Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2024 thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Số hiệu | 06/CT-UBND |
Ngày ban hành | 27/03/2024 |
Ngày có hiệu lực | 27/03/2024 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Cao Bằng |
Người ký | Hoàng Xuân Ánh |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND |
Cao Bằng, ngày 27 tháng 3 năm 2024 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHIÊM CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI TRÊN ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
Trong năm 2023, cả nước có 82 người chết vì bệnh Dại tại 30 tỉnh, thành phố (tăng 12 trường hợp so với năm 2022), nhiều nhất là tại các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên; tính riêng từ ngày 01/01/2024 đến ngày 20/02/2024, cả nước đã xảy ra 17 ổ bệnh Dại trên động vật tại 12 tỉnh, thành phố và 18 ca tử vong trên người do bệnh Dại ở 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại đã lên tới gần 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có 03 người mắc bệnh Dại (02 người ở huyện Bảo Lạc, 01 người ở huyện Nguyên Bình). Nhận định, trong thời gian tới nguy cơ bệnh Dại vẫn xảy ra là rất cao do địa bàn Cao Bằng có các ổ dịch cũ, tỷ lệ tiêm phòng dại hằng năm đạt thấp, công tác quản lý Chó, Mèo chưa được thực hiện tốt.
Để phòng ngừa các ổ dịch phát sinh và lây lan, từng bước kiểm soát, khống chế, từ đó giảm thiểu các ca tử vong, tiến tới không còn người chết vì bệnh Dại; thực hiện Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại, Chỉ thị số 1296/CT-BNN-TY ngày 26/02/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định của Luật Thú y năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật, chủ động triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại trên động vật.
- Chỉ đạo UBND cấp xã triển khai tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn Chó, Mèo bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn trong năm 2024 và các năm tiếp theo, sớm hoàn thành mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022 - 2030. Xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin Dại cho Chó, Mèo nuôi.
- Bố trí kinh phí chi trả hỗ trợ cho người thực hiện công tác tiêm phòng các loại vắc xin, trong đó có vắc xin Dại theo quy định tại Nghị quyết số 45/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
- Tăng cường công tác truyền thông về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh Dại cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống bệnh Dại động vật trong cộng đồng dân cư, trường học, người chăn nuôi, người giết mổ Chó, Mèo và các tổ chức, cá nhân có liên quan bằng các hình thức phù hợp.
- Tăng cường công tác quản lý Chó, Mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn Chó, Mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng Chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã, xóm; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt Chó, Mèo bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới môi trường và những người xung quanh. Báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo định kỳ 6 tháng và 1 năm theo quy định.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch phòng, chống bệnh Dại của tỉnh trong năm 2024 và các năm tiếp theo, bảo đảm phù hợp, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh. Triển khai xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh Dại tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh nhằm đạt được mục tiêu của Kế hoạch số 371/KH-UBND ngày 23/02/2022 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022 - 2030.
- Thực hiện giám sát bệnh Dại, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Dại, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch. Tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Dại trên động vật phải được lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm bệnh Dại.
3. Sở Y tế: Kịp thời chia sẻ thông tin đến các sở, ngành (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông), Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị Chó, Mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn. Tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dại ở người trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế thực hiện công tác truyền thông học đường về phòng, chống bệnh Dại tại các trường học trên toàn tỉnh.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Cao Bằng, hệ thống thông tin, truyền thanh các cấp chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về bệnh Dại, mức độ nguy hiểm của bệnh Dại đối với con người, các ca bệnh Dại xảy ra trên địa bàn. Tuyên truyền các chủ trương, chính sách và quy định về quản lý Chó nuôi, tiêm vắc xin cho Chó, Mèo để phòng, chống bệnh Dại đến toàn thể người dân.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Cao Bằng và các tổ chức đoàn thể tỉnh: Chủ động phối hợp với các sở, ngành (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế), UBND huyện, thành phố tuyên truyền đến các đoàn viên, hội viên và Nhân dân về trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật trong công tác phòng, chống bệnh Dại; đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đã nuôi Chó, Mèo là phải tiêm vắc xin phòng bệnh và không thả rông Chó nơi công cộng.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung Chỉ thị này, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này ở các ngành, các cấp, định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định./.
|
CHỦ TỊCH |