Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 06/2014/CT-UBND tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 06/2014/CT-UBND
Ngày ban hành 27/03/2014
Ngày có hiệu lực 06/04/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Liêm
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2014/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 3 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Do tình hình thời tiết, khí tượng - thủy văn diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nước ta. Trong năm 2013, có 15 cơn bão (trong đó, cơn bão số 13 và số 15 ảnh hưởng trực tiếp đến Nam Trung Bộ và gây mưa lớn trên địa bàn Thành phố), 03 cơn áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông. Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 12 đợt lốc xoáy, mưa giông, có 07 đợt triều cường lớn (đỉnh triều đạt mức báo động cấp III trở lên), 16 vụ sạt lở; tổng thiệt hại: làm bị thương 13 người, thiệt hại 489 căn nhà (55 căn hư hỏng hoàn toàn, 434 căn hư hỏng một phần), hư hỏng 05 trường học, 01 trụ sở cơ quan, 70 hệ thống điện, 251 cây xanh ngã đổ, sạt lở 3.884 m2 đất và 136 m kè đá, bể 04 đoạn bờ bao chiều dài 24 m. Dự báo tình hình khí tượng thủy văn, thời tiết nguy hiểm, nhất là các loại thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, triều cường, lốc xoáy, sạt lở, hạn hán... năm 2014 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Mặt khác, trong năm 2013 trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 27 vụ tai nạn trên biển, giao thông đường thủy nội địa nghiêm trọng, 14 vụ cháy, nổ và các vụ tai nạn nguy hiểm hàng ngày gây thiệt hại về người và tài sản.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014 của Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các

Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt các nội dung sau đây:

1. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Sở, ban, ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2013; phát huy những ưu điểm, những chương trình, dự án, công việc mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời làm rõ nguyên nhân những mặt còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Chú trọng nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu.

2. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng chống thiên tai, Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn Thành phố (ban hành kèm theo Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2008 và Quyết định số 3523/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố); Ke hoạch tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 5565/QĐ-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố). Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tại địa phương, đơn vị mình về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

3. Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các cấp (Thành phố, Sở, ban, ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn), đặc biệt là khi Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2014; trong đó cơ cấu những thành viên có điều kiện tham gia tốt nhất và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi cấp, mỗi ngành, đảm bảo kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

4. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố:

a) Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các Sở, ban, ngành, quận - huyện thực hiện tốt kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các phương án phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát hợp với tình hình thực tế của Thành phố. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Ke hoạch ứng phó khẩn cấp của Thành phố Hồ Chí Minh trong trường hợp hồ Dầu Tiếng gặp sự cố bất lợi nhất: vỡ đập chính kết hợp xả lũ cực hạn PMF (3.600 m3/s).

b) Chủ trì triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2014 trên địa bàn Thành phố. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu (tổ chức lớp tập huấn, phát hành sổ tay, cẩm nang, tờ bướm...) dưới nhiều hình thức cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và nhân dân Thành phố nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai được an toàn, hiệu quả. Tập trung đúng mức tại các địa bàn xung yếu, đối tượng dễ bị tổn thương như: người khuyết tật, người già, phụ nữ, trẻ em khi thiên tai xảy ra.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước Thành phố, các quận - huyện rà soát, phân loại và đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai mang tính cấp bách trong năm 2014 theo hướng đảm bảo tính hiệu quả sử dụng lâu dài. Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các quận - huyện rà soát, kiểm tra, thống kê các phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiện có của Thành phố và đề xuất đầu tư bổ sung số lượng, chủng loại cần thiết theo nhu cầu của Thành phố trong năm 2014 theo hướng hiện đại để thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy và các đơn vị liên quan tổ chức huấn luyện, thực tập thành thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện có; diễn tập các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố, trong đó chú trọng đến các địa bàn trọng điểm, vùng ven sông nước, khu vực trường học, kể cả cấp huyện, cấp xã để nâng cao năng lực tổ chức thực hiện ứng phó và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng chuyên trách và lực lượng xung kích tại cơ sở. Phối hợp với Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn khắc phục sự cố tai nạn chìm phà trong năm 2014.

đ) Kiểm tra, giám sát việc triển khai Đề án bổ sung xây dựng mạng lưới các trạm khí tượng, trạm đo mưa và trạm đo mực nước trên địa bàn Thành phố để công tác dự báo mưa, triều, lũ và các hiện tượng thời tiết xấu được đầy đủ, chính xác phục vụ việc thông tin cảnh báo kịp thời ảnh hưởng thiên tai để giúp các cấp chính quyền trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, tránh, ứng phó thiên tai được chủ động và đạt hiệu quả. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ quản các hồ thủy lợi, thủy điện thượng nguồn thống nhất phương án, kế hoạch điều tiết lưu lượng nước xả tràn, hạn chế ảnh hưởng ngập lụt cho hạ du.

e) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy và các doanh nghiệp viễn thông đóng trên địa bàn Thành phố tiếp nhận các thông tin cứu nạn thông qua Tổng đài 114; tổ chức thực hiện quy trình nhắn tin cảnh báo thiên tai cho nhân dân trên địa bàn Thành phố biết để chủ động phòng, tránh; nghiên cứu giải pháp thông tin liên lạc phục vụ ứng phó thiên tai khi hệ thống thông tin liên lạc hiện hữu gặp sự cố.

g) Chủ trì, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Khi có thiên tai, nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm trên biển Đông, chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố, Bộ Tư lệnh Thành phố và Ủy ban nhân dân huyện cần Giờ và các đơn vị liên quan lập phương án, tổ chức trực ban, nắm chắc diễn biến thời tiết để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kịp thời ứng phó.

b) Chỉ đạo Chi Cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tổ chức tập huấn phòng, chống thiên tai cho ngư dân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc trang bị các thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân hoạt động trên biển. Nắm số lượng tàu cá, thuyền viên đang hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển và ngư trường khai thác của tàu cá (đặc biệt là tàu cá đánh bắt xa bờ) để kịp thời hướng dẫn di chuyển phòng, tránh thiên tai đến nơi neo đậu an toàn.

c) Chủ trì, phối hợp với Thành Đoàn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trồng cây chống sạt lở đê bao, bờ bao, bờ sông, kênh, rạch tại các huyện, quận ven theo phân kỳ kế hoạch đầu tư, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và hiệu quả.

d) Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, tuần tra, canh gác bảo vệ đê và hộ đê cho lực lượng quản lý đê nhân dân tại các phường - xã - thị trấn trên địa bàn các quận - huyện (nơi có đê).

đ) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan thẩm định và trình Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai thực hiện dự án củng cố, nâng cấp đê biển cần Giờ theo Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.

e) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng đề xuất định mức chi phí duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, công trình phòng, chống lụt, bão hàng năm trên địa bàn các quận - huyện nhằm đảm bảo công trình phát huy hiệu quả, tăng tuổi thọ công trình.

6. Bộ Tư lệnh Thành phố:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố và các Sở - ngành, quận - huyện tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả khi xảy ra thiên tai. Huy động lực lượng, phương tiện tham gia sơ tán, di dời dân ở các khu vực xung yếu đến nơi tạm cư an toàn và phân công lực lượng bảo vệ tài sản cho nhân dân, tạo tâm lý an tâm khi di dời.

b) Hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong công tác tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ để các tình huống diễn tập sát với thực tế, đạt hiệu quả cao.

7. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố:

[...]