Chỉ thị 06/2007/CT-UBND về thực hiện giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn quận trong 6 tháng cuối năm 2007 do Ủy ban nhân dân quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 06/2007/CT-UBND |
Ngày ban hành | 20/08/2007 |
Ngày có hiệu lực | 20/08/2007 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Quận Tân Bình |
Người ký | Thái Thị Dư |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN TÂN BÌNH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2007/CT-UBND |
Tân Bình, ngày 20 tháng 08 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ KÉO GIẢM TAI NẠN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2007
Thực hiện nội dung Công văn số 116-CV/QU ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Ban Thường vụ Quận ủy về tăng cường lãnh đạo đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông, trong 6 tháng đầu năm quận Tân Bình đã hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, không để xảy ra đua xe trái phép; số vụ tai nạn giao thông giảm 15% và số người bị thương nặng giảm 42,8% so với cùng kỳ năm 2006, tuy nhiên số người chết do tai nạn giao thông còn nhiều (17 vụ, chết 17 người).
Nguyên nhân do các cơ quan quản lý Nhà nước còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ quận đến phường trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông nên hiệu quả còn thấp; ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông còn yếu kém.
Để khắc phục các yếu kém, tồn tại nêu trên, đồng thời phấn đấu trong 6 tháng cuối năm 2007 kéo giảm 25% số vụ tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông nghiêm trọng, giảm 20% số người chết và 40% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2006; hạn chế thấp nhất số vụ và ùn tắc giao thông trên địa bàn quận; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 12 tháng 7 năm 2007 của Thành ủy về tăng cường lãnh đạo lập lại trật tự kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về giao thông trên địa bàn thành phố; Chỉ thị số 19/2008/CT-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện các giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố trong 6 tháng cuối năm 2007; Công văn số 5152/UBND-ĐTMT ngày 10 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về tập trung thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và Thông tri số 21-TT/QU ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Quận ủy về tăng cường lãnh đạo lập lại trật tự kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về giao thông trên địa bàn quận, Ủy ban nhân dân quận yêu cầu các cơ quan, ban ngành, Ủy ban nhân dân 15 phường khẩn trương thực hiện nghiêm túc những biện pháp sau đây:
1. Phòng Tư pháp:
- Phòng Tư pháp - Thường trực Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật quận chủ trì phối hợp Ban An toàn giao thông quận và Ủy ban nhân dân 15 phường tiếp tục triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong quận; tăng cường đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để đáp ứng yêu cầu công tác. Về nội dung tuyên truyền, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2007 cần tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
2. Phòng Văn hóa Thông tin - Thể thao:
- Phối hợp Trung tâm Văn hóa Thể thao và Công an quận xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác thông tin tuyên truyền vận động về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận bằng nhiều biện pháp, hình thức sinh động cụ thể và thiết thực với chủ đề chính là vận động mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông, đặc biệt là phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường, thực hiện từ ngày 15 tháng 12 năm 2007.
Công tác tuyên truyền vận động phải được thực hiện trên cả diện rộng và chiều sâu; không chỉ dừng lại ở một số đối tượng mà phải tuyên truyền và vận động ở tất cả các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và ở mọi tầng lớp nhân dân. Phải giải quyết cho được vấn đề ý thức chấp hành luật pháp giao thông của từng người tham gia giao thông.
3. Phòng Giáo dục:
Có kế hoạch tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho học sinh phổ thông ở tất cả các cấp học. Chỉ đạo tất cả các trường học đưa nội dung đảm bảo an toàn giao thông vào sinh hoạt chào cờ đầu tuần, vào tiết học đầu tiên trong ngày và sinh hoạt Chủ nhiệm hàng tuần; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chương trình xe đưa đón học sinh; có hình thức xử lý nghiêm việc học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tất cả các trường học phải phối hợp với Công an phường tổ chức tốt việc giữ gìn trật tự giao thông khu vực trước cổng trường; dựng các pa nô tại cổng trường để nhắc nhở học sinh phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông.
