Chỉ thị 03/2008/CT-BYT về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa Đông - Xuân do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Số hiệu | 03/2008/CT-BYT |
Ngày ban hành | 29/01/2008 |
Ngày có hiệu lực | 29/01/2008 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Nguyễn Quốc Triệu |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế |
BỘ
Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2008/CT-BYT |
Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2008 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRONG MÙA ĐÔNG – XUÂN
Trong thời gian qua, các bệnh truyền nhiễm gây dịch bệnh nguy hiểm tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt các bệnh cúm A (H5N1), Sốt xuất huyết, Tả, Viêm não do vi rút, Ebola, Sốt thung lũng Rift …
Tại Việt Nam, năm 2007 các trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) vẫn tiếp tục ghi nhận ở một số địa phương trong cả nước, bệnh sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở mức độ cao đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm trong đó có nguyên nhân do phẩy khuẩn tả đã bùng phát ở một số tỉnh phía Bắc, các vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật vẫn xảy ra tại một số địa phương.
Thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; để chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa Đông – Xuân và Tết nguyên đán Mậu Tý, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:
1. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo việc giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là Tả, cúm A (H5N1), Sốt xuất huyết, …, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm, củng cố các đội cơ động chống dịch sẵn sàng triển khai nhiệm vụ;
b) Chỉ đạo các cơ sở điều trị trên địa bàn quản lý chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị … để kịp thời chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân trong trường hợp xảy ra dịch lớn. Đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân;
c) Đối với các địa phương có cửa khẩu quốc tế, cần kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, vùng có ổ dịch cũ, không để dịch bệnh xâm nhập. Cơ quan kiểm dịch phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành trong việc kiểm tra giám sát gia cầm, thực phẩm nhập khẩu và vận chuyển qua biên giới;
d) Chỉ đạo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh/thành phố trong việc phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm để người dân hiểu và tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng;
e) Báo cáo kịp thời Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về diễn biến tình hình bệnh truyền nhiễm gây dịch và chủ động phòng chống dịch bệnh tại địa phương. Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc huy động mọi nguồn lực của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
g) Thực hiện nghiêm túc Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch ban hành kèm theo Quyết định số 4880/2002/QĐ-BYT ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
h) Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc triển khai công tác phòng chống dịch, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phát hiện, khai báo, xử lý dịch cúm A (H5N1);
i) Trong dịp nghỉ Tết nguyên đán Mậu Tý phải tổ chức trực dịch 24/24 giờ để theo dõi, nắm tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị trực dịch theo đúng quy định.
2. Cục Y tế dự phòng và Môi trường có trách nhiệm:
a) Phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur theo dõi sát diễn biến tình hình các bệnh truyền nhiễm, tham mưu kịp thời cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên phạm vi toàn quốc;
b) Trong dịp nghỉ Tết nguyên đán Mậu Tý phải tổ chức trực dịch 24/24 giờ trong ngày để theo dõi, nắm tình hình dịch bệnh xảy ra trên toàn quốc.
3. Cục Quản lý khám, chữa bệnh có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo phân tuyến điều trị. Đảm bảo tốt việc tiếp nhận, cấp cứu, điều trị và cách ly bệnh nhân, tăng cường cơ sở điều trị trong trường hợp dịch lan rộng, kéo dài;
b) Chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết cho công tác điều trị. Hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ chuyển độ nặng và tử vong.
4. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng: công tác truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, các bệnh dịch truyền qua thực phẩm. Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có vụ ngộ độc thực phẩm, xảy ra;
b) Chỉ đạo và tăng cường công tác giám sát nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh dịch truyền qua thực phẩm;
c) Chỉ đạo và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong phạm vi cả nước, đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, thức ăn chế biến sẵn, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, kem, nước đá, các cơ sở kinh doanh ăn uống, thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể.
5. Vụ Kế hoạch – Tài chính có trách nhiệm:
Tổng hợp và điều phối các nguồn lực của ngân sách Nhà nước, tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế cho công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm gây dịch, sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị, địa phương phòng chống dịch bệnh khi có yêu cầu.
6. Vụ Pháp chế, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe có trách nhiệm:
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng chống bệnh truyền nhiễm gây dịch đặc biệt là bệnh cúm A (H5N1), Tả, Sốt xuất huyết và các bệnh thường xuất hiện vào mùa Đông - Xuân. Tăng cường tuyên truyền vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân. Phối hợp với các đơn vị chuyên môn và các cơ quan tuyên truyền triển khai tốt các hoạt động tuyên truyền, thông tin, thông báo tình hình dịch.