Chỉ thị 02/CT-UBND về điều hành thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023 do thành phố Cần Thơ ban hành
Số hiệu | 02/CT-UBND |
Ngày ban hành | 02/03/2023 |
Ngày có hiệu lực | 02/03/2023 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Cần Thơ |
Người ký | Trần Việt Trường |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Cần Thơ, ngày 02 tháng 3 năm 2023 |
VỀ VIỆC ĐIỀU HÀNH THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2023
Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2023 theo Nghị quyết số 45/NQ-HĐND và Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân thành phố đề ra, theo đề nghị của Sở Tài chính tại Công văn số 331/STC-QLNS ngày 08 tháng 02 năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; Thông tư số 78/2022/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023. Cụ thể như sau:
1. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát các Nghị quyết của HĐND thành phố đã ban hành nhưng hết hiệu lực hoặc phần căn cứ pháp lý không còn hiệu lực để tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.
2. Giao sở, ban ngành thành phố chủ động nghiên cứu các văn bản quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành Trung ương ban hành, kịp thời tham mưu văn bản trình HĐND thành phố theo đúng thẩm quyền.
II. ĐIỀU HÀNH THU, CHI NGÂN SÁCH
Tăng cường quản lý thu, chi NSNN; tập trung thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu hợp lý; quản lý chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi; tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có, các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách địa phương để đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách. Cụ thể:
a) Giao Cục trưởng Cục Thuế thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện và Thủ trưởng các đơn vị liên quan triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc tăng cường công tác thu thuế năm 2023.
b) Tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện nghiêm túc Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại; tăng cường công tác quản lý nợ, đôn đốc thu hồi nợ thuế, cưỡng chế thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; thực hiện nghiêm túc hóa đơn điện tử; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; đôn đốc các doanh nghiệp nhà nước nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định; chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước đôn đốc doanh nghiệp nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước số thu cổ tức, lợi nhuận được chia theo cho phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần.
c) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế, việc khai báo tên hàng, mã hàng, thuế suất, trị giá, số lượng,... để phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế. Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, trong đó tập trung vào các lĩnh vực thu từ đất đai; thu từ các dự án hết thời gian ưu đãi, thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số,... kiểm soát hóa đơn tại máy tính tiền của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
d) Tổ chức việc rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện sắp xếp lại, xử lý xe ô tô, máy móc, thiết bị bảo đảm theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Các nhiệm vụ cần quan tâm thực hiện:
- Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tập trung giải quyết kịp thời các thủ tục về đất đai để triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đất công, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thu nộp ngân sách.
- Sở Xây dựng rà soát, chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đẩy mạnh khai thác nguồn thu ngân sách nhà nước từ nguồn bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.
- Sở Giao thông vận tải rà soát, tăng cường khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản là các loại kết cấu hạ tầng giao thông.
- Thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai.
đ) Giao Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố trình Thường trực HĐND thành phố điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất để làm cơ sở hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước đối với trường hợp phát sinh việc nhà đầu tư tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng dự toán đã được cấp có thẩm quyền quyết định chưa bố trí nhiệm vụ chi bồi thường, giải phóng mặt bằng tương ứng.
e) Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp trốn thuế, gian lận thuế, không nộp thuế đúng thời hạn theo quy định của Luật Quản lý thuế. Thu hồi kịp thời số tiền thuế, tiền phạt và các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
g) Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội (thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn thành phố).
a) Chi đầu tư phát triển:
- Căn cứ kế hoạch vốn xây dựng cơ bản năm 2023 được UBND thành phố giao, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành và Chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Thực hiện phân bổ vốn đầu tư công bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội.
- Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu công đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình và phù hợp với khả năng bố trí vốn theo tiến độ thu ngân sách. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; đối với những dự án, công trình thực hiện không đúng tiến độ phải kịp thời quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2023 nhưng chưa được bố trí đủ vốn, trong đó tập trung cho các công trình đã đăng ký hoàn thành trong năm 2023, bảo đảm hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư công.
- Thực hiện nghiêm quy định quyết toán dự án hoàn thành, không để tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công đã hoàn thành nhưng chậm phê duyệt quyết toán; khắc phục tình trạng tạm ứng vốn lớn, tạm ứng chậm thu hồi.
b) Chi thường xuyên:
- Tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, bám sát dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định. Thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng chi không đúng nguồn kinh phí, mua sắm vượt nhu cầu, gây lãng phí NSNN. Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; quản lý các khoản chi mua sắm, sửa chữa chặt chẽ, đúng quy định. Không đề nghị bổ sung các đề án, chương trình, dự án hoặc đề xuất ban hành các chế độ, chính sách chi mới hoặc nâng định mức chi làm tăng chi ngân sách khi chưa có nguồn đảm bảo. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp.
Chủ động sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2023, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và tiền lương, các khoản chi cho con người. Trường hợp phát hiện ngân sách các cấp, đơn vị sử dụng ngân sách tổ chức thực hiện thanh toán, chi trả không đúng chính sách, chế độ, nhất là liên quan đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo,... cần có biện pháp xử lý kịp thời để đảm bảo chính sách, chế độ được thực hiện đúng và có hiệu quả.