Báo cáo 156/BC-UBND về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017 do tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 156/BC-UBND
Ngày ban hành 30/11/2016
Ngày có hiệu lực 30/11/2016
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Võ Ngọc Thành
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 156/BC-UBND

Gia Lai, ngày 30 tháng 11 năm 2016

 

BÁO CÁO

VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2016, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2017

A. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2016:

Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 10/12/2015 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 147/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 11 - khoá X về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh năm 2016; trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, Ngành trung ương, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự phối hợp của Mặt trận, các tổ chức Đoàn thể, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, nhân dân và các doanh nghiệp trong toàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, chỉ đạo và tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, thể hiện các mặt công tác trọng tâm sau:

I. VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH - QUỐC PHÒNG, ĐỐI NGOẠI NĂM 2016 (Có biểu số 1 kèm theo):

Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2016 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 36.262,5 tỷ đồng, tăng 7,48% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 5,4%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,53%, dịch vụ tăng 8,4%, thuế sản phẩm tăng 10,82%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 39,41%, công nghiệp - xây dựng chiếm 27,40%, dịch vụ chiếm 33,19%. GRDP bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng. Được thể hiện trên các lĩnh vực chủ yếu sau:

1/ Về lĩnh vực kinh tế:

1.1. Nông - lâm nghiệp, thủy sản:

- Giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) năm 2016 khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản ước đạt 24.524 tỷ đồng, bằng 98,7% kế hoạch, tăng 4,58% so với cùng kỳ[1]. Tổng diện tích gieo trồng ước đạt 526.385 ha, đạt 102,15% kế hoạch, tăng 3%. Tổng sản lượng lương thực đạt 536.540 tấn, bằng 94,68% kế hoạch, giảm 2,88% (trong đó cây lúa năng suất 4,38 tấn/ha, sản lượng 318.955,7 tấn, giảm 4,25% so với cùng kỳ). Trong năm không để sâu bệnh, dịch hại lây lan thành dịch trên địa bàn.

Ngành chăn nuôi bước đầu phát triển theo hướng tập trung, quy mô, áp dụng công nghệ cao. Năm 2016 tổng đàn bò đạt 448.900 con, tăng 3,94% so với cùng kỳ; đàn trâu 14.620 con, tăng 1%; đàn heo 462.890 con, tăng 4%. Đã triển khai quyết liệt và có hiệu quả công tác phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh gia súc, gia cầm; kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, nghiêm cấm nhập gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vào tỉnh.

Tổng diện tích khai thác và nuôi trồng thủy sản ước thực hiện 14.100 ha, đạt 100% kế hoạch, tăng 0,68% cùng kỳ. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 4.806 tấn, đạt 83,44% kế hoạch và giảm 11,02% so với cùng kỳ.

- Sản xuất lâm nghiệp: Đã giao khoán quản lý và hợp đồng bảo vệ 134.994 ha rừng, đạt 105,5% kế hoạch; chăm sóc 4.506 ha rừng, đạt 100% kế hoạch: trồng rừng 1.557 ha, đạt 155,7% kế hoạch (trong đó trồng rừng thay thế 115 ha, trồng rừng sản xuất 1.442 ha). Tổ chức thực hiện tốt công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng, rà soát thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số thu - chi dịch vụ môi trường rừng năm 2016 là 70 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Có 38 dự án trồng rừng thay thế với diện tích 420 ha được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép nộp tiền vào Quỹ với số tiền 26,35 tỷ đồng, đến nay đã nộp 25,55 tỷ đồng, đạt 97%.

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng được chỉ đạo quyết liệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch (số 5113/KH-UBND ngày 04/11/2016) triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Trong năm trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng. Phát hiện 822 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng[2], tăng 79 vụ so với cùng kỳ; đã xử lý 771 vụ (trong đó xử lý hình sự 18 vụ), tịch thu 1.806 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 15,3 tỷ đồng[3].

1.2. Tình hình khắc phục hậu quả hạn hán, lũ lụt:

- Từ đầu mùa khô năm 2015 đến tháng 5/2016, tình trạng khô hạn và thiếu nước diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh làm diện tích và năng suất nhiều loại cây trồng giảm so với cùng kỳ. Có 30.556 ha cây trồng bị hạn, tổng thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp khoảng 841 tỷ đồng; có 9.146 hộ dân tại một số địa phương thiếu nước sinh hoạt; 15.895 hộ với 71.091 khẩu bị thiếu đói giáp hạt (trong đó có 13.812 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 63.649 khẩu).

Ủy ban nhân dân tỉnh đã công bố hạn hán, huy động toàn thể hệ thống chính trị vào cuộc, ban hành quy định hỗ trợ giống cây trồng để khôi phục sản xuất. Trung ương đã hỗ trợ 17,9 tỉ đồng và 1.396,4 tấn gạo (03 đạt), các tỉnh bạn, doanh nghiệp đã tài trợ hơn 6 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật. Tỉnh đã chỉ đạo kịp thời phân bổ các nguồn trên và xuất ngân sách tỉnh tạm ứng gần 51 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục hạn hán trong khi chờ trung ương tiếp tục phân bổ, đồng thời chỉ đạo chấn chỉnh xử lý nghiêm hiện tượng chậm phân bổ hỗ trợ kinh phí không đúng đối tượng. Ngày 07/6/2016 tỉnh đã ban hành quyết định công bố hết hạn hán xảy ra trong vụ Đông Xuân năm 2015-2016 trên địa bàn tỉnh.

