Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2020 về tập trung thực hiện quyết liệt giải pháp trong quản lý đầu tư, xây dựng để nâng cao hiệu quả đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội do tác động của dịch Covid-19

Số hiệu 06/CT-UBND
Ngày ban hành 07/04/2020
Ngày có hiệu lực 07/04/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Đức Chung
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 2020

 

CHỈ THỊ

TẬP TRUNG THỰC HIỆN QUYẾT LIỆT MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ CÔNG, HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, NHÂN DÂN, ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT, KINH DOANH, ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI DO TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID-19

Trước tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã áp dụng các biện pháp chưa từng có để phòng, chống dịch với mục tiêu cao nhất là bảo vệ, đảm bảo sức khỏe của nhân dân. Hậu quả của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống dịch dẫn đến chuỗi cung ứng, sản xuất, thương mại toàn cầu bị ngừng trệ, đứt đoạn; Các hoạt động giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch gián đoạn. Quý I năm 2020, hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng giảm sút, nhiều nước không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm. Thế giới có nguy cơ cao xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trong tương lai gần. Trước tình hình trên, hầu hết Chính phủ các nước đều đưa ra các giải pháp đảm bảo sức khỏe nhân dân, giảm thiểu tác động tiêu cực và kích thích nền kinh tế, trong đó tập trung vào các giải pháp để các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống người lao động, an sinh xã hội.

Công tác phòng, chống dịch COVID -19 của Việt Nam và thành phố Hà Nội đã đạt được thắng lợi bước đầu, nhưng đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến kinh tế-xã hội cả nước, đặc biệt là các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế, du lịch và xuất nhập khẩu; tăng trưởng quý I năm 2020 của cả nước chỉ đạt 3,82%. Dự báo trong thời gian tới nhiều doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động; thu nhập của người lao động giảm, lao động thất nghiệp tăng so với năm 2019. Thành phố Hà Nội với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, thành phố Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Quán triệt chỉ đạo của Trung ương “Chống dịch như chống giặc”, xác định vị thế, tầm quan trọng của Thủ đô Hà Nội, hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với kinh tế - xã hội Thủ đô, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các phường, xã, thị trấn (gọi chung là các cơ quan, đơn vị) từ nay đến ngày 31/12/2020 phải tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp (coi đây là giải pháp đặc biệt khi chống dịch) trong quản lý đầu tư, xây dựng để nâng cao hiệu quả đầu tư công, hỗ trợ các doanh nghiệp và nhân dân, nhằm ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống nhân dân, an sinh xã hội, như sau:

I- NỘI DUNG CÁC GIẢI PHÁP

1- Thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và không tự tạo ra bất cứ rào cản nào nhằm hỗ trợ ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội

1.1- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải xây dựng Chương trình hành động cụ thể để cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, ban hành trước ngày 20/4/2020. Nội dung chương trình hành động phải xác định rõ: phạm vi (tên thủ tục, biện pháp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, kèm thời gian rút ngắn cụ thể); tiến độ hoàn thành việc cải cách thủ tục hành chính nêu trên; kết quả rà soát, loại bỏ và cam kết không tự tạo ra bất cứ rào cản nào ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội.

1.2- Hạn chế các cuộc họp liên ngành để giải quyết công việc; Các đơn vị phải thực hiện đầy đủ theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao, không đùn đẩy trách nhiệm. Các nội dung có tính tổng hợp, mang tính liên ngành thì ưu tiên áp dụng hình thức trao đổi trực tuyến giữa lãnh đạo các đơn vị; trường hợp cần thiết mới lấy ý kiến bằng văn bản hoặc tổ chức họp để giải quyết (Cơ quan phối hợp giải quyết có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đúng thời gian, đúng nội dung khi được cơ quan chủ trì, đầu mối yêu cầu; chịu trách nhiệm về những vấn đề của dự án thuộc chức năng quản lý của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Ủy ban nhân Thành phố nếu chậm trễ trả lời; Văn bản trả lời phải rõ nội dung những vấn đề đồng ý, những vấn đề không đồng ý, những nội dung cần bổ sung hoàn chỉnh).

1.3- Đối với các đề án, dự án do các nhà đầu tư đề xuất liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, các dự án có ý nghĩa lớn trong ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội thì cơ quan, đơn vị chủ trì phải báo cáo cấp có thẩm quyền (UBND cấp huyện, UBND Thành phố) (nội dung chống dịch báo cáo trong ngày; các nội dung khác chậm nhất 05 ngày), để xem xét, chỉ đạo giải quyết sớm trên tinh thần tinh giản, giải quyết đồng thời các thủ tục.

