Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2015 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới do tỉnh Bắc Giang ban hành
Số hiệu | 03/CT-UBND |
Ngày ban hành | 20/01/2015 |
Ngày có hiệu lực | 20/01/2015 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bắc Giang |
Người ký | Nguyễn Văn Linh |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-UBND |
Bắc Giang, ngày 20 tháng 01 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội quan tâm, hành lang pháp lý từng bước được hoàn thiện, hoạt động liên ngành trong kiểm soát “chuỗi thực phẩm” được tăng cường, công tác giáo dục truyền thông được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng thực phẩm, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ một số hạn chế và gặp nhiều thách thức như: Kiến thức và thực hành đúng của một bộ phận người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm còn hạn chế; ô nhiễm thực phẩm và tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản thực phẩm vẫn còn tồn tại; thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường; tình hình ngộ độc thực phẩm có xu hướng diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng tại các bếp ăn tập thể, tiệc cỗ đông người; việc quảng cáo thực phẩm không đúng sự thật, nhất là thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng đã và đang gây bức xúc dư luận xã hội. Nguyên nhân của những tồn tại trên là do công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm còn hạn chế; đặc biệt ở tuyến xã, phường chưa kiểm soát được quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công; công tác phối hợp liên ngành ở một số địa phương chưa chặt chẽ, năng lực quản lý an toàn thực phẩm còn yếu kém; nhận thức và ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm ở một số địa phương triển khai chưa thực sự quyết liệt, chưa hiệu quả.
Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Sở Y tế
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, các sở ngành liên quan và UBND huyện, thành phố tổ chức, triển khai tốt “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 15 tháng 5 hàng năm để nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia vào công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
b) Triển khai quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên; thực phẩm chức năng; kinh doanh dịch vụ ăn uống; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định của pháp luật.
c) Xây dựng, củng cố hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm từ tỉnh đến thôn, bản, tổ dân phố; tăng cường giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, kịp thời khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
d) Phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức quản lý và giám sát chất lượng nguồn nước sạch sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ăn uống, sinh hoạt; cần tập trung kiểm tra, giám sát có hiệu quả đối với các nguồn nước sạch cung cấp cho các khu đô thị, khu công nghiệp, các hệ thống cấp nước tập trung.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông sản, thủy sản an toàn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương; tiếp tục xây dựng và phát triển, nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và khai thác nông lâm thủy sản an toàn và quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi.
b) Tăng cường thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát ô nhiễm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản đối với quá trình sản xuất ban đầu nhỏ lẻ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; các cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; cơ sở cung cấp nước sạch sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt của nhân dân.
c) Tăng cường kiểm soát đối với hoạt động thu gom, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản thực phẩm, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Triển khai các biện pháp phòng ngừa bệnh, dịch cho đàn vật nuôi, cây trồng, nhất là các bệnh, dịch có khả năng lây truyền từ gia súc, gia cầm, thủy cầm sang người.
d) Phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến khoa học kỹ thuật tiên tiến về bảo đảm an toàn thực phẩm cho các hộ nông dân sản xuất nông sản thực phẩm, hướng dẫn người sản xuất về tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế và trong nước để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình sản xuất - kinh doanh - tiêu dùng thực phẩm theo chuỗi.
3. Sở Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND huyện, thành phố tăng cường kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm giả, gian lận thương mại, thực phẩm không rõ nguồn gốc và nhập lậu, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hoá; quản lý có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
b) Tăng cường thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát; sữa chế biến; dầu thực vật; sản phẩm chế biến bột và tinh bột; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Kịp thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
c) Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện, thành phố kiểm soát chặt chẽ đối với các làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm, bảo đảm vừa duy trì và phát triển nghề truyền thống, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; xây dựng, triển khai rộng rãi các mô hình điểm và tổ chức kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với các sở liên quan, Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm; phổ biến kiến thức, khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn. Kịp thời thông tin, đăng tải những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phê phán và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
b) Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thông tin, quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan, tránh gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng xấu trong xã hội; chấn chỉnh hoạt động quảng cáo đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; nghiêm cấm việc đăng tin, quảng cáo quá mức, không đúng sự thật, quảng cáo không theo nội dung đã được xác nhận.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chỉ đạo các trường học tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm cho học sinh, sinh viên; chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống trong trường học; kiên quyết không để các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống không đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoạt động kinh doanh trong các trường học.
b) Phối hợp với Sở Y tế triển khai công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trong các trường học; xây dựng mô hình “bếp an toàn thực phẩm” trong trường học gắn với tiêu chí thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
6. Ban Quản lý các khu công nghiệp
a) Hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; các doanh nghiệp tổ chức bếp ăn tập thể có trách nhiệm xây dựng hệ thống tự kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm. Vận động các doanh nghiệp thành lập bếp ăn tập thể tại chỗ, nâng cao chất lượng suất ăn nhằm đảm bảo suất ăn đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho người lao động.
b) Phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc ngành y tế triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các khu, cụm công nghiệp; 100% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và tổ chức bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp chấp hành đúng quy định của pháp luật về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.