THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2012
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT
ĐỘNG THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN, SỬ DỤNG VÀ XUẤT KHẨU KHOÁNG SẢN
Khoáng sản là tài nguyên không tái
tạo, là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện sự nghiệp công nghiệp
hóa - hiện đại hóa đất nước. Trong những năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng
đã có bước phát triển cung cấp nguyên liệu cho nhiều lĩnh vực sản xuất, đóng
góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và góp phần tích cực trong phát triển kinh tế
- xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, thời gian gần đây hoạt động
thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản đã có một số diễn
biến phức tạp. Tình trạng khai thác một số loại khoáng sản như: Vàng sa khoáng,
quặng sắt, titan, đá hoa trắng, cát xây dựng chưa phù hợp nhu cầu thực tế. Số
lượng giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản được cấp gia tăng lớn, trong khi
việc đầu tư các dự án chế biến sâu ít được quan tâm. Trừ một số loại khoáng sản
như: Dầu khí, than đá, đồng, đá vôi xi măng có công nghệ khai thác ở trình độ
tương đối hiện đại, còn lại các khoáng sản khác được khai thác và chế biến bằng
công nghệ cũ, lạc hậu. Tình trạng vi phạm quy định về an toàn lao động và bảo vệ
môi trường còn khá phổ biến. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn tồn
tại ở nhiều địa phương, tập trung chủ yếu vào một số loại khoáng sản như: Than
đá, vàng, titan, thiếc, chì, kẽm, sắt, mangan, cát xây dựng. Việc xuất khẩu lậu
khoáng sản và gian lận thương mại có biểu hiện gia tăng, chưa kiểm soát được đã
gây mất trật tự an ninh xã hội và gây bức xúc trong nhân dân. Hiệu quả công tác
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản còn hạn chế; công tác
thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản chưa được quan tâm
đúng mức. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên một phần là do yếu kém
trong quản lý nhà nước về khoáng sản, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở
trung ương và địa phương còn thiếu chặt chẽ. Việc xử lý những vi phạm trong
thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản còn thiếu nghiêm minh.
Nhằm chấn chỉnh công tác quản lý
nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu
khoáng sản, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ
Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến
năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và triển khai Luật Khoáng sản 2010, Thủ tướng
Chính phủ chỉ thị:
1. Khoáng sản là
tài nguyên không tái tạo phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý,
tiết kiệm, có hiệu quả. Công tác điều tra cơ bản, đánh giá khoáng sản phải đi
trước một bước để làm rõ tiềm năng, giá trị phục vụ cho việc lập quy hoạch, kế
hoạch sử dụng trong từng thời kỳ.
2. Thăm dò, khai
thác khoáng sản phải tính đến nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của đất nước
nhằm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ
môi trường, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa; khai thác khoáng sản nhất thiết
phải gắn với chế biến sâu, sử dụng phù hợp với tiềm năng, giá trị của từng loại
khoáng sản.
3. Chế biến khoáng
sản phải sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm
có giá trị kinh tế cao. Các dự án khai thác, chế biến khoáng sản chỉ được xem
xét cấp phép khi đã có dự án đầu tư và được Hội đồng thẩm định của các Bộ Công
Thương, Xây dựng và Ủy ban nhân dân các địa phương thẩm định theo thẩm quyền, dự
án phải áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến và tăng hiệu quả sử dụng tài
nguyên. Đối với những khoáng sản chưa có công nghệ chế biến hiện đại, bảo đảm
hiệu quả thì kiên quyết dừng lại chưa khai thác.
4. Việc xuất khẩu
khoáng sản phải tuân thủ theo quy định của Chính phủ, không xuất khẩu khoáng sản
thô.
5. Quy hoạch
khoáng sản của cả nước phải phù hợp với Chiến lược khoáng sản trong từng thời kỳ
do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử
dụng khoáng sản của các địa phương phải phù hợp với Quy hoạch khoáng sản chung
của cả nước và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
6. Chủ trương thăm
dò, khai thác, xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng:
a) Than: Tiếp tục cấp phép thăm dò,
khai thác theo quy hoạch. Đầu tư cải tạo, mở rộng một số mỏ than vùng Quảng
Ninh, đồng thời đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ và cải tạo, phục hồi môi
trường sau khai thác. Xem xét lựa chọn công nghệ hợp lý để khai thác thử nghiệm
tại một số khu vực thuộc bể than đồng bằng Sông Hồng, trên cơ sở đó đề xuất giải
pháp khai thác tổng thể bể than giai đoạn sau năm 2020. Thực hiện nghiêm việc
xuất khẩu than theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở
đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài trong nước.
b) Quặng bauxit: Tổ chức triển khai
dự án khai thác mỏ Tân Rai, mỏ Nhân Cơ phục vụ nguyên liệu cho 02 dự án sản xuất
alumina tại Lâm Đồng và Đắk Nông. Việc triển khai các dự án khai thác bauxit và
sản xuất alumina khác thỉ thực hiện sau khi 02 dự án nêu trên đi vào hoạt động
và được đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội. Không cấp phép thăm dò mới đối với
quặng bauxit ở các tỉnh phía Bắc.
