Chỉ thị 01/2015/CT-UBND về nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 do tỉnh Bắc Ninh ban hành

Số hiệu 01/2015/CT-UBND
Ngày ban hành 05/01/2015
Ngày có hiệu lực 15/01/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Nhân Chiến
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2015/CT-UBND

Bắc Ninh, ngày 05 tháng 01 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2015

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 trong bối cảnh tình hình thế thế giới diễn biến rất phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo; xung đột xảy ra ở nhiều nơi; căng thẳng trên biển Hoa Đông và biển Đông. Trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao. Trước những khó khăn thách thức chung, tỉnh Bắc Ninh còn chịu ảnh hưởng không nhỏ do doanh nghiệp FDI điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi chậm. Được sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh uỷ, giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của UBND tỉnh; cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nên kinh tế xã hội Bắc Ninh tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng: nhiều chỉ tiêu nằm trong tốp cao của cả nước; các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài được đẩy mạnh; công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được chú trọng; các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao, phát thanh truyền hình tiếp tục phát triển; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo; quốc phòng an ninh được củng cố, tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; các vấn đề xã hội bức xúc được giải quyết; trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực; kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường và nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế tồn tại: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt thấp so với kế hoạch; sản xuất công nghiệp lần đầu tiên giảm cả về giá trị sản xuất và tốc độ tăng trưởng; sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; quản lý doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước; chất lượng giáo dục ở các trường ngoài công lập còn thấp, không đồng đều và chưa được nâng lên; chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa tương xứng với tiềm năng và điều kiện đầu tư của tỉnh; công tác đào tạo nghề và cung cấp lao động chưa đáp ứng được nhu cầu, xuất khẩu lao động còn gặp nhiều khó khăn; công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt với các dự án trọng điểm, quan trọng còn khó khăn, vướng mắc; xử lý ô nhiễm môi trường chưa dứt điểm; công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải chưa có chuyển biến thực sự; tiến độ xây dựng các khu xử lý chất thải tại các địa phương còn chậm; tình trạng khiếu kiện về đất đai chiếm tỷ lệ cao; khiếu nại, tố cáo còn tiềm ẩn nhiều phức tạp; tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; việc thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra ở một số ngành, đơn vị chưa dứt điểm.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015 là: Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu kinh tế tỉnh Bắc Ninh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, khuyến khích phát triển khu vực kinh tế trong nước, bảo đảm kinh tế Bắc Ninh phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý. Tiếp tục phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố quân sự địa phương.

Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được trong năm 2015 (theo giá so sánh năm 2010) là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 6,5%-7%; Cơ cấu kinh tế theo ngành: Công nghiệp - Xây dựng 76,3%; Dịch vụ 18,7%; Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 5,0%; giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp - xây dựng tăng 8,4% so với ước thực hiện 2014 (trong đó: GTSX công nghiệp là 623.270 tỷ đồng, tăng 8,1%); Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 14.000 tỷ đồng; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn 39.100 tỷ đồng, tăng 13,6% so với ước thực hiện năm 2014; Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 26 tỷ USD, tăng 12,8%; Tạo việc làm cho 27.000 lao động; Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh: 98%; Tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch: 80%; Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom: 100%…

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

I. Các giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành

1. Phát triển các ngành kinh tế theo định hướng tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh

1.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị, địa phương:

- Triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu kinh tế tỉnh Bắc Ninh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030”, bảo đảm kinh tế Bắc Ninh phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý.

- Tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển khu vực dịch vụ tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; tiếp tục rà soát, thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch tổng thể cấp huyện, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu.

