về tái chế chất thải rắn đô thị, xử lý chất thải rắn nguy hại và xử lý chất thải cho làng nghề truyền thống.
9. Cần tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường trong các công trường xây dựng. Các chủ đầu tư và nhà thầu thi công chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp để hạn chế ô nhiễm nhất là ô nhiễm bụi, tiếng ồn, nước thải.
10. Tổ chức thường xuyên việc kiểm tra, thanh tra tại các địa phương, cơ sở trong Ngành về công tác bảo vệ môi trường. Có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các cơ sở vi phạm và không chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.
- Vụ Khoa học Công nghệ là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm triển khai công tác báo cáo hiện trạng môi trường, đánh giá tác động môi trường, Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; trình Bộ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường đô thị thuộc lĩnh vực Bộ quản lý;
- Vụ Hạ tầng Kỹ thuật Đô thị là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị 23/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp; xây dựng đề án qui hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn và nước thải cho các đô thị.
- Vụ Kiến trúc Qui hoạch hướng dẫn qui hoạch môi trường trong công tác quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị và các điểm dân cư nông thôn.
Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trong Ngành phải coi việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác điều hành hoạt động của đơn vị. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra, báo cáo kết quả việc thực hiện Chỉ thị này về Bộ.
Các Vụ Khoa học Công nghệ, Hạ tầng Kỹ thuật Đô thị có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, theo dõi và định kỳ báo cáo lãnh đạo Bộ về việc thực hiện Chỉ thị này /.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |