Báo cáo 8244/BC-VPCP năm 2023 đánh giá về tình hình và kết quả triển khai giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 8244/BC-VPCP
Ngày ban hành 23/10/2023
Ngày có hiệu lực 23/10/2023
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Trần Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8244/BC-VPCP

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2023

 

BÁO CÁO

ĐÁNH GIÁ VỀ TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI TRONG THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, CUNG CẤP DỊCH VỤ CÔNG PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP TẠI CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

Kính gửi: Thử tướng Chính phủ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:

I. TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ TRIỂN KHAI

1. Công tác chỉ đạo, điều hành và hoàn thiện thể chế

a) Kết quả đạt được

Để triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, việc hoàn thiện thể chế tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, nhất là thể chế phục vụ cho chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách, quy định trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện như: Quốc hội đã ban hành Luật giao dịch điện tử; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ- CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Nghị định số 59/2022/NĐ-CP về xác thực, định danh điện tử, Nghị định số 42/2022/NĐ-CP về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Văn phòng Chính phủ ban hành Thông tư số 01/2023/TT-VPCP quy định một số nội dung biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BNV hướng dẫn lưu trữ hồ sơ thủ tục hành chính điện tử; Hội đồng nhân dân 41/63 tỉnh, thành phố1 đã ban hành chính sách miễn hoặc giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến,...

Công tác chỉ đạo, điều hành cũng được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã kịp thời ban hành Kế hoạch, nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Việc quán triệt, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, công chức, viên chức đã được nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm tổ chức để triển khai 05 nội dung đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tại bộ, ngành, địa phương. Đến nay, có 51/852 Bộ, cơ quan, địa phương (chiếm 60%) thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức hoạt động của BPMC, quy chế Hệ thống tin giải quyết TTHC để bổ sung quy trình số hóa trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC.

b) Hạn chế, tồn tại

- Chậm rà soát, sửa đổi các quy định thủ tục hành chính tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành để bổ sung thêm quy định phù hợp với việc chuyển từ phương thức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính truyền thống, giấy tờ, trực tiếp sang trực tuyến, số hóa, sử dụng dữ liệu; tư duy xây dựng quy định thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu vẫn theo phương thức giải quyết trực tiếp hoặc qua bưu chính dẫn đến quá trình thực hiện chưa thực sự hiệu quả, còn gặp vướng mắc về mặt thể chế, tính pháp lý, nhiều dịch vụ trực tuyến được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh nhưng thực tế chưa thuận lợi, vẫn phải tiếp nhận cả giấy và điện tử.

- Một số cơ chế, chính sách, quy định về thực hiện thủ tục hành chính cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới như: Các định mức kinh tế - kỹ thuật, quy định nội dung chi, mức chi cho số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; các quy định, hướng dẫn, định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở cho việc tổ chức xã hội hóa trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính do bưu chính công ích thực hiện; các quy định, tiêu chí rà soát phân cấp thực hiện thủ tục hành chính,...

- Còn có hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”, thực hiện theo phong trào, chưa có sự quan tâm, sát sao của người đứng đầu, nhất là ở một số cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, sở, ngành, huyện, xã ở địa phương để bảo đảm tính bền vững và thực chất của hoạt động cải cách, cung cấp dịch vụ công.

2. Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính

a) Kết quả đạt được

Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính là một giải pháp quan trọng để đổi mới công tác thực hiện số hóa dữ liệu trên cơ sở gắn kết trực tiếp với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm hình thành cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Theo báo cáo của các bộ, địa phương3, đến nay, 67/76 bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC đang có hiệu lực (chiếm tỷ lệ 88,2%); 100% cơ quan, đơn vị quan tâm nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, trong đó đã có 37/76 cơ quan, đơn vị (chiếm tỷ lệ 48,6%) đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo hướng dẫn; 42/76 bộ, cơ quan, địa phương (chiếm 55,3%) đã xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử trên HTTT giải quyết TTHC; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đã được triển khai ở 9.200/11.956 BPMC, chiếm 76,9% (8.364 BPMC địa phương, 836 BPMC thuộc cấp bộ, cơ quan được tổ chức theo ngành dọc). Bên cạnh đó, tính đến tháng 10 năm 2023, Ban Cơ yếu Chính phủ đã đảm bảo cung cấp trên 715.000 chứng thư số cho các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, trong đó đối với cơ quan cấp bộ, ngành, địa phương đã cấp 93 (đạt 100%) chứng thư số cho tổ chức và 407 (đạt khoảng 94.7%) chứng thư số cho lãnh đạo; đối với cấp cục, vụ, sở và tương đương đã cấp 5.198/5.318 (đạt khoảng 97.74%) chứng thư số cho tổ chức và 18.085 (đạt khoảng 98.33%) chứng thư số cho lãnh đạo; đối với địa phương, cấp xã đã cấp 10.462/10.614 (đạt khoảng 98,48%) chứng thư số cho tổ chức và 26.583 (đạt khoảng 71.55%) chứng thư số cho lãnh đạo; đã phối hợp, triển khai trên 58.000 thiết bị SIM ký số trên thiết bị di động cho 30 bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương để phục vụ cho công tác số hóa. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có sự cải thiện rõ rệt, trong đó 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử các bộ, ngành đạt 24,48% (tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 38,94% (tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2022); 63/63 địa phương đã thực hiện triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, cấp được hơn 3 triệu bản sao chứng thực điện tử; việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 81,39% (tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt 70,24% (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2022), góp phần xây dựng, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành như: dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, hộ tịch điện tử, giấy phép lái xe,... Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt như: Bộ Công an, Bộ Tài chính (Thuế, Hải quan), Bộ Giao thông vận tải (Quản lý phương tiện và người lái), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Đăng ký doanh nghiệp), Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang, Bình Phước, Bình Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Bình, Bình Định, Lâm Đồng, Tây Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau,…