c) Quặng sắt: Dừng hoàn toàn việc
xuất khẩu quặng sắt. Tổ chức khai thác có hiệu quả dự án khai thác mỏ sắt Thạch
Khê và các dự án khai thác quặng sắt khác để phục vụ cho các cơ sở sản xuất
gang, thép trong nước. Đối với các mỏ đang khai thác, nếu không bảo đảm hiệu quả
và yêu cầu về môi trường thì cần có phương án đóng cửa mỏ và hoàn thổ theo quy
định.
d) Quặng titan: Không cấp phép thăm
dò, khai thác mới đối với quặng titan sa khoáng. Đối với những mỏ đang khai
thác, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các địa phương tổ chức kiểm
tra, nếu không bảo đảm môi trường thì thu hồi giấy phép, yêu cầu phục hồi môi
trường và đưa vào quy hoạch dự trữ quốc gia. Xây dựng đề án tổ chức thăm dò,
khai thác quy mô lớn, chế biến tập trung, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội để
phát triển ngành công nghiệp titan. Cho phép xuất khẩu khối lượng tinh quặng
ilmenit hiện đang tồn kho đến hết tháng 6 năm 2012. Từ 01 tháng 7 năm 2012,
không xuất khẩu quặng titan chưa qua chế biến sâu và việc xuất khẩu phải được
chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
đ) Quặng chì - kẽm: không xuất khẩu
quặng và tinh quặng chì - kẽm. Tiếp tục thăm dò phần sâu và mở rộng các khu vực
mỏ đang khai thác để bổ sung trữ lượng quặng cho các dự án chế biến đang hoạt động.
Việc thăm dò, khai thác quặng ở các khu vực mới phải gắn với dự án chế biến sâu
thành kim loại chì, kẽm.
e) Quặng cromit: Không xuất khẩu quặng
và tinh quặng. Căn cứ nhu cầu sử dụng sản phẩm chế biến từ quặng cromit trong
các ngành công nghiệp đến năm 2030 để cấp phép khai thác phù hợp với nhu cầu sử
dụng và dự trữ quốc gia.
g) Quặng mangan: Không xuất khẩu quặng
mangan và tinh quặng mangan. Thăm dò khu vực có tiềm năng tại các tỉnh Hà
Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng để khai thác làm nguyên liệu cho dự án chế biến
fero-mangan, dioxit-mangan phục vụ nhu cầu trong nước.
h) Quặng vàng, đồng:
Không xuất khẩu quặng đồng, không cấp phép mới khai thác vàng sa khoáng. Thăm
dò, khai thác đối với mỏ vàng gốc theo hướng gắn với chế biến sâu, sử dụng công
nghệ hiện đại, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Địa phương có trách nhiệm
bảo vệ các mỏ vàng, đồng chưa khai thác. Đối với các mỏ đang khai thác, nếu
không bảo đảm hiệu quả và yêu cầu về môi trường thì phải có phương án kiên quyết
đóng cửa mỏ.
Hoàn thành thăm dò quặng đồng tại tỉnh
Lào Cai để đầu tư thêm và mở rộng cơ sở chế biến đồng kim loại. Việc thăm dò,
khai thác đồng ở các khu vực khác phải gắn với dự án chế biến sâu trong nước.
i) Quặng apatit: Không xuất khẩu quặng
apatit. Thăm dò bổ sung các khu vực mỏ theo quy hoạch. Nghiên cứu công nghệ chế
biến, sử dụng quặng loại 2 để đầu tư sản xuất phân lân, phân lân nung chảy,
DAP, photpho, thức ăn gia súc.
k) Quặng đất hiếm: Hoàn thành thăm
dò các mỏ đất hiếm đã cấp phép; khẩn trương triển khai dự án hợp tác khai thác,
chế biến quặng đất hiếm với công nghệ hiện đại, bảo đảm hiệu quả kinh tế xã hội
và các yêu cầu về môi trường. Việc khai thác, chế biến, xuất khẩu đất hiếm phải
được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
l) Đá hoa trắng, đá granit: Không
xuất khẩu đá khối, tạm dừng việc cấp phép thăm dò, khai thác mới.
m) Công tác cấp phép thăm dò, khai
thác khoáng sản làm xi măng, vật liệu xây dựng thông thường:
- Khoáng sản làm xi măng: Tiếp tục
cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đá vôi, đất sét và phụ gia làm xi măng phục
vụ các dự án xi măng theo các quy hoạch được duyệt.
- Khoáng sản làm vật liệu xây dựng
thông thường: Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục xem xét gia hạn, cấp phép khai
thác các mỏ đá xây dựng, cát xây dựng đối với các mỏ nằm trong quy hoạch, tuân
thủ đầy đủ các điều kiện về an toàn lao động và bảo vệ môi trường.
