Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2024 thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật do tỉnh Thái Bình ban hành

Số hiệu 05/CT-UBND
Ngày ban hành 15/03/2024
Ngày có hiệu lực 15/03/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Lại Văn Hoàn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Thái Bình, ngày 15 tháng 03 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHIÊM CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI TRÊN ĐỘNG VẬT

Thời gian gần đây, tình hình bệnh Dại vẫn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, cụ thể: Năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh Dại tại 30 tỉnh, thành phố (tăng 12 trường hợp so với năm 2022), nhiều nhất tại các tỉnh: Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên; tính riêng từ ngày 01/01 đến 20/02/2024, cả nước đã xảy ra 17 ổ bệnh Dại trên động vật tại 12 tỉnh, thành phố và 18 ca tử vong trên người do bệnh Dại ở 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại đã lên tới gần 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023). Gần đây, tại tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra trường hợp chó dại cắn 14 học sinh và giáo viên trong trường học.

Tại Thái Bình, từ năm 2018 trở lại đây không có ca bệnh Dại ở động vật được báo cáo từ cơ sở. Tuy nhiên, số người bị chó mèo nghi mắc bệnh dại cắn phải đi tiêm phòng năm 2023 là 1.146 người; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo đạt được chưa cao (số chó, mèo được tiêm vắc xin đạt 31,1% tổng đàn); chó thả rông còn phổ biến ở hầu hết các địa phương; nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh Dại còn hạn chế; các chế tài xử lý vi phạm chưa được thực hiện nghiêm tại cơ sở.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại, giảm thiểu nguy cơ người chết vì bệnh Dại, thực hiện Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại và Chỉ thị số 1296/CT-BNN-TY ngày 26/02/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các Giám đốc Sở, ngành liên quan nghiêm túc chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại, Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 17/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình, trong đó tập vào một số nội dung sau:

1. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

- Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật theo Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 17/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 30/11/2023 về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2024; trong đó, cần chú trọng việc bố trí đủ nguồn lực thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo; quản lý đàn chó, mèo nuôi; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc đăng ký nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã; xử lý chó thả rông; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi, nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vắc xin và phòng, chống bệnh Dại; không để chó, mèo thả rông làm ảnh hưởng tới những người xung quanh và đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Tăng cường công tác giám sát bệnh Dại, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Dại, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch. Tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Dại trên động vật phải được lấy mẫu và gửi đến phòng thí nghiệm thú y có thẩm quyền để xét nghiệm bệnh Dại. Thống kê, tổng hợp, báo cáo đầy đủ, chính xác thông tin về các hộ nuôi chó, số chó nuôi, tiêm phòng vắc xin Dại tại tổ dân phố, thôn, xã.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh, nhất là việc tiêm vắc xin và phòng, chống bệnh Dại cho chó, mèo; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh Dại khi bị động vật, đặc biệt chó, mèo cắn.

- Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn chó, mèo trên từng địa bàn được tiêm phòng dại trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

- Trường hợp lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dại, để xảy ra hiện tượng chó, mèo chưa được tiêm vắc xin Dại cắn người thì người đứng đầu chính quyền cấp huyện, xã chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phòng, chống bệnh Dại trên đàn chó, mèo tại cấp huyện, xã.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y và các đơn vị liên quan:

+ Tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh Dại trên động vật; hướng dẫn các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định; tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát bệnh Dại;

+ Cung ứng đủ vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo; hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn bổ sung về kỹ thuật tiêm phòng cho đội ngũ thú y cơ sở khi có đề nghị từ cơ sở;

+ Phối hợp, chia sẻ thông tin ca bệnh dại, nghi dại với cơ quan y tế để tập trung hướng dẫn, khoanh vùng, kiểm soát nguy cơ gây bệnh cho người;

+ Chủ trì tổng hợp báo cáo và đề xuất kịp thời trong công tác chỉ đạo và huy động nguồn lực phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành có liên quan tích cực công tác tuyên truyền về tính chất nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Y tế

- Chỉ đạo các đơn vị y tế dự trù và đảm bảo cung ứng đầy đủ vắc xin phòng Dại và huyết thanh kháng Dại cho người bị chó, mèo cắn, người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm với bệnh Dại.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương trong điều tra, xử lý các ổ dịch bệnh Dại trên người và động vật.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống bệnh Dại qua các kênh truyền thông và trong cộng đồng để người dân nắm bắt và chủ động thực hiện.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các đơn vị trong ngành và phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện truyền thông học đường về phòng, chống bệnh Dại.

5. Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh: Chỉ đạo lực lượng trong ngành tăng cường kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép chó, mèo nhập lậu, nghi nhập lậu và các sản phẩm từ chó, mèo trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện và Đài Truyền thanh cấp xã tuyên truyền nguy cơ dịch bệnh Dại; các biện pháp quản lý đàn chó, mèo; quy định về tiêm phòng bắt buộc đối với vắc xin Dại cho đàn chó, mèo.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Tuyên truyền sâu rộng về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, công tác quản lý đàn chó, mèo; kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh Dại; tình hình dịch bệnh, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng bệnh Dại.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Báo Thái Bình: Theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn và các địa phương tích cực tuyên truyền để các thành viên, hội viên tham gia thực hiện công tác quản lý đàn chó, mèo; tiêm vắc xin Dại cho đàn chó, mèo; chia sẻ thông tin về ca bệnh nghi mắc bệnh Dại trên đàn chó, mèo hoặc người bị chó, mèo cào, cắn nghi Dại để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng.

[...]