1.4- Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức rà soát, phân loại các hồ sơ hành chính đã thụ lý liên quan đến quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng và thu nghĩa vụ tài chính về đất đai để giải quyết ngay thủ tục; các trường hợp khác phải thực hiện theo thủ tục hành chính (cải cách) đã được xác định trong Chương trình hành động được ban hành; các trường hợp có vướng mắc phải chủ động tháo gỡ giải quyết hoặc tham mưu giải quyết nếu vượt thẩm quyền.

1.5- Giao Thanh tra Thành phố, Thanh tra chuyên ngành thuộc các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát lại kế hoạch thanh tra năm 2020, đề xuất tạm dừng việc thanh tra theo kế hoạch các dự án để tạo điều kiện cho các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, các chủ đầu tư ổn định sản xuất, kinh doanh, phòng chống dịch bệnh; chỉ thực hiện việc thanh tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các vụ việc phức tạp. Đối với những vụ việc đã thanh tra thì khẩn trương hoàn thành kết luận, tham mưu, đề xuất theo quy định của pháp luật.

2- Tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư công, rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, thực hiện tốt công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản, hoàn thành dự án, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả

2.1- Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Cục Thuế, Cục Hải quan rà soát, dự báo các phương án về nguồn thu, trên cơ sở đó xây dựng các kịch bản điều hành ngân sách năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; trên nguyên tắc rà soát, cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa cần thiết, huy động các nguồn: kết dư ngân sách, cổ phần hóa, cải cách tiền lương, Quỹ dự trữ tài chính, phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô... để ưu tiên cho các nhiệm vụ chi thường xuyên cấp bách, cấp thiết, đặc biệt là đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời đảm bảo nguồn cho chi đầu tư phát triển phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Trường hợp sau khi huy động các nguồn vẫn chưa đủ bù đắp hụt thu ngân sách sẽ thực hiện cắt giảm chi đầu tư phát triển.

2.2 - Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các nhiệm vụ sau, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 20/4/2020:

- Đối với các dự án đầu tư công: Tổng hợp toàn bộ các dự án đầu tư công (nguồn ngân sách cấp Thành phố) đang triển khai (gồm các dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, các dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư); Chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan phân tích, đánh giá, xác định các dự án cần bắt đầu triển khai sớm để có tác động tích cực, hiệu quả đến ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, đề xuất triển khai ngay trong Quý II năm 2020 theo nguyên tắc tập trung tài lực, vật lực và áp dụng các giải pháp quyết liệt để thực hiện nhanh chóng, dứt điểm; Đối với các dự án đã được phê duyệt (kể cả các dự án đã lựa chọn nhà thầu) nhưng chậm phát huy hiệu quả, chưa thực sự cần thiết, khó khăn trong việc cân đối bố trí vốn thì đề xuất dừng triển khai hoặc giãn tiến độ, bố trí lại vốn.

- Đối với lĩnh vực y tế; Chủ trì cùng Sở Tài chính, Sở Y tế và các đơn vị liên quan rà soát các dự án đầu tư cho y tế đã có chủ trương đầu tư, xem xét nhu cầu đầu tư cấp thiết tiếp theo.

- Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Chủ trì cùng Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan rà soát các dự án, đầu tư xây dựng trường học công lập đã phê duyệt, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tạm thời chưa đề xuất đầu tư xây dựng các trường công lập mới trong năm 2020 mà tập trung kêu gọi, ưu tiên đầu tư theo hình thức xã hội hóa để tập trung vốn.

- Đối với lĩnh vực an ninh, quốc phòng: Chủ trì cùng Sở Tài chính, Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội kiểm tra, rà soát danh mục các dự án đầu tư xây dựng trụ sở, doanh trại bằng vốn ngân sách Thành phố, đề xuất tập trung nhân lực, tài lực đẩy nhanh các dự án quan trọng, tối cần thiết, các dự án phục vụ phòng chống dịch; các dự án chưa thực sự quan trọng, cần thiết, các đơn vị có thể khắc phục được trong thời gian trước mắt thì dừng, giãn tiến độ thực hiện để bố trí vốn cho nhu cầu khác, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 20/4/2020.