7. Cho phép tiếp tục
thẩm định, cấp phép đối với các hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản đã tiếp nhận
trước ngày 01 tháng 7 năm 2011, phù hợp với Quy hoạch đã phê duyệt hoặc được Thủ
tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương; có cam kết về địa chỉ sử dụng hoặc gắn với
dự án đầu tư chế biến sâu, đủ điều kiện pháp lý, không trái với các quy định đã
nêu trên.
8. Tổ chức thực hiện
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công
Thương, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực khoáng sản. Rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các thông tư liên
quan hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản, đảm bảo tính đồng bộ
trong triển khai thực hiện. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục
pháp luật về quản lý khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động
khoáng sản và người dân địa phương nơi có khoáng sản.
- Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản
địa chất về khoáng sản trên đất liền và biển, hải đảo. Khoanh định và trình Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; khu
vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm và đình chỉ,
thu hồi giấy phép đối với các trường hợp hoạt động khoáng sản vi phạm pháp luật.
- Thực hiện việc đấu giá quyền khai
thác khoáng sản; khẩn trương triển khai việc thu hồi kinh phí nhà nước đã đầu
tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; triển
khai việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử
lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường.
b) Bộ Công Thương:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát để điều chỉnh,
bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch khoáng sản có các quy định cụ thể về sản phẩm
sau chế biến, áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến; tập trung
khai thác, chế biến sâu theo quy mô công nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã
hội việc sử dụng tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.
- Khẩn trương điều chỉnh, bổ sung
chính sách, tiêu chuẩn xuất khẩu khoáng sản theo hướng quản lý chặt việc xuất
khẩu khoáng sản, không xuất khẩu quặng thô, tinh quặng; thường xuyên tổ chức
thanh tra, kiểm tra thực hiện việc xuất khẩu khoáng sản.
c) Bộ Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương liên quan rà soát, điều chỉnh,
bổ sung, xây dựng mới quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng từng loại, nhóm
khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong cả nước.
- Tăng cường công tác quản lý việc
khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản
xuất xi măng. Việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và xi măng phải gắn
liền với bảo vệ môi trường, cảnh quan và an toàn lao động.
d) Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải
quan tổ chức kiểm tra và có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn việc gian lận thương mại
trong xuất khẩu khoáng sản; đảm bảo thủ tục chặt chẽ; rà soát và ban hành hướng
dẫn việc xử lý khoáng sản bị thu giữ.
đ) Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội
biên phòng phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm
soát, ngăn chặn kịp thời hiện tượng xuất khẩu lậu khoáng sản, đặc biệt là thông
qua đường biển.
e) Bộ Công an chỉ đạo lực lượng
công an (đặc biệt là Công an các tỉnh biên giới), phối hợp chặt chẽ với các cơ
quan chức năng liên quan, nhất là đối với lực lượng Quản lý thị trường, Bộ đội
Biên phòng tăng cường đấu tranh và ngăn chặn các loại tội phạm buôn lậu và gian
lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản.
g) Ban Chỉ đạo 127 chỉ đạo các lực
lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra và ngăn
chặn có hiệu quả việc xuất khẩu lậu khoáng sản và gian lận thương mại trên địa
bàn.
h) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương:
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập
các quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của địa phương; hoàn thành
việc khoanh định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn trong
năm 2012; tổ chức kiểm tra các dự án khai thác trên địa bàn, nếu không bảo đảm
môi trường thì thu hồi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép, yêu
cầu phục hồi môi trường;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân tuân thủ
các quy định của pháp luật về khoáng sản; chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức
năng trên địa bàn (cơ quan Thuế, Quản lý thị trường, Tài nguyên và Môi trường,
Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan) đẩy mạnh việc kiểm tra và ngăn chặn, xử
lý kịp thời việc khai thác, vận chuyển và xuất khẩu khoáng sản trái phép trên địa
bàn.
- Chú trọng việc kiểm tra, kiểm
soát các tuyến đường vận chuyển, bến bãi, cảng biển tập kết khoáng sản; chỉ đạo
và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh việc đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng
sản theo Quy hoạch được duyệt; tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến thu mua, vận
chuyển khoáng sản phục vụ cho chế biến sâu trong nước. Tăng cường quản lý việc
cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn
theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.
i) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với các dự án khai thác
khoáng sản đang hoạt động, đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy phép khai thác
khoáng sản đối với các trường hợp không triển khai dự án chế biến sâu theo cam
kết, khai thác gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường, trực tiếp gây hư hỏng hạ
tầng kỹ thuật, mất an ninh trật tự gây bức xúc cho nhân dân nơi có khoáng sản.
k) Yêu cầu các Bộ, ngành, địa
phương có biện pháp đôn đốc, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh đầu tư các dự án chế
biến sâu khoáng sản, phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt
động khoáng sản trên địa bàn, đảm bảo việc tuân thủ nghiêm túc các quy định của
Luật Khoáng sản năm 2010.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số
26/2008/CT-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục
tăng cường trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác, chế
biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.
Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi
trường, Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công
nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công
an; Ban chỉ đạo 127; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương triển khai, thực hiện nghiêm Chỉ thị này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ủy ban Dân tộc;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b)
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|