Chỉ thị 04/2014/CT-UBND tăng cường công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Số hiệu 04/2014/CT-UBND
Ngày ban hành 07/08/2014
Ngày có hiệu lực 17/08/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Nguyễn Thành Nhơn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2014/CT-UBND

Vị Thanh, ngày 7 tháng 8 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Ngành Y tế đã chủ động triển khai thực hiện các dịch vụ, kỹ thuật y tế mới; duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, hệ thống y tế được tiếp tục củng cố, mở rộng và phát triển; quy trình khám bệnh, chữa bệnh tại khoa khám bệnh được cải tiến, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được nâng cao; chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách xã hội đã được thực hiện tốt hơn; mức độ hưởng thụ và tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân được tăng lên, qua đó góp phần thực hiện cơ bản các chỉ tiêu tổng quát của tỉnh đề ra về chăm sóc sức khỏe của người dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, trong công tác khám bệnh, chữa bệnh vẫn còn hạn chế nhất định, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa quan tâm đúng mức các điều kiện phục vụ người bệnh cũng như nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; công tác giáo dục y đức thực hiện chưa thường xuyên, còn có các ý kiến phản ánh của người bệnh về chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người bệnh có BHYT.

Để khắc phục tình trạng trên, từng bước nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Y tế:

a) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng tham mưu cho cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa các cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị,đảm bảo các điều kiện tối thiểu đáp ứng yêu cầu chuyên môn của ngành Y tế; tăng cường giám sát, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các công trình xây dựng do Sở Y tế làm chủ đầu tư; thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng, bảo trì công trình xây dựng và trang thiết bị.

b) Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 - 2015 và 2020 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; xây dựng Kế hoạch hàng năm về phân bổ thẻ khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu; thực hiện tốt quy định về hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT; thực hiện đúng quy định về chế độ tạm ứng và thanh quyết toán BHYT, giải quyết kịp thời các vướng mắc thuộc thẩm quyền, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

c) Tăng cường sự phối hợp với các ngành, các cấp trong các hoạt động y tế và trong triển khai các văn bản pháp luật, chính sách y tế; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để tạo được sự chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

d) Tiếp tục củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân lực của ngành từ tỉnh đến cơ sở, ưu tiên bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ phù hợp đối với chuyên môn được đào tạo; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và triển khai chính sách đãi ngộ nhằm khuyến khích cán bộ y tế về công tác tuyến cơ sở, đặc biệt đối với các Bệnh viện huyện, thị xã, thành phố và các Trạm y tế xã, phường, thị trấn đang thiếu hoặc chưa có Bác sĩ theo quy định.

đ)Đẩy mạnh xã hội hóa về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.

e) Tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các bệnh viện, đơn vị y tế trên địa bàn về chuyên môn kỹ thuật y tế, chính sách BHYT và các hoạt động liên doanh, liên kết, xã hội hóa các dịch vụ y tế; phát hiện, làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức trong và ngoài ngành Y tế có sai phạm và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

g) Quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao y đức trách nhiệm của cán bộ y tế; xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất, yêu nghề, nhiệt tình phục vụ nhân dân, tôn trọng chuyên môn, y đức; đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, xây dựng mỗi cán bộ lãnh đạo ngành Y tế là một tấm gương về y đức để cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành noi theo, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và sự tôn vinh của xã hội đối với người thầy thuốc.

h) Hoàn thành các Đề án thuộc lĩnh vực ngành quản lý theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp thẩm quyền phê duyệt; thực hiện kế hoạch luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh, có tính khả thi, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi và điều kiện cho cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ tốt nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

i) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến tiếp tục tích cực triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cụ thể như sau:

- Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế và các quy định về y đức;

- Công khai giá dịch vụ y tế tại khu vực dễ quan sát, dễ đọc, kịp thời giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến giá dịch vụ y tế mới;

- Sắp xếp, bố trí khoa khám bệnh hợp lý; khi cần thiết có thể tăng cường nhân lực để khám trong những ngày, giờ cao điểm có nhiều người bệnh đến khám; bố trí phòng khám cho người bệnh có thẻ BHYT ở vị trí thuận lợi, số phòng khám BHYT phải đáp ứng yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh BHYT đến khám trong ngày;

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong công tác khám bệnh, chữa bệnh nhằm tránh phiền hà cho người dân; công khai số điện thoại đường dây nóng (đơn vị, Sở Y tế, Bộ Y tế) tại những nơi mọi người dân dễ dàng nhận thấy để phản ánh khi cần;

- Chủ động sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp để: Sửa chữa, cải tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người bệnh;

- Kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị của bệnh viện; nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu thuốc, cung ứng đủ thuốc, vật tư, hóa chất đảm bảo công tác điều trị; thực hiện đúng quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh; phòng ngừa và giảm thiểu các tai biến, sai sót chuyên môn nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh;

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế chuyên môn được quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân theo đúng quy định.

3. Sở Tài chính căn cứ vào nguồn sự nghiệp y tế hàng năm phối hợp với Sở Y tế phân bổ cho các đơn vị theo đúng quy định.

4. Sở Xây dựng phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu các công trình y tế theo đúng quy định.

5. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng và nhiệm vụ đã được phân công chủ động phối hợp với Sở Y tế để hướng dẫn và tạo điều kiện cho các cơ sở y tế thực hiện tốt các nội dung nêu tại Chỉ thị này.

6. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về tăng cường công tác quản lý y tế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Giao Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị này.

[...]