Báo cáo 7765/BC-BKHĐT năm 2024 về tình hình thi hành và khó khăn, vướng mắc liên quan đến một số quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 7765/BC-BKHĐT
Ngày ban hành 24/09/2024
Ngày có hiệu lực 24/09/2024
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Nguyễn Chí Dũng
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7765/BC-BKHĐT

Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2024

 

BÁO CÁO

VỀ TÌNH HÌNH THI HÀNH VÀ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC LIÊN QUAN ĐẾN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT QUY HOẠCH, LUẬT ĐẦU TƯ, LUẬT ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ VÀ LUẬT ĐẤU THẦU

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 63/2020/QH14 ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2024; Chính phủ xin báo cáo về tình hình tình hình thi hành và khó khăn, vướng mắc liên quan đến một số quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu như sau:

1. Liên quan đến Luật Quy hoạch

Quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch trong thực tiễn đã có một số vướng mắc, khó khăn cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể như sau:

1.1. Về hệ thống quy hoạch quốc gia

Phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch tại Điều 1 quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Theo quy định tại Điều 5 thì hệ thống quy hoạch quốc gia bao gồm (i) quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia; (ii) quy hoạch vùng; (iii) quy hoạch tỉnh; (iv) quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và (v) quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Theo quy định tại khoản 9 Điều 3, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành bao gồm các quy hoạch được quy định tại Phụ lục II của Luật này.

Các quy định nêu trên có một số vướng mắc như sau:

- Quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành không thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia quy định tại Điều 5, do vậy không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch quy định tại Điều 1; nhưng lại được định nghĩa tại Điều 3 và liệt kê danh mục tại Phụ lục II dẫn đến các cách hiểu khác nhau về phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch, gây khó khăn, vướng mắc trong việc lập và thực hiện quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

- Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nhưng Điều 6 không quy định mối quan hệ giữa loại quy hoạch này với các quy hoạch khác thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia dẫn đến các cách hiểu khác nhau về vai trò, vị trí của loại quy hoạch này, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và liên kết của hệ thống quy hoạch và gây khó khăn, vướng mắc trong việc lập và thực hiện các quy hoạch.

- Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định tại Điều 5 nhưng lại có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành do cụ thể hóa quy hoạch tỉnh (theo quy định khoản 9 Điều 3) và được lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành (theo quy định tại Điều 28). Quy định này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật để xác định vai trò, vị trí của quy hoạch đô thị và nông thôn và kinh phí cho hoạt động quy hoạch này. Nội dung này cũng đang được đề xuất sửa đổi tại Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2024), theo đó xác định rõ quy hoạch đô thị và nông thôn là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

- Điều 20 quy định một trong các căn cứ lập quy hoạch là quy hoạch cao hơn. Trong quá trình lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 đã có các cách hiểu khác nhau về việc quy hoạch cấp dưới phải chờ các quy hoạch cấp trên được phê duyệt hết mới có đủ căn cứ để lập, dẫn đến sự chậm trễ trong việc lập quy hoạch. Để khắc phục vướng mắc trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 giải thích khoản 1 Điều 6 và khoản 2 Điều 20 Luật Quy hoạch và các quy định này cũng đã được kế thừa tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch.

Do đó, trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14, Nghị quyết số 61/2022/QH15 và thống nhất với Dự thảo Luật Quy hoạch, đô thị và nông thôn đã trình Quốc hội; việc sửa đổi Điều 5, Điều 6 và Điều 20 là cần thiết để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch, xác định rõ mối quan hệ giữa các quy hoạch và làm rõ căn cứ để lập quy hoạch.

1.2. Về nhiệm vụ lập quy hoạch; quy trình lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch và trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch

- Về nhiệm vụ lập quy hoạch:

Theo Điều 15, Thủ tướng Chính phủ tổ chức thẩm định và thành lập Hội đồng “thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh”; nhưng theo khoản 2 Điều 29 thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng “thẩm định quy hoạch tỉnh”. Như vậy, có sự không đồng bộ giữa thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định “nhiệm vụ lập quy hoạch” và “quy hoạch” tỉnh. Do đó, cần sửa đổi quy định này theo hướng phân quyền thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

- Về quy trình lập quy hoạch:

Theo quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều 16, cơ quan lập quy hoạch lựa chọn tư vấn “lập quy hoạch”; đồng thời, tại điểm c khoản 1 và điểm c khoản 3 Điều 16, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan tổ chức lựa chọn tư vấn để “xây dựng các nội dung quy hoạch” đã được phân công và tổ chức thẩm định các nội dung này.

Việc triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định nêu trên gặp vướng mắc trong phối hợp giữa cơ quan lập quy hoạch với cơ quan được giao xây dựng các nội dung quy hoạch để không có sự trùng lặp trong việc lập và thẩm định nội dung quy hoạch và quy hoạch.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Luật Đầu tư công và khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư công chỉ giao cho cơ quan lập quy hoạch, không giao vốn cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ được phân công xây dựng các nội dung quy hoạch; dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai lập các nội dung quy hoạch.

Vì vậy, việc hoàn thiện quy định về quy trình lập quy hoạch là cần thiết để nâng cao hiệu quả trong việc phối hợp giữa cơ quan lập quy hoạch với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan trong lập và thẩm định quy hoạch; đồng thời bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước về quản lý chi phí.

- Về nội dung quy hoạch:

+ Một số thuật ngữ thuộc lĩnh vực thủy lợi và điện lực trong nội dung quy hoạch tỉnh chưa có sự thống nhất với Luật Thủy lợi, Dự thảo Luật Điện lực đã trình Quốc hội[1]. Ngoài ra, nội dung liên quan đến quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được lập để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh đang được sửa đổi tại Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã trình Quốc hội. Do đó việc sửa đổi các quy định có liên quan là cần thiết để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch, tránh trùng lặp về nội dung giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

+ Theo quy định tại các Điều 22, 23, 25, 26 và 27, nội dung quy hoạch bao gồm Danh mục dự án và thứ tự ưu tiên trong kỳ quy hoạch. Tuy nhiên, quy định này chưa bảo đảm tính định hướng của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đồng thời, trùng lặp với Danh mục dự kiến dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án đã được chấp thuận/quyết định chủ trương đầu tư... Trên thực tế, dự án có thể thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực, có quy mô, phạm vi, tính chất khác nhau và không thể xác định được hết số lượng các dự án sẽ triển khai trong cả thời kỳ quy hoạch. Mặt khác, do biến động của tình hình kinh tế - xã hội, khả năng thu hút đầu tư... thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án có thể thay đổi hoặc có thể phát sinh thêm dự án. Nếu xác định luôn các dự án trong quy hoạch và thứ tự ưu tiên thực hiện thì sẽ phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Do đó, việc sửa đổi quy định này là cần thiết để phản ánh đúng tính định hướng của các Danh mục dự án kèm theo; bảo đảm tính khả thi trong quá trình tổ chức, thực hiện quy hoạch.

- Về kế hoạch thực hiện quy hoạch:

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 45, nội dung kế hoạch thực hiện quy hoạch bao gồm kế hoạch sử dụng đất có sự trùng lặp với kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

[...]