4. Công an quận:
- Tham mưu Ủy ban nhân dân quận tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban An toàn giao thông quận. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch lập lại trật tự kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn quận trong 6 tháng cuối năm 2007 và các năm tiếp theo với các giải pháp căn cơ, đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, kiên quyết lập lại trật tự giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn quận, phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu thành phố giao hàng năm về giảm tai nạn giao thông (số vụ, số người chết, số người bị thương).
- Đề xuất Sở Giao thông - Công chính - Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp tổ chức kiểm tra thực địa, điều chỉnh bổ sung hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, sơn đường... hướng dẫn giao thông rõ ràng cho người đi đường; lắp đặt bổ sung dãy phân cách giữa đường để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông; khắc phục các khiếm khuyết, hư hỏng của hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ và tình trạng ngập nước trên nhiều tuyến đường trong mùa mưa để bàn biện pháp khắc phục ngay các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên địa bàn quận.
- Chỉ đạo và tổ chức lực lượng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát giao thông trên địa bàn, thường xuyên thay đổi phương án tuần tra, thực hiện kiểm tra cơ động, chốt chặn tại các “điểm đen”, tại các khu vực trọng điểm về an toàn giao thông.
Phối hợp với các lực lượng khác (Cảnh sát Giao thông - Công an thành phố, Thanh niên xung phong, Thanh niên xung kích, Quận đoàn...) tăng cường công tác trực chốt, điều hòa giao thông tại các giao lộ cũng như công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm trên các tuyến đường được phân cấp vào thời điểm thường xảy ra tai nạn giao thông trong ngày; kiên quyết xử phạt nặng các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; đặc biệt là các hành vi là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn giao thông; không phân biệt người vi phạm đi bộ, đi xe đạp, đi mô tô hay lái xe ô tô. Áp dụng các biện pháp và hình thức xử phạt theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Văn bản số 5152/UBND-ĐTMT ngày 10 tháng 8 năm 2007 và các văn bản pháp luật có liên quan khác.
- Phối hợp Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ tiến hành điều tra cơ bản các tuyến đường đã xảy ra nhiều tai nạn giao thông, phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch chuyên đề của Công an thành phố nhằm cải thiện tình hình tai nạn trên những tuyến đường này.
- Phối hợp Đội Quản lý trật tự đô thị quận, Ủy ban nhân dân - Ban An toàn giao thông 15 phường kiểm tra giải tỏa triệt để các trường hợp lấn chiếm xây dựng trái phép; lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán gây cản trở giao thông.
- Tiếp tục thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Đội 4 - PC 26; Ban Chỉ huy Quân sự quận cùng các đơn vị thuộc Công an quận (Đội Cảnh sát Giao thông - Cơ động, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm - trật tự xã hội) và Công an 15 phường trong việc phòng, chống đua xe trái phép trên địa bàn quận.
5. Phòng Quản lý đô thị và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình quận:
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đảm bảo tiến độ thi công các công trình về hạ tầng giao thông; kiến nghị Thanh tra Sở Giao thông - Công chính kiên quyết xử phạt nặng và bắt buộc các chủ đầu tư và đơn vị thi công phải khắc phục ngay những vi phạm về ô nhiễm môi trường, về rào chắn, báo hiệu an toàn tại công trường thi công, đồng thời tái lập ngay mặt đường để đảm bảo an toàn giao thông.
6. Công ty Dịch vụ Đô thị:
Tổ chức trung chuyển rác và thời gian vận chuyển rác hợp lý (tránh lưu thông vào giờ cao điểm) để phòng tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tạo môi trường giao thông sạch sẽ và an toàn hơn.
7. Ủy ban nhân dân và Ban An toàn giao thông 15 phường:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông phường phải tăng cường trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo về tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn phụ trách.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn đến từng khu phố, tổ dân phố về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong việc chấp hành pháp luật về giao thông, đặc biệt là phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường, thời gian thực hiện từ ngày 15 tháng 12 năm 2007.
- Tăng cường phối hợp với các lực lượng của quận để kiểm soát chặt chẽ tình hình, tổ chức kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; nhất là công tác giải tỏa lấn chiếm lòng lề đường trái phép, gây cản trở giao thông và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, trả lại đường thông hè thoáng cho người đi bộ.