- Tổ chức triển khai có hiệu quả luật đầu tư công, luật đấu thầu, đặc biệt các quy định về chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Rà soát, sắp xếp đầu tư tập trung cho các công trình trọng điểm, cấp bách, tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

- Nâng cao chất lượng thu hút, đầu tư trực tiếp nước ngoài, hỗ trợ thiết thực sản xuất trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh hợp tác theo hình thức công tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để huy động tối đa nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Tập trung hoàn thiện Báo cáo Kế hoạch đầu tư công 5 năm 2016 - 2020 báo cáo UBND tỉnh trong Quý II/2015; xây dựng các Quy định: Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý vi phạm trong đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh; Quy định về quy trình, phân công trách nhiệm và phối hợp trong lập, giao kế hoạch, theo dõi, quản lý vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước; Quy định về quản lý các dự án công trình đầu tư - chuyển giao (BT) sau khi hoàn thành; Quy định hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã và khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh; Quy định về giám sát, đánh giá đầu tư công; hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

- Thực hiện theo dõi, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm; chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch tổng thể phát triển phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu.

- Triển khai thực hiện các quy định về quản lý doanh nghiệp, đầu tư theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi; tích cực tham mưu công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

1.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị, địa phương:

- Phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững trong xu hướng biến đổi nhanh của quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá, với các sản phẩm sạch, xanh theo định hướng: tập trung sản xuất các loại thực phẩm sạch; xây dựng nông nghiệp đô thị tạo môi trường xanh, thảm cây cỏ xanh, thửa vườn, lâm viên, công viên, vườn cây của gia đình, trong các khu đô thị mới, trong các khu công nghiệp, hành lang dọc các tuyến giao thông trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh từng vùng sản xuất, từng địa phương; thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng phát triển mạnh chăn nuôi, thuỷ sản gắn với an toàn dịch bệnh; nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp theo đúng các mục tiêu, định hướng của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp; phát triển các lĩnh vực cơ giới hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng các giống có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ. Nghiên cứu, bổ sung sửa đổi chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo sự đột phá trong lĩnh vực này trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Hình thành vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn cung cấp nguyên liệu cho các công ty Orion, Vinasoy, DABACO,...

- Phát triển mạnh cây vụ đông để tăng hệ số sử dụng ruộng đất và giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích, gắn với phát triển sản xuất rau an toàn, sản xuất tập trung và công nghiệp chế biến; nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn kết hợp hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Cải tiến và nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm theo hướng năng suất, chất lượng cao. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi các loại vật nuôi mới, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; chăn nuôi công nghiệp sạch, chăn nuôi công nghiệp tập trung vùng đất bãi ven sông theo quy định. Đẩy mạnh phát triển nuôi cá thâm canh có năng suất, giá trị kinh tế cao; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất trên các lĩnh vực con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, xử lý môi trường. Quản lý tốt môi trường, dịch bệnh vùng nuôi, xây dựng các vùng nuôi thuỷ sản tập trung thâm canh, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống sâu bệnh hại cây trồng, dịch bệnh cho đàn vật nuôi và thuỷ sản. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012: đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền Luật; rà soát điều lệ, tổ chức quản lý hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã.

- Tập trung xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch đê điều trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2025, định hướng đến năm 2040; Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án khuyến khích phát triển Hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020; Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh.

- Đổi mới và triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã, hộ gia đình, doanh nghiệp hoạt động trong khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; chú trọng các yếu tố văn hóa. Thí điểm xây dựng 20 mô hình thôn, làng kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới theo định hướng của tỉnh, nâng độ đồng đều giữa các xã, nâng tiêu chí đạt được bình quân/xã trong nhóm cao nhất cả nước; tập trung đầu tư hỗ trợ “đầu yếu” - xã đạt ít tiêu chí, khuyến khích “đầu mạnh” - xã đạt nhiều tiêu chí sớm về đích theo quy định.

1.3. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị, địa phương:

- Phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp chủ lực tạo ra giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị; chú trọng công nghiệp chế tạo, gắn kết doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI; gắn phát triển công nghiệp với đô thị và dịch vụ, nâng cấp lợi thế cạnh tranh.

- Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, bảo đảm an toàn, an ninh cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp áp dụng trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cũng như đẩy mạnh xuất khẩu.

- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành nghề phi nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; các chương trình tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn. Ban hành quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế làng nghề và ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn nhằm tạo tiến bộ mới đối với kinh tế trong nước.

[...]