Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2013 nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Số hiệu | 06/CT-UBND |
Ngày ban hành | 17/09/2013 |
Ngày có hiệu lực | 17/09/2013 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Cà Mau |
Người ký | Phạm Thành Tươi |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND |
Cà Mau, ngày 17 tháng 09 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NÂNG CAO CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (tiếng Anh là Public Administration Performance Index, viết tắt là PAPI) do Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ và Phát triển cộng đồng (CECODES), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam phối hợp thực hiện gồm 06 nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với nhân dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công. Ngoài việc đánh giá mức độ hài lòng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với các cấp chính quyền, đối với cán bộ, công chức và cán bộ dân cử khi tiếp xúc, giao dịch với cơ quan các cấp, PAPI còn phản ánh ý kiến phản hồi từ xã hội về hiệu quả hoạt động của chính quyền và các cơ quan hành chính công tại các địa phương trong cả nước.
Theo đánh giá, trong năm 2012, Cà Mau là tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh có chỉ số PAPI thấp nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Chỉ số PAPI chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng được thực hiện trên cơ sở khoa học, với sự tham gia của các tổ chức có uy tín. Vì vậy, chỉ số PAPI phần nào phản ánh thực trạng công tác cải cách hành chính của tỉnh hiện nay. Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, cải thiện tiêu chí đánh giá của chỉ số PAPI, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 20/8/2013 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 20/11/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2012 - 2015, đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các tiêu chí đánh giá chỉ số PAPI (tại địa chỉ www.papi.vn), triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh theo 06 nhóm nội dung theo tiêu chí đánh giá chỉ số PAPI. Ngoài ra, các đơn vị sau đây cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể:
a) Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đồng thời, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra công vụ đối với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm đối với các hành vi nhũng nhiễu, tư lợi, cửa quyền, thiếu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, giải quyết công việc của tổ chức, công dân. Thực hiện việc công khai, minh bạch công tác thi tuyển công chức, viên chức, tuyển dụng, thuyên chuyển công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.
b) Sở Y tế thực hiện các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả việc nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ, viên chức tại các cơ sở y tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và quy trình khám chữa bệnh, chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong quá trình khám và điều trị.
c) Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định; ưu tiên bố trí nguồn lực giáo dục cho các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn bảo đảm trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường. Công khai, minh bạch trong tiếp nhận, phân công giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
d) Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc công khai, minh bạch kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm; việc thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa đối với việc thẩm định dự án đầu tư, quy trình xây dựng cơ bản, cấp và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh.
đ) Sở Xây dựng có các giải pháp tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng; bảo đảm việc lập phê duyệt quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng mới trên địa bàn tỉnh hiệu quả và phát triển bền vững. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ đúng quy trình, thời gian quy định.
e) Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh việc tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; công khai, minh bạch và thực hiện kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
g) Thanh tra tỉnh tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tập trung xử lý khiếu nại, tố cáo.
h) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, Báo Cà Mau, Báo ảnh Đất Mũi, Sở Nội vụ đẩy mạnh công tác truyền thông, biểu dương những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong thực thi các giải pháp góp phần cải cách hành chính nhà nước và nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh.
i) Sở Tư pháp tăng cường các giải pháp kiểm soát thủ tục hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện việc niêm yết công khai thủ tục hành chính theo quy định.
k) Các sở, ban, ngành cấp tỉnh rà soát, cải tiến và thực hiện nghiêm việc thực hiện các thủ tục hành chính theo quy trình ISO; đăng ký và đưa các quy trình thực hiện thủ tục hành chính lên mức độ 2, đối với những quy trình có điều kiện thì lên mức độ 3.
2. UBND các huyện, thành phố:
a) Thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thi hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó cần quan tâm công khai, minh bạch về: danh sách hộ nghèo; các khoản thu, chi ngân sách của xã, phường, thị trấn; các khoản đóng góp tự nguyện; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.
b) Nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền đối với người dân; thực hiện nghiêm việc tiếp công dân theo quy định; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát cộng đồng và hoạt động của lãnh đạo khóm, ấp, tổ dân phố.
c) Niêm yết công khai và thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện và chỉ đạo UBND cấp xã công khai bộ thủ tục hành chính (bao gồm: thủ tục, thời gian, lệ phí) thuộc thẩm quyền tại nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị. Chú trọng các thủ tục hành chính liên quan đến việc: cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lĩnh vực hộ tịch, chứng thực. Bố trí cán bộ tiếp dân, hướng dẫn, vị trí thuận lợi để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa.
d) Nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ công, góp phần cải thiện đời sống của người dân như lĩnh vực y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường và an ninh, trật tự tại địa phương.
3. Giao Sở Nội vụ chủ trì tham mưu UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh. Các đơn vị có liên quan phải có giải pháp cụ thể nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh, gửi Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/10/2013.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Đoàn thể các cấp chủ động phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các tổ chức, công dân thực hiện đúng các qui định pháp luật; quan tâm giám sát quá trình thực hiện các qui trình thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đối với chính quyền và các cơ quan hành chính công trong tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này (Tài liệu về PAPI được chuyển qua hệ thống VIC cho các đơn vị)./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |