Chỉ thị 03/2011/CT-UBND tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 03/2011/CT-UBND
Ngày ban hành 04/07/2011
Ngày có hiệu lực 14/07/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Chẩu Văn Lâm
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2011/CT-UBND

Tuyên Quang, ngày 04 tháng 7 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong 04 năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tích cực và kiên quyết về công tác an toàn giao thông. Các cấp, các ngành trong tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong tổ chức thực hiện. Qua đó, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh từ năm 2007 đến năm 2009 có những chuyển biến tích cực, đã kiềm chế và giảm đáng kể tai nạn giao thông (TNGT) năm sau so với năm trước cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Tuy nhiên, tình hình TNGT năm 2010 có chiều hướng gia tăng, trong những tháng đầu năm 2011 đã liên tiếp xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của nhân dân (theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong Quý I/2011 đã xảy ra 22 vụ (TNGT), làm chết 16 người, bị thương 28 người. So với Quý I/2010 số vụ TNGT tăng 7 vụ, số người chết tăng 6 người, số người bị thương tăng 16 người). Dự báo tình hình TTATGT trong thời gian tới còn nhiều diễn biến phức tạp, có nguy cơ tiếp tục gia tăng tai nạn, đặc biệt là tai nạn do xe mô tô, xe gắn máy.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do trong quá trình tổ chức thực hiện các giải pháp đảm bảo TTATGT vẫn còn một số hạn chế như: Hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, một số "điểm đen" chưa được quan tâm xử lý triệt để; công tác quản lý có nơi, có lúc còn buông lỏng, chưa sâu sát với tình hình; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác ATGT chưa chặt chẽ; công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu, rộng ở tất cả các địa bàn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến một bộ phận nhân dân thiếu hiểu biết pháp luật về giao thông; việc xử lý người vi phạm pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) có lúc chưa triệt để, không đảm bảo tính răn đe; một bộ phận người tham gia giao thông mặc dù có hiểu biết pháp luật song do ý thức kém vẫn thường xuyên vi phạm các quy định về TTATGT.

Để khắc phục ngay những tồn tại và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, tiến tới giảm dần TNGT và duy trì nề nếp công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Uỷ ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT đến các cơ quan doanh nghiệp, trường học, khu dân cư để mọi người hiểu biết pháp luật khi tham gia giao thông. Nội dung tuyên truyền tập trung: Luật giao thông đường bộ, Luật giao thông đường thủy nội địa và các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy.

2. Các cấp, các ngành là thành viên Ban ATGT tỉnh:

a) Tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông; Đề án các giải pháp đảm bảo TTATGT ban hành kèm theo Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 14/11/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, trên cơ sở đó chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT và quản lý hành lang an toàn đường bộ.

b) Tiếp tục phát huy và đề cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân lãnh đạo, xác định công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của mình, thực hiện kiên trì và quyết liệt các biện pháp nhằm giảm TNGT trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; thường xuyên bám sát mục tiêu phấn đấu giảm tai nạn giao thông hàng năm trên 5% so với năm trước để có các biện pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời.

c) Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nơi có TNGT tăng trong Quý I năm 2011 cần kiểm điểm, phân tích làm rõ nguyên nhân tăng TNGT, đồng thời có biện pháp chỉ đạo quyết liệt thực hiện mục tiêu kiềm chế TNGT trong thời gian tiếp theo.

3. Sở Giao thông Vận tải (Cơ quan thường trực Ban ATGT tỉnh):

a) Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh và các ngành liên quan căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước về: Niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người; kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và các văn bản chỉ đạo của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và của Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cho từng lĩnh vực cụ thể và hướng dẫn các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả.