- Trước tình hình mưa lũ ảnh hưởng đến các địa phương trên địa bàn tỉnh trong tháng 11/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các công điện khẩn và yêu cầu các ngành, địa phương thành lập các đoàn công tác, triển khai các biện pháp phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du, yêu cầu nghiêm túc chấp hành việc vận hành xả lũ hồ chứa thủy lợi, thủy điện, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ thông tin, báo cáo.

1.3. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Đã huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, không huy động, quá sức dân, không để nợ đọng. Người dân đã phát huy vai trò chủ thể của mình, tích cực tham gia, tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập. Đã tổng kết 5 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai chương trình giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới để trình trung ương xem xét. Trong năm đã phân bổ 198,5 tỷ đồng vốn chương trình (vốn trái phiếu chính phủ 107 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu 61,5 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 30 tỷ đồng), đồng thời tập trung chỉ đạo kiểm tra các xã đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016 đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Năm 2016 đã công nhận thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 30 xã.

1.4. Công nghiệp: Do ảnh hưởng của hạn hán và thị trường tiêu thụ nên sản lượng điện sản xuất, đường tinh chế, phân vi sinh, sản phẩm MDF không đạt kế hoạch; sản lượng điện sản xuất tuy tăng 3,86% so với cùng kỳ nhưng chỉ đạt 84,5% kế hoạch; đường tinh chế ước đạt 84,4% kế hoạch, giảm 6,22% so với cùng kỳ (do nắng hạn kéo dài nên nguồn nguyên liệu mía phục vụ cho các nhà máy chế biến đường tinh chế niên vụ 2015 - 2016 giảm so năm trước); phân vi sinh đạt 28,4% kế hoạch, giảm 62,36% (do thị trường tiêu thụ chậm); sản phẩm MDF 38.282 m3, bằng 70,9% kế hoạch, giảm 6,63%.

Tuy nhiên, trong năm một số nhà máy nâng công suất, một số sản phẩm tăng khá nên giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước thực hiện 16.658 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 9,7% so với cùng kỳ; trong đó: Công nghiệp khai thác đạt 225 tỷ đồng, giảm 5,06%; công nghiệp chế biến đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 15,16%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện đạt 5.363 tỷ đồng, tăng 0,49%; hoạt động cấp nước và xử lý rác thải đạt 70 tỷ đồng, tăng 18,64%.

Hiện 222/222 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có điện lưới quốc gia với 315.625 hộ dân sử dụng điện, đạt 98,64%. Toàn tỉnh có 43 công trình thủy điện (08 công trình thủy điện lớn và 35 công trình thủy điện vừa và nhỏ) đã đưa vào sản xuất với tổng công suất 2.194 MW. Năm 2016 toàn tỉnh đã thực hiện tiết kiệm hơn 17 triệu Kwh (tương đương 30,5 tỷ đồng). Nguồn ngân sách trung ương đã bổ sung có mục tiêu gần 27 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Khu Công nghiệp Nam Pleiku đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và đang triển khai lập quy hoạch chi tiết. Cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp Trà Đa và Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện, hiện có 39 nhà đầu tư triển khai 44 dự án (có 4 dự án FDI) tại Khu Công nghiệp Trà Đa với tổng vốn đăng ký 1.324 tỷ đồng (đã thực hiện 1.013 tỷ đồng); có 37 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 1.794 lao động với mức lương bình quân 4,9 triệu đồng/người/tháng; giá trị sản xuất trong khu công nghiệp năm 2016 ước đạt 1.328 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ). Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có 38 nhà đầu tư đăng ký thực hiện 51 dự án, phần lớn là các dự án có quy mô nhỏ, kinh doanh dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng nông sản.

1.5. Đầu tư - xây dựng:

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2016 ước thực hiện 17.051 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 9,18% so cùng kỳ.

Vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giao năm 2016 là 2.136,143 tỷ đồng[4], Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quy định về quản lý dự án đầu tư công của tỉnh, thực hiện giao kế hoạch các nguồn vốn cho các chủ đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương. Thành lập Tổ công tác chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân vốn, giải phóng mặt bằng. Thường xuyên đôn đốc việc hoàn thành các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn. Nhìn chung các công trình đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016 của tỉnh đều đảm bảo tiến độ thực hiện, giải ngân theo quy định của trung ương, không có công trình nào bị cắt vốn[5] (chỉ có dự án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thực nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ, vốn 2016 được bố trí 8,2 tỷ đồng, ước giải ngân 5 tỷ đồng, kế hoạch năm 2017 sẽ không bố trí vốn mới cho dự án này).

1.6. Thương mại - xuất nhập khẩu:

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 44.350 tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Nhìn chung lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, kỳ nghỉ lễ 30/4- 1/5, Quốc khánh 2/9. Nhiều dịch vụ thương mại, bán lẻ chất lượng cao, mua sắm qua mạng phát triển. Các doanh nghiệp tích cực thực hiện Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn (đã tổ chức 01 phiên chợ hàng Việt tại Rattanakiri - Campuchia).

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,36% so với tháng trước[6], tăng 3,36% so với cùng tháng năm trước.

[...]