Chỉ thị 02/CT-UB năm 1992 về điều tra đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 02/CT-UB |
Ngày ban hành | 18/01/1992 |
Ngày có hiệu lực | 18/01/1992 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Nguyễn Công Ái |
Lĩnh vực | Bất động sản |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UB |
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 01 năm 1992 |
VỀ VIỆC ĐIỀU TRA ĐĂNG KÝ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Ngày 23 tháng 3 năm 1989 Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 67 về việc hướng dẫn thi hành Luật đất đai, trong chỉ thị yêu cầu các địa phương tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và ngày 4 tháng 7 năm 1989 Tổng cục Quản lý ruộng đất có Quyết định số 201/QĐ-ĐKTK quy định về thủ tục cấp GCNQSDĐ. Chủ trương trên đây phù hợp với yêu cầu của thành phố. Những bộ tài liệu địa chính của đợt điều tra theo Chỉ thị 299/TTg (1981- 1985) hiện nay không đáp ứng được yêu cầu quản lý chính xác trong tình hình mới và lâu dài về sau vì đất đai luôn biến động mà bản đồ, sổ sách không cập nhật kịp.
Ủy ban nhân dân thành phố chủ trương cho tổ chức cuộc điều tra đo đạc chính xác, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi toàn thành phố từ năm 1992 trở đi. Do việc lập bản đồ địa chính có tọa độ phải kéo dài, nên song song với những xã, phường tổ chức đo đạc chính xác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính thức, ở những xã khác trong hai năm tới chưa đo đạc được thì vẫn phải tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như lâu nay đã làm, nhưng thẩm quyền do UBND huyện và UBND thành phố quyết định.
Để thực hiện chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo mẫu của Trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ như sau :
1- Ủy ban nhân dân các huyện và quận ven có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý ruộng đất thành phố lập phương án, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện công tác theo từng giai đoạn.
2- Sở Tài chánh có trách nhiệm phối hợp cùng Ban Quản lý ruộng đất thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện để giải quyết cân đối nguồn kinh phí đáp ứng cho công tác này. Nguồn kinh phí chủ yếu là ngân sách quận, huyện lấy từ khoản tiền sử dụng đất thu được khi chuyển đất sang xây dựng. Có kế hoạch thu lệ phí địa chính của công tác này để bổ sung.
Ngoài ra, giao trách nhiệm cho Ban Quản lý ruộng đất thành phố liên hệ với ngành dọc cấp trên (Tổng cục Quản lý ruộng đất) xin nguồn kinh phí hỗ trợ.
3- Ban Quản lý ruộng đất thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn về nghiệp vụ, kỹ thuật thực hiện công tác này theo quy định của Tổng cục Quản lý ruộng đất, và có nhiệm vụ kiểm tra nghiệm thu, lưu trữ, quản lý tài liệu, đồng thời phải tổ chức cập nhật thường xuyên và thống nhất cung cấp các tài liệu, số liệu thông tin về địa chính trên địa bàn thành phố.
4- Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo cho các xã, phường, tuyên truyền cho quần chúng nhân dân để quán triệt chủ trương trên cùng phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý ruộng đất thành phố tổ chức xét duyệt và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo thẩm quyền đã được quy định, để việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bảo đảm về chất lượng, có giá trị pháp lý lâu dài và đúng tiến độ.
5- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ pháp lý cơ bản, do vậy từ nay về sau tất cả cơ quan, các cấp chính quyền khi giải quyết đến những vấn đề liên quan đến từng khu đất như tranh chấp, bồi thường, giao đất, cho vay vốn... đều phải dựa vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm căn cứ để giải quyết.
Tất cả những sửa chữa do sai sót (nếu có) đều phải do Ban Quản lý ruộng đất thành phố quyết định.
6- Những xã, phường đã tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần phải bố trí ổn định, lâu dài cán bộ địa chính.
Công tác điều tra, lập bản đồ địa chính chính xác và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đợt này là một việc làm mang tính kỹ thuật và pháp lý chặt chẽ, tốn nhiều kinh phí. Nó có ý nghĩa về kinh tế, chính trị và giá trị sử dụng lâu dài.
Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các ban, ngành thành phố, UBND các cấp quán triệt chủ trương này để thực hiện có hiệu quả. Định kỳ trong các báo cáo công tác gởi về UBND thành phố phải có nội dung này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
|