Báo cáo tổng hợp 441/BC-CP năm 2023 thực hiện Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 441/BC-CP
Ngày ban hành 11/09/2023
Ngày có hiệu lực 11/09/2023
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 441/BC-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2023

 

BÁO CÁO TỔNG HỢP

VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHÓA XIV VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ, CHẤT VẤN VÀ NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ, CHẤT VẤN TỪ ĐẦU NHIỆM KỲ KHÓA XV ĐẾN HẾT KỲ HỌP THỨ 4

Kính gửi:

- Quốc hội;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội có công văn số 435/KH-UBTVQH15 ngày 16/3/2023 về triển khai nội dung giám sát của Quốc hội về thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Chính phủ đã gửi Quốc hội 19 báo cáo chi tiết kết quả thực hiện theo từng lĩnh vực[1]. Chính phủ xin báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện các Nghị quyết nêu trên như sau:

A VIỆC THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ

I. Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

1. Kết quả đạt được

a) Về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương

- Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 56/2017/QH14, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp các tổ chức bên trong bộ, ngành như; tổng cục, cục, vụ và các tổ chức bên trong tổng cục bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, đã giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 08 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm cơ bản phòng trong vụ.

- Về sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc trung ương và chỉ đạo các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã và đang chủ động thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng cấp phó thuộc sở, phòng theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức, số lượng cấp phó theo quy định của Chính phủ. Theo đó, đã giảm được 07 sở và 2.159 phòng thuộc sở và thuộc UBND cấp huyện.

- Về tổ chức phối hợp liên ngành: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành . Theo đó, thời gian qua công tác phối hợp liên ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo được cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành. Tuy nhiên, cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, đặt ra yêu cầu phải rà soát, sửa đổi các quy định về tổ chức phối hợp liên ngành. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Quyết định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến hình thức tổ chức, nguyên tắc tổ chức và hoạt động, thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức phối hợp liên ngành.

b) Về số lượng cấp phó của tổ chức hành chính

- Đối với bộ, ngành: Căn cứ quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó trong tổ chức hành chính, sau khi sắp xếp tổ chức của các bộ, ngành sẽ phải thực hiện giảm theo lộ trình đối với 61 lãnh đạo cấp tổng cục (14 tổng cục trưởng và 47 phó tổng cục trưởng), 17 lãnh đạo cấp cục thuộc bộ, 63 lãnh đạo cấp vụ thuộc bộ, 404 lãnh đạo cấp cục, vụ thuộc tổng cục. Đối với các tổ chức do sáp nhập, hợp nhất làm tăng số lượng cấp phó sẽ phải sắp xếp theo lộ trình quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.

- Đối với địa phương: Căn cứ quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó và kết quả sắp xếp tổ chức hành chính, các địa phương đã rà soát, cơ cấu lại nhân sự lãnh đạo quản lý các cấp thuộc phạm vi quản lý. Đối với các tổ chức do sáp nhập, hợp nhất làm tăng số lượng cấp phó sẽ phải sắp xếp theo lộ trình quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

c) Về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL)

- Về sắp xếp đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương: Kết quả sắp xếp tính đến thời điểm 30/6/2022 : Đối với bộ, ngành còn 1.035 đơn vị, giảm 98 đơn vị, tương ứng giảm 8,6%; đối với địa phương còn 46.653 đơn vị, giảm 7.631 đơn vị, tương ứng giảm 14,05%.

- Về thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập: Thực hiện các quy định của Chính phủ về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập (về vị trí việc làm và nhân sự, tổ chức bộ máy, tài chính), các bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phê duyệt Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý để làm cơ sở thực hiện mục tiêu có 10% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.

- Về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg. Ngày 25/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 150/2020/NĐ-CP, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Việc thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần về cơ bản đã được các bộ, địa phương chủ động thực hiện triển khai, đã có 23 bộ, ngành, địa phương thực hiện thành công việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; trong đó có 02 địa phương hoàn thành chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần nhiều nhất: Hậu Giang (06 đơn vị), Quảng Nam (09 đơn vị). Tuy nhiên, việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn chậm, chỉ chiếm 24,2% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập được phê duyệt danh mục chuyển đổi thành công ty cổ phần giai đoạn 2017-2020. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, một số địa phương chưa bám sát với các quy định (07 địa phương ban hành Quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi khi chưa nhận được văn bản ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ).

d) Về quản lý biên chế, tinh giản biên chế

Giai đoạn 2015-2021:

- Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thuộc khối Chính phủ quản lý năm 2021 là 247.722 biên chế, giảm 27.530 biên chế, tương ứng giảm 10,01 % so với năm 2015 (275.252 người), đạt mục tiêu theo Nghị quyết của Đảng.

+ Số lượng người làm việc (biên chế sự nghiệp) hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021 là 1.789.585 người, giảm 236.366 người, tương ứng giảm 11,67% (trong đó, bộ, ngành giảm 40.221 người, tương ứng 25,19%; địa phương giảm 196.145 người, tương ứng 10,51%), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.

Giai đoạn 2022-2026: Để bảo đảm thực hiện mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021, Bộ Chính trị đã ban hành các Quyết định để giao biên chế giai đoạn 05 năm từ năm 2022-2026 cho các cơ quan của hệ thống chính trị; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 18/10/2022 phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, biên chế hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.

Theo Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị đã giao thẩm quyền quản lý biên chế cho: (1) Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế các tỉnh ủy, thành ủy; (2) Ban cán sự đảng Chính phủ trực tiếp quản lý biên chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đơn vị sự nghiệp ở Trung ương; hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; (3) Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế xem xét, quyết định sử dụng biên chế dự phòng (cơ quan có thẩm quyền giao, quản lý biên chế của các khối, ngành của hệ thống chính trị không quản lý biên chế dự phòng như giai đoạn trước).

đ) Về thực hiện phân cấp, phân quyền

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo; đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP cụ thể như sau:

- Đã trình Quốc hội ban hành: (1) 09 Luật để thực hiện phân quyền đối với các ngành, lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; y tế; thanh tra; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; (2) 06 Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương; (3) 01 Nghị quyết về cơ chế đặc thù của thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với 04 luật để tiếp tục thực hiện phân quyền đối với các ngành, lĩnh vực: tài chính; tài nguyên và môi trường; kế hoạch và đầu tư; thông tin và truyền thông.

- Chính phủ đã ban hành 06 Nghị định để thực hiện phân cấp đối với các ngành, lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; tài chính và ngoại giao; 02 Nghị định đang xin ý kiến các cơ quan có liên quan; 03 Nghị định đang được nghiên cứu để thực hiện phân cấp đối với ngành, lĩnh vực: công thương; giao thông vận tải; y tế; ngoại giao; cho phép 01 Nghị định trình vào thời điểm thích hợp.

[...]