b) Hạn chế, tồn tại

- Quá trình tham gia số hóa của các cán bộ, công chức, viên chức thẩm định, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính còn rất hạn chế, chủ yếu việc số hóa mới chỉ dừng lại ở sao chụp chuyển từ bản giấy sang bản điện tử (hơn 56,7% hồ sơ của bộ, ngành và hơn 31,3% của địa phương) nên không những chưa đảm bảo giá trị pháp lý của giấy tờ được số hóa, không thể tái sử dụng, mà còn lãng phí nguồn lực số hóa, tốn kém tài nguyên lưu trữ.

- Việc triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính ở một số địa phương còn chưa đầy đủ, toàn diện, mới chỉ triển khai điểm ở một số Ủy ban nhân dân cấp xã, kết quả thực hiện còn rất thấp như: Đắk Nông; Thành phố Hồ Chí Minh; Cao Bằng; Vĩnh Long; Ninh Thuận; Đắk Lắk; Sơn La; Bạc Liêu; Bình Thuận; Thái Bình,…

- Nhiều giấy tờ, tài liệu đặc thù chuyên ngành phải số hóa như: Bản vẽ kỹ thuật; bản đồ,... nhưng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về cách thức số hóa phù hợp tại pháp luật chuyên ngành nên việc triển khai thực hiện còn lúng túng, thiếu thống nhất, chưa hiệu quả, nhất là ở các địa phương.

- Việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ số hóa của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa kịp thời.

3. Đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công

a) Kết quả thực hiện

Việc khai thác tài nguyên dữ liệu phục vụ số hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả hơn và có một số kết quả nổi bật như:

- Thực hiện Đề án 06, 16 bộ, ngành4 và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công như: xác thực, định danh, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy,…, trong đó 09 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện tiếp nhận và xử lý tra cứu, xác thực thông tin cho 1,2 tỷ trường hợp, đồng bộ thông tin công dân cho 536 triệu trường hợp, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện các thủ tục kiểm tra xác minh, sao in hồ sơ, giấy tờ tùy thân,…; đã tích hợp để thay thế thẻ Bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chíp điện tử trong thực hiện thủ tục khám chữa bệnh tại 12.597 cơ sở khám chữa bệnh, đạt 98,2%; thực hiện đồng bộ, làm sạch dữ liệu của hơn 91,2 triệu thông tin nhân khẩu giữa Cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trong đó có hơn 82,3 triệu người đang đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 94% tổng số người tham gia), tạo cơ sở thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính lĩnh vực bảo hiểm xã hội; đã thu nhận 64,3 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, kích hoạt trên 42 triệu tài khoản, có 24 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử để chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho việc sử dụng tài khoản VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại Nghị định số 59/2021/NĐ-CP,…

- Các dịch vụ công liên thông điện tử được đẩy mạnh dựa trên kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước như: Dịch vụ công trực tuyến đăng ký, cấp biển số xe (dựa trên kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đăng kiểm, hải quan, thuế, công an giúp cắt giảm được thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc xe đối với xe nhập khẩu, giảm các giấy tờ phải nộp, thông tin phải điền của chủ xe); dịch vụ công toàn trình Đổi giấy phép lái xe (dựa trên kết nối, chia sẻ dữ liệu giấy khám sức khỏe của các cơ sở khám chữa bệnh thông qua hệ thống thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dữ liệu xử lý vi phạm hành chính của Bộ Công an giúp giảm thời gian, thủ tục xác minh, kiểm tra và giấy tờ phải nộp,…); 02 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” (giúp cắt giảm hồ sơ, giấy tờ, thời gian thực hiện, chi phí đi lại của nhóm khai sinh từ tổng số 21 ngày làm việc xuống còn 4 ngày làm việc; nhóm khai tử từ tổng số 25 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc),… Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác này như: Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính (Thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước), Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bình Định,…

- Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị5 phục vụ xác thực định danh, đăng nhập một lần và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, trong đó đã công khai, đồng bộ thông tin 6.413 TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính với các Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh; tích hợp, cung cấp gần 4,5 nghìn dịch vụ công trực tuyến, chiếm hơn 70%; phục vụ xác thực, định danh và đăng nhập một lần của gần 10 triệu tài khoản, với 2,8 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin và dịch vụ, trung bình mỗi ngày có 106 nghìn hồ sơ trực tuyến, 50 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng.

- Có 03 Bộ (Nội vụ, Tư pháp, Giao thông vận tải) và 31 địa phương6 đã hoàn thành việc xây dựng, kết nối, tích hợp Kho dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương đã chủ động nghiên cứu, triển khai các giải pháp kết nối, chia sẻ tại bộ, ngành, địa phương giúp việc triển khai thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến thuận lợi, hiệu quả hơn như: (1) Tỉnh Bình Định thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Hệ thống thông tin của các bệnh viện, trường học, doanh nghiệp cấp nước, vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh giúp người dân Bình Định thực hiện thanh toán trực tuyến viện phí, phí trên Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia; (2) Tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Cơ sở dữ liệu quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh trên cơ sở số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh giúp việc quản lý và giải quyết có hiệu quả các thủ tục hành chính liên quan đến người nước ngoài, nhất là các dịch vụ công trực tuyến về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài trên địa bàn tỉnh thuận lợi, hiệu quả hơn,…

[...]