Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2008 chấn chỉnh việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của các cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Sơn La

Số hiệu 03/CT-UBND
Ngày ban hành 15/01/2008
Ngày có hiệu lực 15/01/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Hoàng Chí Thức
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Sơn La, ngày 15 tháng 01 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ CHẤN CHỈNH VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

Thời gian qua, công tác thông tin, báo cáo nhìn chung đã góp phần đảm bảo sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và các huyện, thị. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo vẫn còn nhiều hạn chế: thông tin chậm, chưa đầy đủ, thậm chí không có báo cáo; việc phối hợp trao đổi thông tin giữa các sở, ban, ngành và với Văn phòng UBND tỉnh có việc còn mang tính hình thức; nội dung báo cáo còn sơ sài, chất lượng thấp, thiếu tính tổng hợp; phương thức gửi, nhận báo cáo còn lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu, cá biệt có những trường hợp báo cáo theo kiểu đối phó, qua loa, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại nêu trên là do Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, báo cáo trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách; buông lỏng trong công tác kiểm duyệt thông tin, báo cáo; kỷ luật thông tin, báo cáo còn chưa nghiêm; công tác thông tin, báo cáo còn chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung và đổi mới cho phù hợp với yêu cầu quản lý trong tình hình mới; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thông tin, báo cáo chưa được chú trọng và còn thiếu đồng bộ; đội ngũ cán bộ phụ trách công tác thông tin, báo cáo ít được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, kỹ năng thu thập, xử lý thông tin và biên tập báo cáo còn nhiều hạn chế, không được thay đổi, luân chuyển hoặc nhắc nhở.

Để khắc phục những tồn tại, yếu kém và hạn chế trong công tác thông tin, báo cáo thời gian qua; tăng cường kỷ cương, hiệu lực và hiệu qủa quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tình hình mới, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm

a) Chấn chỉnh và đổi mới công tác thông tin, báo cáo trong cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan với nhau; bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

b) Rà soát, củng cố, tăng cường bộ phận cán bộ chuyên trách làm công tác thông tin, báo cáo; tổ chức tập huấn, đào tạo để nâng cao trình độ thu thập, xử lý thông tin, biên tập báo cáo. Có phương án thay thế ngay những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu.

c) Chấp hành nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; coi kết quả chấp hành chế độ thông tin, báo cáo là tiêu chí đánh giá chất lượng công tác của cá nhân, tổ chức; kiểm điểm xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không chấp hành hoặc thực hiện không nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định (gắn với thực hiện Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ về Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức).

d) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông tin, báo cáo; từng bước sử dụng văn bản điện tử để thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin.

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình thực hiện công tác thông tin, báo cáo của đơn vị mình, kể cả khi đã phân công hoặc ủy nhiệm cho cấp phó.

2. Một số yêu cầu cụ thể đổi với chế độ thông tin, báo cáo

2.1. Báo cáo chung thường kỳ

Các sở, ban, ngành thuộc, UBND các huyện, thị xã phải gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh những thông tin, báo cáo sau:

a) Báo cáo tháng (áp dụng đối với các tháng trong năm, trừ tháng cuối quý), gửi chậm nhất ngày 22 hàng tháng, nội dung phải phản ánh được:

- Tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội, Ngân sách nhà nước, nhiệm vụ công tác chuyên môn thuộc ngành, địa phương mình;

- Tình hình và kết quả thực hiện chương trình công tác, các quyết định, chỉ thị, kết luận chỉ đạo của UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh đã nêu trong tháng;

- Phương hướng, nhiệm vụ, chương trình công tác của tháng tiếp theo;

- Báo cáo phải cụ thể, nêu rõ những điểm làm được, chưa làm được, nguyên nhân và những kiến nghị với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh (có so sánh với tháng trước, cùng kỳ năm trước và có lũy kế);

- Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25 hàng tháng để kịp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Báo cáo quý, gửi chậm nhất ngày 20 tháng cuối quý, nội dung phải phản ánh được:

- Kết qủa thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch, thu chi Ngân sách nhà nước của ngành, lĩnh vực; những chương trình, dự án của ngành, địa phương; việc thực hiện các công việc nêu trong chương trình công tác của UBND tỉnh, các chương trình trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, về nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ mà ngành được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức thực hiện.

- Đánh giá tình hình thực hiện chức năng quản lý ngành và địa phương, những kết quả đạt được, thiếu sót tồn tại và biện pháp cần cải tiến để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước; những kiến nghị với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

- Dự kiến nhiệm vụ chủ yếu của ngành, địa phương trong quý tới.

- Báo cáo phải có số liệu so sánh với cùng kỳ năm trước và có số lũy kế.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25 tháng 3 và tháng 9 để kịp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Báo cáo 6 tháng đầu năm, gửi chậm nhất ngày 12 tháng 6, nội dung phải phản ánh được:

- Kết qủa thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch, thu chi Ngân sách nhà nước của ngành, lĩnh vực; những chương trình, dự án của ngành, địa phương; việc thực hiện các công việc nêu trong chương trình công tác của UBND tỉnh, các chương trình trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, về nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ mà ngành được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức thực hiện.

[...]