Chương trình hành động 03/CTHĐ-UBND năm 2013 thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông" do tỉnh Thái Bình ban hành

Số hiệu 03/CTHĐ-UBND
Ngày ban hành 11/07/2013
Ngày có hiệu lực 11/07/2013
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Phạm Văn Sinh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CTHĐ-UBND

Thái Bình, ngày 11 tháng 7 năm 2013

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 18-CT/TW NGÀY 04/9/2012 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ "TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA VÀ KHẮC PHỤC ÙN TẮC GIAO THÔNG"

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/03/2013 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông"; Thông tri số 30-TT/TU ngày 11/3/2013 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình hành động với những nội dung cụ thể sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 của Chính phủ; Thông tri số 30-TT/TU ngày 11/3/2013 của Tỉnh ủy, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, tổ chức mạng lưới giao thông thông suốt. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, phấn đấu hàng năm giảm từ 5% đến 10% trên cả ba tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương, không để xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ, ùn tắc giao thông, đua xe trái phép.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật giao thông; xây dựng văn hoá giao thông cho người tham gia giao thông.

- Nâng cao nhận thức và vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên tuyến giao thông.

- Huy động mọi nguồn lực xã hội để bảo đảm điều kiện phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh.

II. YÊU CẦU

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 của Chính phủ, Thông tri số 30-TT/TU ngày 11/3/2013 của Tỉnh ủy nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải coi công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục; huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội; ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng.

- Bảo đảm các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 của Chính phủ, Thông tri số 30-TT/TU ngày 11/3/2013 của Tỉnh ủy. Các ngành chức năng bố trí lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

- Đưa mục tiêu kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, giảm thiểu đến mức thấp nhất số người chết do tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt và phải được xác định rõ trong chương trình công tác hàng năm của địa phương, đơn vị.

- Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, phấn đấu hàng năm giảm từ 5% đến 10% trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Tổ chức quán triệt sâu sắc đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện, tích cực vận động gia đình và người thân chấp hành nghiêm túc các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Đưa tiêu chí việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một tiêu chuẩn đánh giá kết quả công tác hàng năm của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công nhân viên; động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt, đấu tranh phê phán các hành vi vi phạm.

2. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các tầng lớp nhân dân. Nội dung, hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phù hợp, tạo được dư luận quần chúng phê phán, đấu tranh với những người có hành vi vi phạm; nêu gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Các cấp, các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền sâu rộng các quy định, nguyên tắc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nguyên nhân xảy ra tai nạn; phối hợp phổ biến, hướng dẫn các kỹ năng tham gia giao thông an toàn, phòng tránh tai nạn giao thông cho người tham gia giao thông; văn hoá ứng xử của người dân khi tham gia giao thông nhằm tạo môi trường giao thông an toàn và thân thiện. Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào sinh hoạt định kỳ, là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là tiêu chí để bình xét thi đua trong các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể; đưa việc xây dựng "Văn hoá giao thông" vào nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư" để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện.

3. Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông.

- Chỉ đạo, kiểm tra công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa và quản lý hoạt động vận tải. Đặc biệt, kiểm tra điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm định để bảo đảm phương tiện tham gia giao thông đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật. Kiên quyết đình chỉ những phương tiện không bảo đảm kỹ thuật, hết niên hạn sử dụng.

- Tăng cường công tác tổ chức giao thông, rà soát, bổ sung, điều chỉnh hợp lý, bố trí đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ, tăng cường xây dựng các biển báo điện tử; sửa chữa, làm mới việc lắp đặt dải phân cách bảo đảm an toàn giao thông cho người dân khi tham gia giao thông. Chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các "Điểm đen" về tai nạn giao thông.

- Chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép, điều khiển phương tiện giao thông cơ giới; không dừng lại ở việc học thủ thuật mà phải giảng dạy và kiểm tra các kỹ năng, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giao thông; tập trung vào những giờ cao điểm, những địa bàn phức tạp về trật tự an toàn giao thông; xử lý những lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đi sai phần đường, làn đường, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật; chở quá tải, không đủ trang thiết bị an toàn theo quy định; người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn hoặc bằng cấp chứng chỉ chuyên môn không hợp lệ, sử dụng các chất có nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Kiên quyết đình chỉ hoạt động kinh doanh vận tải đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và bảo đảm an toàn giao thông. Nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào việc xử phạt vi phạm; xử lý nghiêm đối với cán bộ, nhân viên vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

- Nâng cao chất lượng điều tra, xử lý các vụ vi phạm về trật tự an toàn giao thông, kiên quyết khởi tố đối với những trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, không dân sự hoá các vụ việc vi phạm Luật Giao thông gây chết người. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật để đưa ra xét xử lưu động, góp phần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

4. Quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, bảo đảm diện tích dành cho hạ tầng giao thông. Có kế hoạch rà soát, bảo dưỡng, sửa chữa, phân luồng hạn chế nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Tổ chức khoán quản địa bàn, tuyến đường, đề cao trách nhiệm và thực hiện đầy đủ chức năng quản lý Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các đơn vị, cá nhân vận tải hành khách công cộng, giảm sự gia tăng các phương tiện cá nhân ở khu vực thành phố.

[...]