Kế hoạch 408/KH-BYT năm 2014 tăng cường truyền thông phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm mùa hè do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 408/KH-BYT
Ngày ban hành 08/05/2014
Ngày có hiệu lực 08/05/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 408/KH-BYT

Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG TRUYỀN THÔNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH, BỆNH TRUYỀN NHIỄM MÙA HÈ

Thời tiết đang chuyển từ mùa xuân sang mùa hè, nắng nóng, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh phát sinh, phát triển, dễ lây lan như: tiêu chảy, bệnh tả, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, viêm màng não mô cầu, thủy đậu, quai bị, rubella, cúm, sởi, tay chân miệng... Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, mọi người đều có thể mắc các bệnh, dịch truyền nhiễm, nhưng đối tượng dễ mắc nhất vẫn là trẻ em. Các nghiên cứu cho thấy, bệnh tiêu chảy thường gặp ở trẻ em từ 6 đến 12 tháng tuổi; bệnh tay, chân, miệng thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi (chiếm đến 91% số mắc); thủy đậu thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi (chiếm 90%); viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ từ 3 đến 5 tuổi... Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch của trẻ em đang hoàn thiện, lại chưa có ý thức trong phòng bệnh, khi mắc bệnh dễ lây lan ra cộng đồng. Trong khi đó, công tác phòng, chống các loại dịch, bệnh truyền nhiễm gặp nhiều khó khăn do điều kiện vệ sinh môi trường, ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân chưa cao.

Để chủ động phòng, chống nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong dịp hè và triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch theo Hướng dẫn triển khai hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe năm 2014 (số 1018/BYT-TT-KT ngày 10/3/2014, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch tăng cường truyền thông phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm mùa hè với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm để nâng cao nhận thức của người dân thay đổi hành vi có lợi cho sức khoẻ; đồng thời kêu gọi các cấp, cách ngành, các tổ chức xã hội ủng hộ và chủ động tham gia công tác phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm; chú trọng nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức sao cho phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền và nhóm đối tượng.

2. Lồng ghép đưa nội dung phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm mùa hè vào các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, vào các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và cộng đồng nhằm ngăn chặn, khống chế không để các dịch bệnh xảy ra.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Chủ đề: "Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè"

2. Thời gian thực hiện: Từ tháng 5/2014 đến tháng 9/2014

3. Một số dịch, bệnh truyền nhiễm thường gặp trong mùa hè (bệnh sởi, bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh thủy đậu, bệnh rubella, bệnh bại liệt, bệnh dại, bệnh quai bị, bệnh cúm A, bệnh viêm não vi rút, bệnh viêm não Nhật Bản, bệnh viêm màng não do não mô cầu, bệnh tiêu chảy, bệnh tả, bệnh thương hàn...).

4. Giải pháp

4.1. Tiếp tục triển khai các kế hoạch, chương trình, hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, truyền thông phòng, chống dịch bệnh đã được phê duyệt.

4.2. Phối hợp với các cấp, các ngành và chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ, đồng bộ về công tác phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm; huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội để chủ động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm mùa hè; tham mưu chính quyền để phân công rõ trách nhiệm cho từng cá nhân, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

4.3. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, trong đó tập trung các nội dung, hình thức truyền thông hướng đến các gia đình có trẻ em dưới 10 tuổi; cách phát hiện các loại dịch, bệnh truyền nhiễm, các biện pháp phòng, chống tại cộng đồng. Khuyến khích người dân chủ động tham gia vào công tác vệ sinh môi trường, dọn dẹp phế thải, phun thuốc diệt muỗi, ngủ màn; tiêm vắc-xin phòng bệnh theo quy định của ngành y tế... Đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện chế độ ăn uống hợp lý về dinh dưỡng, vệ sinh ăn chín, uống chín, lựa chọn thực phẩm tươi sạch; rửa tay với nước sạch bằng xà-phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh... nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ gây phát sinh, phát triển các dịch, bệnh truyền nhiễm trong mùa hè.

4.4. Huy động sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường đưa tin, bài, phóng sự phản ánh các hoạt động phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, thường xuyên cập nhật thông tin và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí; kịp thời biểu dương những cá nhân, đơn vị, địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm

4.5. Xây dựng các sản phẩm truyền thông đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung ngắn gọn sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, nhóm đối tượng; lồng ghép truyền thông phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tổ chức thi tìm hiểu về đề tài phòng, chống dịch bệnh; tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm nhằm đưa hoạt động truyền thông phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

4.6. Các đơn vị trong ngành y tế tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở y tế, trong trường học, trong cộng đồng; theo dõi chặt chẽ tình hình và diễn biến dịch, bệnh truyền nhiễm để kịp thời tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống và ứng phó kịp thời. Thường xuyên theo dõi, giám sát dịch, bệnh truyền nhiễm, nhất là các ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thu dung, phân tuyến điều trị và khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa sự lây lan của dịch, bệnh truyền nhiễm.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU

1. Định kỳ cập nhật thông tin, cung cấp thông tin cho Lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội tại Trung ương và địa phương bằng nhiều hình thức: tờ tin, tài liệu chuyên đề, báo cáo, hội nghị, hội thảo...

2. Xây dựng các phóng sự, tin bài về nguyên nhân, cách phòng ngừa và tình hình các dịch, bệnh truyền nhiễm mùa hè để phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các Đài phát thanh và truyền hình địa phương, hệ thống phát thanh xã phường và trong các cơ sở y tế.

3. Tổ chức tập huấn cung cấp thông tin và định hướng lập kế hoạch truyền thông nguy cơ phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm cho Ban chỉ đạo các cấp từ Trung ương đến các tỉnh/thành phố;

4. Tập huấn cho cán bộ truyền thông, cán bộ quản lý cấp tỉnh về nội dung, kế hoạch tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm.

5. Tập huấn cho phóng viên báo chí; tổ chức họp báo cung cấp thông tin, đưa phóng viên các báo, đài đi thực tế tại một số địa bàn trọng điểm để thu thập thông tin; định kỳ cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương.

6. Xây dựng các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng: thông điệp trên truyền hình, truyền thanh, trên các báo; tờ rơi; Pano, apphich; tài liệu hỏi - đáp để tuyên truyền trên các đài, báo Trung ương và cung cấp cho các địa phương thực hiện tuyên truyền.

7. Mở các chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm trên các tờ báo của ngành và trên các cơ quan báo chí khác như báo in, báo điện tử, tạp chí.

8. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục cung cấp thông tin phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm trên các báo Sức khỏe và Đời sống, Gia đình và Xã hội, Tạp chí Nâng cao sức khỏe.

9. Tổ chức các buổi mít tinh, các buổi tọa đàm, đối thoại, giao lưu với các nhà quản lý chương trình, các chuyên gia y tế về cách phòng, chống các dịch, bệnh truyền nhiễm mùa hè phát trên sóng phát thanh, truyền hình, trên báo điện tử, trang tin điện tử có đông độc giả.

[...]