2.3- Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Nội vụ: Kiểm tra, rà soát, đề xuất việc đầu tư trang, thiết bị y tế cho phòng, chống dịch COVID - 19; kiểm tra, đánh giá hoạt động của các bệnh viện công hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính, tham mưu mô hình hoạt động (giữ nguyên mô hình tự chủ tài chính hay trở lại mô hình sử dụng ngân sách cấp), chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế nêu trên và các cơ sở y tế tư nhân tham gia hoạt động phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân; báo cáo UBND Thành phố trước ngày 20/4/2020.

2.4- Các sở xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các công việc còn tồn tại của dự án, thực hiện nghiệm thu, bàn giao, hoàn thành hồ sơ, thủ tục thanh toán, quyết toán; Sở Tài chính có trách nhiệm rà soát, kiểm tra, hướng dẫn Chủ đầu tư khẩn trương thực hiện thanh toán, quyết toán đối với dự án đã hoàn thành theo quy định.

2.5- UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chỉ đạo nêu trên nêu trên để tổng hợp, kiểm tra, rà soát các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp huyện theo phân cấp, tổ chức thực hiện; Chủ động nghiên cứu xác định dự án phục vụ an sinh xã hội để triển khai thực hiện ngay trên địa bàn; Chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành dứt điểm công tác nghiệm thu, bàn giao; hoàn thành hồ sơ, thủ tục thanh toán, quyết toán dự án hoàn thành; tổ chức thẩm định, phê duyệt quyết toán theo quy định; báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát và phương án triển khai về UBND Thành phố trước ngày 20/4/20.

2.6- Các chủ đầu tư có trách nhiệm: Chủ động kiểm tra, rà soát các dự án, rút ngắn tối đa thời gian, tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng công trình; Đối với các dự án có khó khăn, vướng mắc phải làm rõ tồn tại, hạn chế, phân công cán bộ để tháo gỡ, xử lý; chủ động báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết.

3- Tổ chức rà soát toàn bộ các dự án, các thủ tục đầu tư đang giải quyết để có các biện pháp tạo điều kiện cao nhất để hỗ trợ các dự án đầu tư FDI, dự án đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là các dự án đầu tư công trình công cộng theo phương thức xã hội hóa, dự án an sinh xã hội triển khai thực hiện

3.1- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tổ chức rà soát toàn bộ các dự án đầu tư FDI, dự án đầu tư ngoài ngân sách đã tiếp nhận hồ sơ nhưng chưa giải quyết xong, còn tồn đọng đến nay; xác định trạng thái của hồ sơ, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan, trên cơ sở đó có phương án giải quyết dứt điểm, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/4/2020; Tổng hợp các trường hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện các Luật, Nghị định, tham mưu UBND Thành phố đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết.

3.2- Các cơ quan, đơn vị (Sở, ngành và quận huyện thị xã) thực hiện lập đề xuất dự án và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, báo cáo UBND Thành phố xem xét, phê duyệt đề xuất dự án, danh mục dự án để công bố lựa chọn nhà đầu tư theo quy định đối với các dự án đầu tư theo hình thức FDI, các dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, môi trường, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và các lĩnh vực khuyến khích đầu tư khác theo quy định của pháp luật nhằm ổn định, phát triển sản xuất - kinh doanh, an sinh xã hội (ưu tiên dành quỹ đất, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân thực hiện đầu tư các lĩnh vực nêu trên để Nhà nước tập trung vốn ngân sách đầu tư cho các lĩnh vực quan trọng, thiết yếu khác); tạo điều kiện tối đa về thời gian, con người, thủ tục để giải quyết hồ sơ các dự án đầu tư này.

3.3- Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm: Rà soát, khẳng định sự phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt đối với các dự án kêu gọi đầu tư nêu trên; Rà soát các các địa điểm đất khác, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, để thông tin cho Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh mục kêu gọi đầu tư đối với các loại hình dự án nêu trên, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/4/2020; Đồng thời, rà soát, thống kê toàn bộ các đồ án quy hoạch đã được giao nghiên cứu, đề xuất hoặc thẩm định (bao gồm các dự án sử dụng ngân sách và dự án ngoài ngân sách); khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục (xong trước ngày 31/5/2020) để trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

3.4- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện lập và trình phê duyệt đề xuất dự án, danh mục dự án lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án sử dụng đất nêu trên; kịp thời tổng hợp các vướng mắc, khó khăn báo cáo UBND Thành phố để xem xét xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Đối với trường hợp lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt: thực hiện theo Điều 73, 74 Mục 3, Chương V, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

[...]