Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 03/2013/CT-CTUBND tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 03/2013/CT-CTUBND
Ngày ban hành 14/03/2013
Ngày có hiệu lực 24/03/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Phùng Quang Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2013/CT-UBND

Vĩnh Yên, ngày 14 tháng 03 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn Tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, hoạt động khoáng sản từng bước được chấn chỉnh, dần đi vào nề nếp và góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tuy nhiên công tác quản lý hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Công tác quy hoạch khai thác, sử dụng khoáng sản còn chậm, chất lượng chưa cao; công tác quản lý khai thác khoáng sản chưa tốt, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khai thác quá công xuất vẫn còn xảy ra; một số tổ chức, cá nhân khai khoáng sản làm sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, vi phạm Luật Đê điều, vận chuyển khoáng sản quá tải trọng làm hư hỏng các công trình giao thông, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do: Chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong quản lý hoạt động khoáng sản, một số xã, phường, thị trấn chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về khoáng sản chưa được thực hiện thường xuyên, kém hiệu quả; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của một số đơn vị được cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản chưa tốt. Nhiều đối tượng khai thác khoáng sản trái phép đã bị ngăn chặn, xử phạt nhưng vẫn tái phạm.

Để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong việc quản lý, khai thác khoáng sản, lập lại kỷ cương đưa công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật. Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành, thị, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản có liên quan nhằm làm chuyển biến nhận thức của các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào những nội dung:

a) Tập trung tuyên truyền trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ khoáng sản khoáng sản chưa khai thác; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản; điều kiện chuyển nhượng và thẩm quyền cho phép chuyển nhượng đất hoạt động khoáng sản; thẩm quyền cho phép khai thác đất, hạ cốt theo quy định của Luật Đất đai;

b) Tuyên truyền các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản cho người dân hiểu các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng khoáng sản, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với quá trình xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức rà soát, kiểm tra hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động khoáng sản; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đề ra biện pháp xử lý trình cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính về thăm dò, khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý đất đai đặc biệt là việc chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp cho hoạt động khoáng sản.

5. Đẩy nhanh công tác quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.

6. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, môi trường liên quan đến hoạt động khoáng sản; xử phạt nghiêm các vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, vận chuyển quá tải trọng, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là đất san lấp, cát sỏi Sông Lô và Sông Phó Đáy).

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

8. Tổ chức Thực hiện:

8.1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Triển khai Luật Khoáng sản năm 2010, Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản đến Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong năm 2013;

Phối hợp với Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành, thị tổ chức tuyên truyền, phổi biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản cho quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh;

b) Xây dựng Quy định về trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành và tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành trong năm 2013;

c) Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành, thị, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, các nhân trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông và đất san lấp); xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường liên quan đến hoạt động khoáng sản;

d) Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh trình Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt trong năm 2013;

e) Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp đối với các đơn vị khai thác vi phạm pháp luật khoáng sản, gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường, không đảm bảo an toàn lao động, có nguy cơ xảy ra sự cố, đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

g) Sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính về hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền.

8.2. Sở Xây dựng

a) Công bố, công khai quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; chủ trì phối hợp với các cấp, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch được phê duyệt.

b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

8.3. Sở Công thương

a) Sớm hoàn thành quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản nhóm nguyên liệu caolin, fenspat, set caolin trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến năm 2020; lập Dự án quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng than bùn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt năm 2013 để phục vụ cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng các loại khoáng sản trên cho phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

[...]