Chỉ thị 04/2005/CT-BYT về chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè do Bộ y tế ban hành

Số hiệu 04/2005/CT-BYT
Ngày ban hành 02/06/2005
Ngày có hiệu lực 17/06/2005
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Trần Thị Trung Chiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2005/CT-BYT

Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH MÙA HÈ

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình một số bệnh truyền nhiễm gây dịch tại một số quốc gia tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng: tại Senegal, trong 2 tuần tháng 5/2005 đã ghi nhận 509 trường hợp mắc tả, trong đó có 6 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 1,2%; tại ấn Độ, từ 29/3 - 10/5/2005, ghi nhận 214 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu, trong đó có 16 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 7,5%; tại Angola, tính đến 10/5/2005, ghi nhận 316 trường hợp sốt xuất huyết do vi rút Marburg, trong đó có 276 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 87%. Dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở 12 quốc gia và đã lây lan sang người ở Thái Lan, Căm pu chia và Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về nguy cơ biến chủng vi rút cúm có thể tạo thành chủng có động lực mạnh lây từ người sang người gây ra đại dịch trên thế giới với khoảng 2 - 7 triệu người tử vong.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2005 đến nay, ghi nhận 230.876 trường hợp tiêu chảy, trong đó có 2 trường hợp tử vong, 11.298 trường hợp mắc lỵ trực trùng, 8.131 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 4 trường hợp tử vong, 616 trường hợp mắc thương hàn, 49 trường hợp mắc cúm A (H5N1), trong đó có 17 trường hợp tử vong. Thời tiết năm nay có nhiều diễn biến phức tạp: nắng nóng, khô hạn kéo dài, mưa bão, lũ lụt là các yếu tố thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm gây dịch phát triển. Trước tình hình trên, để chủ động phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch thường gặp trong mùa hè, không để dịch lớn xảy ra, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:

1. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương

a) Tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo các cơ quan trên địa bàn chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh;

b) Xây dựng kế hoạch hành động, kết cấu ngân sách, chuẩn bị thuốc, hoá chất, vật tư phòng chống dịch;

c) Chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tăng cường công tác giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp mắc, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát thành dịch, chú ý các ổ dịch cũ, các khu vực trọng điểm, đầu mối giao thông... Tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch.

d) Chỉ đạo các cơ sở điều trị trên địa bànquản lý chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị và các cơ sở vật chất khác để kịp thời chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân trong trường hợp xảy ra dịch bệnh;

đ) Đối với các địa phương có cửa khẩu quốc tế, cần kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, vùng có ổ dịch cũ, không để dịch bệnh xâm nhập;

e) Chỉ đạo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ tỉnh trong việc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp vệ sinh phòng bệnh để mọi người hiểu và tự giác phòng ngừa cũng như tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn;

g) Thực hiện nghiêm túc chế độ, thông tin, báo cáo theo quy định tại “Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch”ban hành kèm theo Quyết định số 4880/2002/QĐ-BYT ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Cục Y tế dự phòng Việt Nam

a) Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch để tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè trên phạm vi cả nước;

b) Trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương, đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng triển khai các biện pháp phòng chống dịch;

c) Phối hợp với Vụ Điều trị - Bộ Y tế trong việc tổ chức tập huấn cho các đơn vị, địa phương về chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm gây dịch.

3. Vụ Điều trị

a) Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra công tác chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm gây dịch trên phạm vi cả nước;

b) Chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện tỉnh/thành phố chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết cho công tác chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm gây dịch;

c) Xây dựng, bổ sung phác đồ cấp cứu, điều trị một số bệnh truyền nhiễm gây dịch và hướng dẫn thực hiện tại các cơ sở y tế trong phạm vi cả nước.

4. Vụ Kế hoạch - Tài chính

Tổng hợp, huy động, điều phối và đáp ứng các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch từ ngân sách nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ.

5. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ

a) Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền về phòng chống bệnh truyền nhiễm gây dịch. Phối hợp với Cục Y tế dự phòng Việt Nam, các cơ quan tuyên truyền triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền, thông báo tình hình dịch;

b) Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương trong việc tổ chức các đợt tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh.

6. Các Viện: Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang, Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên

a) Chỉ đạo các địa phương tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện, xác định nguyên nhân gây bệnh, nguồn lây, chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây dịch. Tổ chức các lớp tập huấn phòng chống dịch cho các địa phương trong khu vực phụ trách;

b) Chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, thiết bị, vật tư chuyên dụng để triển khai các hoạt động chống dịch, thành lập các đội chống dịch sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có dịch xảy ra.

[...]