b) Tăng cường chỉ đạo công tác duy tu bảo dưỡng đường bộ, nâng cao chất lượng an toàn của các công trình giao thông trước mùa mưa bão hàng năm, rà soát bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông theo quy định; công tác kiểm tra, kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ và đăng ký đăng kiểm kỹ thuật an toàn phương tiện thuỷ nội địa; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, chứng chỉ chuyên môn người điều khiển phương tiện thuỷ nội địa; đẩy nhanh các bước triển khai xây dựng bến xe, điểm đỗ, trạm dừng nghỉ ô tô khách theo quy hoạch; hoàn thành xây dựng Đề án vận tải công cộng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm Quyết định 23/2007/QĐ-BGTVT ngày 07/6/2007 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về thẩm định an toàn giao thông đường bộ. Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh có biện pháp kiểm tra và đề phòng TNGT có thể xảy ra tại các điểm thường hay xảy ra TNGT trên đường bộ, đường thuỷ.

c) Chỉ đạo Thanh tra Giao thông Vận tải và các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và chính quyền địa phương các huyện, thành phố xử lý kiên quyết đối với những trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông, thực hiện các nội dung trọng tâm kế hoạch lập lại TTATGT đường bộ trên địa bàn theo tinh thần Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp các cấp, các ngành giải quyết những vấn đề bất hợp lý về tổ chức giao thông đô thị.

4. Công an tỉnh:

a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát 113, Cảnh sát cơ động, Công an các huyện, thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm TTATGT. Đặc biệt chú ý trong các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng và các ngày nghỉ lễ, tết trong năm; chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: Không có giấy phép lái xe, điều khiển xe chạy quá tốc độ cho phép; tránh, vượt sai quy định; đi không đúng làn đường, phần đường; xe chở quá tải; chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy; vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; không chấp hành báo hiệu đường bộ; điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; đưa phương tiện đã hết niên hạn sử dụng hoặc không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật tham gia giao thông v.v...; thực hiện nghiêm việc thông báo người vi phạm về cơ quan, đơn vị, trường học, nơi cư trú theo Thông tư số 38/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an Quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm về TTATGT và chỉ đạo của UBND tỉnh; đối với các trường hợp vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, điêu tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT; kịp thời kiến nghị với Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành phố và các ngành chức năng khắc phục những "điểm đen", vị trí nguy hiểm và những bất hợp lý trong kết cấu hạ tầng giao thông để chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông.

c) Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác theo dõi, thống kê, phân tích, đánh giá tình hình, trao đổi thông tin về TNGT và các hành vi vi phạm TTATGT xảy ra trên địa bàn để có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Xây dựng kế hoạch để thực hiện kiểm tra, xử lý giải toả các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm và vi phạm vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ tất cả các tuyến đường trên địa bàn quản lý;

b) Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, nghiên cứu bố trí các điểm, vị trí được phép dừng, đỗ xe hoặc cấm dừng, đỗ xe trên các tuyến đường đô thị, khu vực chợ, trường học, bệnh viện theo đúng quy định tại Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/2/2008 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn quản lý đường đô thị.

c) Địa phương có các hộ kinh doanh vận tải thuỷ và kinh doanh bến khách ngang sông, Chủ tịch UBND huyện, thành phố chỉ đạo các hộ kinh doanh phải chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý vận tải và quản lý bến khách ngang sông, thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện và tham gia học tập để được cấp chứng chỉ chuyên môn; xây dựng phương án quản lý phương tiện thủy gia dụng trên địa bàn, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực ATGT đường thuỷ nội địa.

d) Chủ tịch UBND huyện, thành phố và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật về công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn quản lý.

6. Các Sở: Thông tin Truyền thông, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang căn cứ chức năng, nhiệm vụ cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT.

Các cơ quan Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường thời lượng phát sóng trong chuyên mục ATGT, duy trì điểm tin tình hình TTATGT hàng ngày trên Đài Phát thanh - Truyền hình và điểm tin hàng tuần trên Báo.

Sở Giáo dục và Đào tạo duy trì nghiêm công tác giáo dục an toàn giao thông trong các trường học, cấp học. Có biện pháp quản lý và hình thức xử lý kỷ luật đối với học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

7. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức Đoàn thể đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền ở cơ sở, giáo dục các đoàn viên, hội viên và nhân dân trên từng địa bàn dân cư thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông"; cuộc vận động "Văn hóa giao thông'', làm cho mọi người dân hiểu và tự giác thực hiện.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