Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2013 về tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Số hiệu | 03/CT-UBND |
Ngày ban hành | 18/01/2013 |
Ngày có hiệu lực | 18/01/2013 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bắc Ninh |
Người ký | Nguyễn Nhân Chiến |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-UBND |
Bắc Ninh, ngày 18 tháng 01 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH.
Trong thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét; sự phối hợp liên ngành được triển khai có hiệu quả, công tác truyền thông giáo dục được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại: Việc kiểm soát các nguồn cung cấp thực phẩm còn nhiều sơ hở; việc sử dụng, kinh doanh các hóa chất, phụ gia không đúng quy định trong chế biến, bảo quản thực phẩm vẫn còn phổ biến, nhất là với các cơ sở sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ; tình trạng hàng thực phẩm giả, kém chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc quản lý kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại các chợ, đường phố còn nhiều yếu kém; tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể vẫn xảy ra; các quy định điều chỉnh của pháp luật chưa đủ sức răn đe ngăn chặn các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng chưa cao; hệ thống tổ chức, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế. UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm thiết lập trật tự kỷ cương trong việc quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, thực hiện các quy định của Luật An toàn thực phẩm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan thành lập ngay các đoàn thanh tra liên ngành để thực hiện các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm: Số 17/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 28/12/2012 về việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm năm 2013; số 18/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 28/12/2012 về việc triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013.
Các đoàn thanh tra liên ngành tập trung kiểm tra những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như rượu, mứt, bánh kẹo, thực phẩm, gia súc, gia cầm, thủy hải sản; đặc biệt thanh, kiểm tra việc chế biến thực phẩm ngay tại các chợ, siêu thị, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp, các trường học và dịch vụ thức ăn đường phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm.
2. Các sở, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định số 1151/QĐ-UBND ngày 28/8/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch hành động giai đoạn 2011 – 2015 của tỉnh Bắc Ninh thực hiện Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm. Các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được phân công, xây dựng kế hoạch giai đoạn và hằng năm để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, đạt các chỉ tiêu đề ra. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong đơn vị, trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, tái diễn do buông lỏng quản lý, không tuân thủ pháp luật, thì phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật.
3. Tăng cường công tác thông tin - giáo dục - truyền thông về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có kiến thức và kỹ năng chọn lựa, sử dụng và bảo quản thực phẩm đảm bảo an toàn. Triển khai thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền trong “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” và các tháng cao điểm trong năm để huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia vào công tác an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các dịch bệnh do ăn uống gây ra.
4. Tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về an toàn thực phẩm cho cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Nhanh chóng kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiện toàn hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực của các sở, ngành trong tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
5. Tăng cường tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, chú ý đối với các cơ sở thực phẩm quy mô nhỏ, các cơ sở do tuyến huyện và xã quản lý. Tăng cường giáo dục ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.
6. Tăng cường quản lý, hướng dẫn các các cơ sở, doanh nghiệp trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất rau quả, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, thủy hải sản; quản lý chặt chẽ việc kinh doanh chất phụ gia thực phẩm; sắp xếp lại các khu vực kinh doanh thực phẩm trong các chợ. Đẩy nhanh tiến độ và thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh theo quy định; thực hiện công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
7. Tăng cường đầu tư về ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị đáp ứng được yêu cầu kiểm soát an toàn thực phẩm. Xã hội hoá các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, huy động sự tham gia của các cơ quan, các tổ chức, đoàn thể xã hội và nhân dân tham gia hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của các tổ chức cá nhân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt chỉ thị này; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương./.
|
CHỦ TỊCH |